Trong xã hội muôn màu, mỗi nghề sinh ra đều có sứ mệnh riêng. Và với sự bùng nổ thông tin hiện nay, báo chí – truyền thông là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Nhưng một số nhà báo vì phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thậm chí là câu khách, câu view… mà tác nghiệp sai quy trình, trái đạo đức, tạo ra những sản phẩm đi ngược thuần phong mỹ tục, xâm phạm đời tư, thậm chí sai sự thật… Từ đó, hình ảnh cao quý, tốt đẹp của nghề báo cũng giảm sút, gây mất lòng tin và nguy hiểm cho xã hội.
PHẢI BIẾT TỰ TRỌNG NGHỀ NGHIỆP
Đằng sau những con chữ tưởng như khô khan lại tác động không ít đến công chúng. Thế mà mỗi ngày vào các trang báo mạng, báo mạng chính thống, đặc biệt là mục “tin nóng” không ít người vẫn phải bức xúc vì thường xuyên “đập vào mắt” những bài có ngôn ngữ dung tục như: “Nô lệ tình dục trải lòng về quá khứ vén váy kiếm tiền ở Mỹ (Zing.vn – ngày 15-6-2017); “Xiêu lòng ngắm thiên thần nội y mơ màng giữa biển khơi” (Dân Việt, 14-6-2017) hay “Mỹ nữ mặc bikini hái dưa, cười tỏa nắng khiến dân mạng sôi sục” (Một Thế Giới đăng ngày 8-6-2017) và báo Dân Việt đăng lại sau một ngày với tít đã đổi “Hotgirl xinh đẹp mặc bikini hái dưa làm dân tình xôn xao”. Cùng những bình luận về sự “nóng bỏng” của các cô gái xinh xắn mặc bikini với đủ kiểu uốn éo khoe thân, tác giả còn chủ quan phán đàn ông sẽ phải “sôi sục”, “choáng”, “ngất”… vì những tấm hình đó.
Toàn cảnh hội nghị quán triệt thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo tỉnh phối hợp tổ chức tại Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước, tháng 6-2017
Lại có tác giả giật tít “Bà xã Tuấn Hưng gợi cảm chốn khuê phòng khiến anh em “mất ngủ” (Dân Việt đăng ngày 12-6-2017). Phóng viên này đã “bất chấp” nhiều thứ, kể cả đạo đức nghề báo khi xâm phạm đời tư của người khác, rêu rao hình ảnh nhạy cảm “ăn cắp” được từ facebook cá nhân. Người này còn cho rằng, đàn ông mất ngủ vì “Hương Baby để lộ nhiều khoảnh khắc gợi cảm “hết nấc” ở trong phòng ngủ”… Sao lại có thể thô thiển bắt đàn ông phải “mất ngủ” vì… vợ người khác như thế (!?).
Giới trẻ hiện nay đa số rành công nghệ, mà thông tin hở hang, khoe thân, thú chơi sang chảnh, đi xe siêu sang, mặc hàng hiệu… cứ hằng ngày “ra lò” nhan nhản trên báo mạng như vậy thì việc tác động, hình thành lối sống sai lệch là điều thấy ngay trước mắt. Trong khi đó, nhiệm vụ của báo chí là phải biết đồng cảm, trăn trở làm sao giúp công chúng tìm được chân – thiện – mỹ; bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
BÁO CHÍ CẦN VUN ĐẮP NIỀM TIN CHO CÔNG CHÚNG
Báo chí là một nghề dù trực tiếp hay gián tiếp đều liên quan đến thân phận con người. Vì thế, phải cẩn trọng trong từng câu chữ. Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 12-6-2017 có bài: “Mẹ chồng ung thư, bố chồng vào nhà nghỉ với người giúp việc” và được nhiều báo khác chia sẻ cho thấy, một tờ báo uy tín như Phụ nữ Việt Nam có lúc còn tìm cách câu like, câu view… qua việc đặt tít “giật gân”. Nếu ai đó chỉ xem qua cái tiêu đề thì vô cùng tai hại. Người đọc dễ dẫn đến tâm trạng chán nản về nhân tình thế thái và nguy hiểm hơn người ta có thể suy diễn xã hội ngày nay điều gì (tiêu cực) cũng có thể xảy ra để rồi buông trôi, ít điều chỉnh hành vi của mình hơn.
Tháng 7-2015, Bình Phước “nổi tiếng” với vụ án giết người của Nguyễn Hải Dương và đồng bọn nhưng báo chí góp phần làm cho vụ việc nổi tiếng hơn khi khai thác quá sâu chuyện đời tư của những nạn nhân. Thậm chí có báo còn thêu dệt con gái út của họ là con của “kẻ sát nhân” để tăng sự ly kỳ, hấp dẫn… khiến dư luận rất căm giận, có cái nhìn không thiện cảm về báo giới. Quyền được biết sự thật của công chúng là đòi hỏi chính đáng mà báo chí phải thông tin nhưng nếu không đứng ở góc độ đạo đức thì chính nhà báo lại là kẻ tiếp tay hoặc gián tiếp gây ra tội ác. Đơn cử như trường hợp cô bé H 13 tuổi mang thai ở Vĩnh Long bị phơi bày vào tháng 4-2017. Khi báo chí đưa tin quá dày và chi tiết đã khiến 2 “nhân vật” phải tự tìm đến cái chết vì không chịu nổi búa rìu dư luận.
Nhà báo chân chính phải thấy mình “mắc nợ” với những số phận, những sự việc cần được bảo vệ, thấy chừng nào sự thật chưa được phơi ra ánh sáng thì “ăn không ngon, ngủ không yên”… Mới đây, khi xảy ra vụ việc phức tạp ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), nhiều phóng viên, nhà báo đã lập tức lên đường, quyết vào tận nơi để mong sao trả lời được câu hỏi: Điều gì khiến người dân bức xúc, kích động đến thế? Có nhà báo chấp nhận làm “con tin” để được trao đổi, phỏng vấn, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Những dòng tin, bài viết nhân văn ấy không chỉ được bạn đọc đón nhận mà còn là bằng chứng sinh động bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về sự việc này… Điều đó thêm lần nữa khẳng định làm báo là phải đau đáu với nỗi đau, nỗi khổ của nhân vật mà mình muốn giúp đỡ. Nhà báo phải dấn thân, lăn lộn khắp “hang cùng ngõ hẻm”, đến cả nơi nguy hiểm để tìm ra sự thật chứ không phải ngồi phòng điều hòa, đi xe hơi… và viết bài… “lá cải”. Đó là chưa kể còn có những “con sâu” phách lối, tống tiền… làm ảnh hưởng đến uy tín nhà báo chân chính.
Hiện nay, công nghệ truyền thông ở Việt Nam phát triển với tốc độ khá nhanh, mang tính đột phá đang đem lại nhiều lợi ích cho nhà báo, nhưng cũng đặt ra vấn đề về đạo đức nghề nghiệp cho họ. PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng, giảng viên Học viện Báo chí – Tuyên truyền từng nói: “Việc giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng, lương tâm nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. Một nền báo chí nhân văn là nền báo chí dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức”. Đặc biệt, ngày 16-12-2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều quy định đạo đức người làm báo và ngày 1-1-2017 Luật Báo chí 2016 có hiệu lực. Đây sẽ là những tài liệu “gối đầu giường” đảm bảo nhà báo có định hướng đúng và báo chí hoạt động luôn dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.