Được làm nghề mình yêu, được nhiều người thích hát cùng và giữ được gia đình yên ấm, Tuấn Ngọc thấy mình quả là một người đàn ông may mắn. Tuy nhiên, anh vẫn nghĩ, đời về cơ bản là buồn.
Danh ca Tuấn Ngọc chia sẻ nhân lần về nước biểu diễn và chuẩn bị cho live show “Đêm Việt Nam 7: Chuyện của mùa đông” tháng 12 tới. Trái hẳn với phong thái kiệm lời cố hữu, lần tiếp xúc này của anh với báo giới vô cùng cởi mở, khi chỉ còn mấy tiếng là ra sân bay về lại Mỹ.
“Nếu tôi làm được gì cho người phụ nữ của tôi vui thì tôi sẽ làm. Tôi sẽ làm điều họ thích, chứ không phải tôi thích; họ cần, chứ không phải tôi cần. Nhưng… không phải cái gì cũng làm được”. |
Sợ nhất là nói hớ
– Đã 12 năm kể từ ngày anh về lại VN biểu diễn. Tới giờ này anh có nhớ là đã về mấy lần rồi không?
Có câu “Nhớ chết liền”. Tôi chỉ biết là tôi về nhiều đến… “phát ngượng”. Nhưng mà vẫn cứ muốn về.
– Gần như không thể gọi Tuấn Ngọc là… “ông”, vì gần như tuổi thất thập không làm gì anh được?
Ờ là vì tôi vừa đi Hàn Quốc căng da mặt về đó! Trước khi về Hà Nội bao giờ cũng phải ghé Hàn Quốc (cười).
– Cả vóc dáng nữa…
Ồ, tại… mặc quần áo đó! (cười). À mà tôi cũng có chơi ít thể thao, tôi đánh tennis và cũng ăn uống gìn giữ!
– Nổi tiếng ăn nói có duyên trên sân khấu nhưng khi trả lời phỏng vấn, Tuấn Ngọc lại thường gây cảm giác an toàn quá, nhất là khi nói về tình yêu. Một người đàn ông đào hoa mà chung tình thì liệu có lãng phí quá không nhỉ?
Thường người ta hay khen tôi là người đường hoàng. Thực sự thì trên đời này con người ta ai cũng muốn được ăn ngon mặc đẹp cả, và đã là đàn ông thì ai cũng đều thích được ngắm phụ nữ đẹp. Tôi cũng vậy. Nhưng mình phải biết mình đang là ai, ở đâu. Nếu mình đang là một gã độc thân, thôi thì làm gì cũng được. Nhưng đây mình đã có vợ, lại còn có con, mình phải giữ cho vợ con chứ!
– Ở tuổi này, nỗi sợ lớn nhất của anh là gì?
Tất nhiên là càng lớn tuổi thì sẽ càng nhiều mối lo hơn, có khi đang làm chuyện này lại nhớ chuyện kia, không tự nhiên và hồn nhiên được như lúc trước. Sợ, thì chỉ sợ nhất là… nói hớ (cười). Giờ tôi còn chịu nói, chứ hồi trước lên sân khấu tôi toàn đứng hát không à, tôi nghĩ bổn phận của ca sĩ là hát, tôi và anh không liên quan. Cái đó rất là sai, sai ghê, không có khán giả làm sao có nghệ sĩ.
Sống, là phải biết ơn cuộc đời. Nghệ sĩ, là phải biết ơn khán giả, phải đến thật gần với họ (tôi thích hát phòng trà hơn sân khấu lớn cũng là vì thế). Nhưng mà nói thì cũng chỉ nên nói ít. Thà bảo không biết, còn hơn vỗ ngực bảo mình biết tuốt, lớn tuổi rồi nên cái gì cũng biết – cái đó nó kỳ lắm!
Danh ca Tuấn Ngọc: Nếu độc thân thì làm gì chẳng được! |
Không phải nhịn, mà là thấy đủ
– Đã bao giờ anh sợ mất giọng?
Không có. Bên Mỹ có người còn đi hát tới tận năm 91 tuổi. Nên là tôi nghĩ chắc tôi cũng phải hát được tới 20 năm nữa (cười). Cái gì đã là của mình thì nó vẫn là của mình thôi. Nếu như mình biết giữ nó. Cái gì quý thì phải biết giữ. Có nhiều món ăn ngon tôi cũng thích ghê lắm, rồi thì bia rượu nhưng mà khi biết nó phá giọng, tôi cũng đành phải bỏ.
– Đời anh có vẻ hay chia động từ “nhịn” nhỉ: Nhịn ăn ngon, để giữ giọng, và nhịn… yêu, để giữ gia đình?
Không phải là nhịn, mà là mình thấy đủ. Nếu nghĩ thiếu thì cứ thiếu hoài. Tôi quen nhiều người ăn chơi lắm, chỉ vì họ không biết đủ. Đàn ông còn bao thứ khác quan trọng trên đời. Được làm cái nghề mình yêu thích, tận tới giờ vẫn còn được khán giả thương, được nhiều người thích hát cùng và giữ được gia đình yên ấm…. Tôi thấy mình quả là một người đàn ông may mắn, ít ra là hơn Van Gogh. Ông ấy hơn tôi tất cả, chỉ kém tôi mỗi khoản may mắn. Khi còn sống, tranh của ông không bán được; tới lúc ông chết, người ta mới đổ xô. Đây tôi… ngược lại. Khi tôi sống, mọi người thường khen tôi hát hay. Vậy chắc khi tôi chết rồi, sẽ chẳng còn ai buồn nghe tôi nữa (cười).
– Anh thấy đủ, nhưng đã chắc gì vợ anh thấy đủ – đã bao giờ anh nghĩ thế?
Phía tôi thấy đủ, thì chắc vợ tôi cũng sẽ thấy đủ. Cuộc đời không nên ép, ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên (cười).
– Con gái Phạm Duy, hơn thế, còn là một đại gia đình nghệ sĩ, từng một thời cầm mic sôi nổi, cho tới khi… làm vợ của anh. Đó là do anh gia trưởng, hay cô ấy tình nguyện hy sinh cho gia đình?
Ngay từ nhỏ, tôi đã có ý nghĩ: Người chồng giống như là cái vòng ngoài, còn vợ vòng trong. Lý tưởng ra thì một gia đình nên là như thế: chồng ở ngoài, vợ ở trong. Ở trong khó hơn nhiều đấy, dù bên ngoài cũng đã là căng thẳng lắm rồi! Tôi thấy có nhiều gia đình thành công về mặt kinh tế nhưng vợ chồng con cái gần như chẳng mấy khi gặp nhau trong một bữa cơm. Nghề này, đủ sống thôi là tôi đã thấy may rồi, một người đi ra ngoài là đủ rồi. Vợ tôi giờ là một người nội trợ hoàn toàn, cô ấy đã giúp tôi làm được việc lớn ấy.
– Anh có chắc là cô ấy không thèm đi hát nữa?
Không ai đã đi hát rồi mà lại không thích hát nữa cả. Đi hát vui lắm chứ, hát còn giúp nở phổi, còn tốt cho sức khỏe nữa, nó là cả một niềm hạnh phúc. Nhưng đôi khi cũng nên cân nhắc giữa các lựa chọn.
– Điều dễ chịu nhất mà anh có thể mang lại cho một người phụ nữ là gì?
Nếu tôi làm được gì cho họ vui thì tôi sẽ làm. Tôi sẽ làm điều họ thích, chứ không phải tôi thích; họ cần, chứ không phải tôi cần. Nhưng không phải cái gì cũng làm được (cười).
– Anh có nghĩ khi một người đàn ông may mắn gặp được đúng người thì họ cũng dễ chung tình hơn? Không ai nói khôn nói giỏi ở đây được.
Không, thì giả như mình trót chọn nhầm, thì mình cũng nên xin lỗi họ, và cũng không nên trách họ, không nên hành xử không đúng, không tốt với họ. Vì đó là lỗi của mình mà! Cũng giống như khi mình mua xe vậy, muốn an toàn thì phải chọn kỹ, tìm hiểu cho kỹ…
Danh ca Tuấn Ngọc song ca cùng vợ – ca sĩ Thái Thảo. |
Sơn Tùng là người thông minh
– Có bài hát nào anh thấy nó vận vào đời mình?
Bài hát thì không, nhưng thể loại thì có đấy! Xưa giờ tôi toàn hát nhạc tình buồn, thì lớn lên thấy cuộc đời buồn thật! Bản chất cuộc đời này là buồn. Đó là lý do vì sao tôi cứ khuyên ba cô con gái của mình không nên sinh con, vì ngay cả việc con người ta được sinh ra trên đời này – đấy cũng đâu phải là lựa chọn của họ. Con người ta, thật ra rất là ít lựa chọn…
– Anh có thấy mình mâu thuẫn không: Vừa thấy mình may mắn, lại vừa thấy đời buồn?
Tôi thấy xã hội giờ nhiều người không còn coi trọng luân thường đạo lý. Buồn là buồn cái đó. Nên là mình hát để cho cuộc đời nó bớt buồn đi thôi. Mình cũng nên sống sao cho cuộc đời bớt buồn.
– Khi hát, điều anh quan trọng nhất là gì?
Như bạn cũng biết đấy, dòng nhạc tôi hay hát là dòng nhạc xưa, là thứ nhạc mà người ta hay viết bằng cả trái tim mình. Nên khi hát, điều tôi quan trọng nhất là làm sao diễn tả được cảm xúc. Còn đôi ba cái trò biểu diễn hoa hòe hoa sói, tôi không để ý. Nghề này, có người hát bằng giọng mũi, giọng cổ nhưng tôi chỉ chuyên hát bằng giọng ngực, cũng chính là để hát sao cho thật nhất, gần với xúc cảm nhất. Nhưng không có nghĩa, mải đuổi theo cảm xúc mà bỏ quên kỹ thuật.
– Lúc trước, anh thường ít kết hợp. Vì sao, khi về nước, anh lại thường vui vẻ gật đầu, với cả những giọng ca trẻ thuộc dòng nhạc thị trường, gây tranh cãi như Sơn Tùng?
Ô thì mình đi hát, có người muốn hát chung với mình, sao mình lại từ chối? Nhất lại là một người trẻ. Trừ khi sự kết hợp đó là kỳ quá! Sơn Tùng, tôi cũng đã nói chuyện, tôi thấy cậu ấy thông minh mà! Còn chuyện bắt chước nhạc, ôi trên đời này thử hỏi có ai là không bắt chước. Ngay cả cái bộ quần áo trên người mình cũng đâu phải của mình đâu. Miễn sao cái sự bắt chước đó, ảnh hưởng đó, không hoàn toàn là copy, mà phải cố gắng để vào đó dấu ấn riêng của mình.
– Đi hát sớm, nổi tiếng muộn, trụ hạng lâu – Công thức thành công mà anh rút ra sau hơn nửa thập kỷ cầm mic là gì?
Cái này không phải do tôi rút ra mà là của một ông tỷ phú Mỹ. Nó có 3 điều kiện cần và đủ. 1 là cần biết rõ cái việc mình làm. 2 là siêng năng học hỏi, càng đi hát lâu năm càng không nên tự phụ. Ai khen mình hát hay thì tốt, nhưng không có nghĩa là… người ta đúng. 3 là may mắn. Nghề này không có yếu tố may mắn là tiêu đó!
– Khó nhất, khi đứng “riêng một góc trời” trên sân khấu là gì?
– Là chiến đấu với… sự mắc cỡ! Nghề này nó tức cười vậy đó!
Nguồn: vietnamnet