TS NGUYỄN THỊ THU THỦY – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – ý kiến sau loạt bài của Tuổi Trẻ về những ý kiến trái chiều xung quanh việc lấy ý kiến dự thảo thông tư bãi bỏ quy định trước đây về chương trình chất lượng cao.
Dự thảo thông tư bãi bỏ khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao gây ý kiến trái chiều vì liên quan tới “nồi cơm” của các trường đại học
Chương trình đào tạo chất lượng cao đang được cho là “nồi cơm” của các trường đại học và ngày càng được mở rộng vì chương trình này có mức học phí cao. Nếu không còn chương trình chất lượng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các trường, tạo nhiều ý kiến trái chiều.
Hoan nghênh
* Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình lấy ý kiến bãi bỏ thông tư 23, nhưng một số trường đại học đã chủ động loại bỏ chương trình chất lượng cao trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023 hoặc thay vào đó bằng một tên gọi khác.
Trong khi đó, phần lớn các trường vẫn công bố tiếp tục dành chỉ tiêu tuyển sinh riêng cho chương trình chất lượng cao. Như vậy, cách xử lý của các trường đại học có đang đi đúng với định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo không, thưa bà?
– Khoản 6 điều 65 Luật giáo dục đại học 2012 quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo”.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học 2018 không còn khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao. Do đó, việc dự thảo thông tư bãi bỏ thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT là phù hợp theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc các trường xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao là quyền tự chủ của các trường. Tất cả chương trình đào tạo do các trường tự chủ xây dựng và thực hiện phải tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo. Nếu các trường phát triển các chương trình đào tạo với các yêu cầu chất lượng cao hơn chuẩn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo hoan nghênh.
* Dư luận cho rằng việc loại bỏ chương trình đào tạo chất lượng cao, buộc các trường đại học chỉ đào tạo chương trình đại trà là sự thụt lùi và đi ngược lại với xu hướng phát triển, xu hướng tự chủ đại học?
– Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ phát triển các loại chương trình đào tạo và đồng thời phải thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan cũng như toàn xã hội.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học có thể phát triển và thực hiện nhiều loại chương trình đào tạo khác nhau nhưng các chương trình đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của chuẩn chương trình đào tạo tại thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT và đồng thời các chương trình đó đều phải đảm bảo chất lượng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đào tạo các chương trình với các yêu cầu chất lượng cao hơn so với chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định: “Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội” (điểm d khoản 2 điều 10).
Cam kết với người học
* Thưa bà, sinh viên ra trường thì có phân biệt giữa chất lượng cao và đại trà không? Khi học sau đại học hay đi du học, sinh viên chương trình chất lượng cao có quyền lợi gì khác?
– Tất cả các chương trình đào tạo do các cơ sở giáo dục đại học phát triển và tổ chức thực hiện đều phải đảm bảo chất lượng theo quy định pháp luật. Trong mỗi cơ sở đào tạo cũng như trong các cơ sở đào tạo khác nhau, có nhiều chương trình đào tạo khác nhau theo các mục tiêu khác nhau.
Các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra của các chương trình đào tạo do trường cung cấp. Việc đánh giá chất lượng đào tạo của các trường dựa vào đánh giá năng lực của người học là do bên tuyển dụng, sử dụng lao động đánh giá.
* Bà đánh giá thế nào về chương trình đào tạo chất lượng cao của các trường đại học thời gian qua?
– Đối với mỗi chương trình, các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm cam kết với người học về việc đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Các chương trình đào tạo phải tuân thủ các quy định về đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo đến đầu ra.
Đồng thời, các trường phải thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với các chương trình đào tạo theo quy định. Đối với những cơ sở đào tạo không thực hiện đúng quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có các giải pháp xử lý theo quy định pháp luật.
* Có ý kiến cho rằng nếu chỉ là chương trình bình thường dạy nhưng được giảng dạy bằng tiếng Anh thì không thể gọi là chất lượng cao được. Bà đánh giá như thế nào về việc này, chương trình chất lượng cao liệu đã đúng “chất lượng cao” chưa?
– Việc phát triển chương trình đào tạo theo mục tiêu khác nhau là do cơ sở giáo dục đại học quyết định theo quy định về quyền tự chủ nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành.
Mỗi chương trình đào tạo có thể dạy bằng tiếng Việt hay tiếng Anh hay một ngôn ngữ khác đều phải thực hiện theo quy định về chuẩn chương trình và đảm bảo chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho người học và phải thực hiện công khai, minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình với các bên liên quan và toàn xã hội.
Nguồn: tuoitre.vn