Nhà tôi có thửa đất bị bao chiếm, hàng xóm làm hẳn cổng kiên cố và khóa lại. Tôi yêu cầu dỡ bỏ cổng thì hàng xóm đòi phải bồi thường tiền làm cổng mới trả.

Đất bị bao chiếm, đòi bồi thường mới trả, phải làm gì? - Ảnh 1.

Đất bị bao chiếm phải làm thế nào? 

Tôi ở Hà Nội, mua đầu tư một thửa đất ở Củ Chi (TP.HCM) và đã làm thủ tục sang tên đầy đủ. Do ở xa nên không thường xuyên đi lại thăm nom được nên tôi làm tường bao quanh đất và để cổng ra vào. Vài tháng sau tôi tới thăm thấy hàng xóm đã làm cổng bao hết sang phần đất của tôi và khóa chặt lại và sử dụng thửa đất như của họ. Tôi nói chuyện thì hàng xóm nói đã được chủ cũ cho phép và nói nếu muốn lấy lại đất thì bồi thường tiền làm cổng. Tôi chưa từng gặp ai ngang ngược như vậy. Giờ đất của mình nhưng tôi không vào được. Xin luật sư cho tôi lời khuyên phải làm sao?

Bạn đọc Trần Thủy Vân (Long Biên, Hà Nội)

ThS – Luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế) tư vấn như sau:

Theo thông tin chị cung cấp, chị nhận chuyển nhượng thửa đất trên đã tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về chuyển nhượng, thửa đất trên đã đứng tên vợ chồng chị và thực tế chị đã làm tường và cổng bao quanh thửa đất.

Đất bị bao chiếm, đòi bồi thường mới trả, phải làm gì? - Ảnh 2.

Luật sư Võ Công Hạnh.

Quá trình quản lý và sử dụng không hề có tranh chấp. Việc đất bị bao chiếm bởi hàng xóm và khóa chặt không cho chị ra vào đồng thời sử dụng thửa đất trên như của họ.

Với các thông tin trên, chị có thể xử lý theo những cách như sau:

Thứ nhất, nếu nguồn gốc đất trên của chị rõ ràng; thủ tục, giấy tờ pháp lý đầy đủ, hàng xóm giả vờ viện lý do chủ cũ cho phép để làm cổng, bao hết phần đất, khóa chặt lại và sử dụng như đất của họ là hành vi chiếm đất.

Hành vi chiếm đất của người khác là tự ý sử dụng đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác mà không được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đó cho phép.

Khoản 3, khoản 4, điều 16, nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 quy định xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác; biện pháp khắc phục là buộc tháo dỡ, khôi phục tình trạng như trước khi vi phạm.

Theo điều 38 nghị định trên, thẩm quyền xử phạt của vi phạm nêu trên có thể là chủ tịch UBND xã (phạt đến 5 triệu) hoặc chủ tịch UBND huyện (nếu phạt trên 5 triệu).

Thứ hai, giữa chủ cũ và hàng xóm có thỏa thuận cho phép làm cổng, bao hết sang phần đất của chị thì chị phải thực hiện quyền tài phán của mình. Đó là yêu cầu UBND xã thực hiện việc hòa giải để xác minh các sự kiện trên để đưa ra hướng giải quyết nhằm kết thúc vụ việc.

Trong trường hợp các bên không hòa giải thành, chị có thể thực hiện việc khởi kiện tranh chấp trên tại tòa án nhân dân tại địa phương để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Luật sư Võ Công Hạnhtư vấn pháp luật

Các tin liên quan đến bài viết