Một loạt sự việc không thể nói khác hai từ “thảm họa” trong ngành giáo dục gần đây khiến ai ai cũng phải đau xót.
Đau lòng vô cùng khi chứng kiến những chuyện không thể tưởng tượng nổi: từ cô giáo – học trò bị bắt quỳ qua quỳ lại, cô giáo mấy tháng lên lớp “tịnh khẩu” với học trò, cô bắt học trò uống nước giẻ lau bảng đến học trò đâm thầy vì thầy nhắc nhở hình xăm của mình; học trò bóp cổ cô, thầy giáo bị đánh gãy xương mũi vì tát học trò…
Rồi giáo viên tố hiệu trưởng ép phá thai để giữ thành tích trường; rồi áp lực học khiến chỉ trong vài ngày, một nam sinh Cao Thắng nhảy lầu, một học sinh giỏi tự tử…
Dù chỉ một số trường hợp nhưng không thể nói đây chỉ là hiện tượng cá biệt. Bởi những thầy đánh trò, trò đánh thầy, bảo mẫu hành hạ các bé, học sinh tự tử vì áp lực học… cũng đã xảy ra nhiều lần, chỉ có điều thời gian này nó nở rộ thôi…
Ngành giáo dục phản ứng ra sao? Có hiệu trưởng bị cho nghỉ, có phụ huynh bị khai trừ Đảng, một số cô giáo bị kiểm điểm, cảnh cáo, đình chỉ hoặc thôi việc…
Rồi ngày 5-4, Bộ trưởng Nhạ gửi công văn đề nghị chủ tịch các tỉnh, thành tăng cường đảm bảo an ninh trường học.
Toàn những chủ trương, quy định không mới và có lẽ ít ai tin hiệu quả của nó. Trong khi đó, tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường ĐH Việt Nam” do Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 11-4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã quyết tâm đưa giáo dục ĐH Việt Nam vào “cuộc chơi toàn cầu” của các bảng xếp hạng uy tín với “nhiệm vụ trọng tâm” là xếp hạng ĐH.
Trước đó, chỉ sau khi Thủ tướng yêu cầu, rà soát một lần và chắc chắn chưa hết, chỉ tính năm 2017, ngành giáo dục lòi ra vài chục ông bà giáo sư, phó giáo sư không đạt chuẩn.
Hiện tượng tranh đoạt thành tích, chức danh tràn lan trong ngành, từ cấp cao nhất cho đến tận các trường tiểu học, mầm non như vậy bảo sao môi trường giáo dục không “sôi sục” được.
“Kẻ nào hiếu danh, việc làm thường giả dối” (Lã Khôn). Sống trong môi trường có nhiều hành vi giả dối, tranh giành như vậy, có lẽ những thảm họa là một tất yếu, không hôm nay thì ngày mai.
Chúng ta không phủ nhận những tác động của bên ngoài, xã hội và gia đình, nhưng môi trường mô phạm, tức khuôn mẫu cho học trò xưa nay phải là khuôn mẫu về nhân cách, trình độ của người thầy – dù cho bên ngoài thế nào chăng nữa.
Trong đó, nhân cách lớn nhất mà nhà trường, ngành giáo dục cần phải xem là nhiệm vụ trọng tâm: đó phải là nơi truyền giảng yêu thương, là môi trường thật sự của yêu thương giữa các thành viên trong đó: thầy với trò, trò với thầy, trò với trò, thầy với thầy…
Khi có thầy trò vẫn còn ít nhiều mất niềm tin và chỗ dựa trong cuộc sống, gia đình thì trường lớp phải là tổ ấm cuối cùng, chứ không phải là “pháo đài” như vô số băngrôn trên đường phố, trước cổng trường, trong sân trường lâu nay.
Chiến tranh đã qua từ lâu trên đất nước ta. Xin đừng mải miết dùng từ ngữ khơi gợi ký ức đau buồn ấy trở lại, nhất là trong môi trường giáo dục. Nhà trường hôm nay hãy là tổ ấm, đừng là pháo đài chiến đấu.
Thầy trò là để dạy và học, yêu thương nhau, không phải để đánh đấm! Càng không phải để khoe danh, giành chức, đoạt quyền…
Nguồn: tuoitre.vn