Việc Trung Quốc lần lượt siết chặt xuất khẩu nhiều loại khoáng sản thiết yếu cho công nghiệp sản xuất dấy lên lo ngại về một động thái tương tự với đất hiếm – nguyên liệu chủ chốt trong hầu hết các sản phẩm điện tử.
Mỏ Bayan Obo, nơi chứa 70% trữ lượng đất hiếm đã được phát hiện trên toàn cầu, ở khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc
Theo tạp chí Eurasian Times, ngày 20-10 Trung Quốc đã yêu cầu các công ty khai khoáng xin giấy phép xuất khẩu với graphite – loại khoáng sản thiết yếu trong việc sản xuất pin xe điện.
Trước đó, hồi tháng 7, Bắc Kinh cũng từng làm điều tương tự với gallium và germanium – hai khoáng sản cần thiết để sản xuất chất bán dẫn.
Thống trị
Những động thái trên khiến giới quan sát thế giới quan ngại khả năng Bắc Kinh biến các loại khoáng sản giá trị cao mà mình có trữ lượng lớn thành “vũ khí kinh tế”. Trong đó, đất hiếm là “vũ khí” lợi hại bậc nhất mà nước này nắm giữ.
Theo báo Financial Times, một trong những lĩnh vực đặc biệt phụ thuộc vào đất hiếm là chuyển đổi xanh.
Nếu không có nam châm vĩnh cửu, pin xe điện sẽ lớn hơn đáng kể và các tuốc bin điện gió đặt ngoài khơi cũng sẽ cần được bảo dưỡng nhiều hơn. Nói cách khác, nguồn cung đất hiếm quyết định khả năng các nước thành công trong chiến lược môi trường của mình.
Do đó, khi các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, đẩy nhanh quá trình tiến đến trạng thái trung hòa carbon, nhu cầu về đất hiếm vốn cao nay càng tăng vọt.
Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu của lục địa già với tài nguyên này sẽ tăng gấp năm lần hiện tại.
Việc tìm thấy đất hiếm trên thế giới không khó. Tuy nhiên việc xử lý, tinh chế các quặng đất hiếm thành sản phẩm công nghiệp lại đòi hỏi quy trình vô cùng phức tạp và sản sinh nhiều chất thải độc hại.
Do đó, hầu hết các nhà sản xuất phương Tây đã từ bỏ việc khai thác tài nguyên này.
Trong khi phương Tây từ bỏ đất hiếm, Trung Quốc lại nhìn thấy tiềm năng vô hạn của chúng. Trong chuyến công tác thành phố Bao Đầu, một trong những nơi có trữ lượng đất hiếm lớn nhất Trung Quốc, hồi năm 1987, cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Trung Đông có dầu, còn Trung Quốc có đất hiếm”.
Trong 30 năm sau đó, Bắc Kinh đã tận dụng tối đa trữ lượng đất hiếm của mình để xây dựng vị thế không thể lay chuyển trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trung Quốc hiện khai thác 70% sản lượng đất hiếm trên thế giới và xử lý 87% số quặng khai thác. 91% lượng đất hiếm qua xử lý cũng được nước này tinh chế thành sản phẩm và 94% nam châm vĩnh cửu thế giới sử dụng gắn nhãn Trung Quốc.
Với chiến lược công nghiệp dài hạn, được hậu thuẫn bởi nhà nước, các doanh nghiệp Trung Quốc đã thiết lập vị thế kiểm soát ở tất cả các bước trong quy trình biến quặng đất hiếm thành sản phẩm công nghiệp.
Điều này mang lại rất nhiều thách thức với những nước chập chững bước vào ngành công nghiệp khai thác này.
Làm “con tin”
Trung Quốc đang nỗ lực bảo tồn tài nguyên đất hiếm. Năm 2010, Bắc Kinh đã ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản khi căng thẳng chủ quyền giữa hai nước quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tăng cao.
Không dừng ở đó, Bắc Kinh còn cắt đến 72% hạn ngạch xuất khẩu tài nguyên này trong những tháng cuối năm 2010. Điều này khiến giá đất hiếm toàn cầu tăng phi mã, trong khi Nhật Bản buộc phải tìm một nhà cung cấp thay thế.
Viễn cảnh đất hiếm một lần nữa được Trung Quốc dùng làm “con tin” xuất hiện khi nước này đang đối mặt một loạt lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và các nước phương Tây.
Để giảm thiểu hậu quả từ việc này, thế giới đang tìm cách tự chủ hơn về đất hiếm. Theo số liệu Mỹ, trong giai đoạn 2015 – 2022, sản lượng khai thác oxit đất hiếm của các nước ngoài Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần, đạt mức 90.000 tấn.
Tuy nhiên cũng trong thời gian trên, Bắc Kinh đã tăng sản lương đất hiếm của mình lên gần gấp đôi, từ 105.000 tấn thành 210.000 tấn.
Ông Edoardo Righetti, thành viên nhóm nghiên cứu hàng đầu về chính sách của Liên minh châu Âu (EU) CEPS, nhận định: “Bạn không thể phá vỡ lợi thế cạnh tranh họ đã xây dựng trong 30 năm qua chỉ trong 5 năm”.
Không dừng ở đó, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn khai thác đất hiếm đều sẽ phải đối mặt vô vàn chướng ngại vật như lo ngại môi trường, sự phản đối của người dân địa phương, quy trình cấp phép nhiêu khê…
Vì những lý do trên, Financial Times khẳng định chỉ một bộ phận rất nhỏ trong giới tinh hoa tin rằng châu Âu có thể ngừng phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Đa số còn lại tin rằng châu Âu không thể đạt mục tiêu môi trường mà không có Trung Quốc.
Thậm chí, một nhà ngoại giao cấp cao của EU còn mô tả việc cố gắng từ bỏ phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc “như sửa xe khi xe còn đang chạy”.
“Ý tưởng hiện tại không phải là ngừng kinh doanh với Trung Quốc. Chúng ta cần một mối quan hệ lành mạnh và bạn cần rất cẩn thận khi đưa ra thông điệp.
Chúng ta không muốn chống đối Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng không muốn phụ thuộc vào họ”, vị này chia sẻ.
21 tỉ USD
Đất hiếm là tên gọi chung của nhóm 17 nguyên tố hóa học, bao gồm neodymium, dysprosium, holmium, erbium…
Các nguyên tố này có giá trị cực kỳ quan trọng trong sản xuất nam châm vĩnh cửu, linh kiện thiết yếu với hầu hết sản phẩm công nghệ hiện đại.
Theo tổ chức tư vấn lĩnh vực kim loại thiết yếu Project Blue, nếu như trong năm 2023, giá trị thị trường đất hiếm toàn cầu ước đạt 9 tỉ USD thì đến năm 2033, con số này sẽ tăng gấp đôi, lên đến 21 tỉ USD.
Nguồn: tuoitre.vn