Từ mức đỉnh gần 200.000 đồng/kg, giá sầu riêng tại miền Tây lao dốc còn 50.000-52.000 đồng/kg do đang vào vụ thu hoạch rộ, lại đụng độ hàng Thái ở thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc.
Chiều 4/5, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang), tất bật chỉ đạo người làm cân mua sầu riêng của các nhà vườn, phân loại sầu… trước khi đóng thùng đưa lên xe container để cho các doanh nghiệp chở đi xuất khẩu.
“Ngày nào tôi cũng thu mua khoảng 36-55 tấn sầu riêng để đóng đủ 2-3 container hàng cho các doanh nghiệp”, ông Lộc nói. Song, khoảng một tuần nay, giá sầu rớt mạnh xuống còn 50.000-52.000 đồng/kg khi mua tại vườn. Còn cân mua tại vựa sầu có giá 60.000-65.000 đồng/kg.
Ông Lộc nhớ thời điểm đầu năm nay, giá sầu riêng nghịch vụ vọt lên gần 200.000 đồng/kg – mức cao kỷ lục lịch sử giúp các nhà vườn dịp đó trúng đậm. Nay vào vụ thu hoạch rộ ở miền Tây, đặc biệt là ở Tiền Giang, nên giá loại trái cây đặc sản này lao dốc.
Từ mức đỉnh gần 200.000 đồng/kg, giá sầu riêng tại miền Tây lao dốc còn 50.000-52.000 đồng/kg
Với mức giá hiện nay, nhà vườn trồng sầu riêng vẫn có lãi khoảng 70-80 triệu đồng/công (1.000m2). Ông Lộc cho rằng, giá sầu riêng sẽ ổn định ở mức 50.000-55.000 đồng/kg, rất khó giảm thêm bởi mặt hàng này đã được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Theo ông Lý Văn Tịnh – Giám đốc HTX Trường Trung A (TP. Cần Thơ), do sầu đang rộ vụ thu hoạch nên giá giảm mạnh so với hồi đầu năm.
Vụ này, HTX Trường Trung A có khoảng 400 tấn sầu riêng, giá bán tại vườn cho thương lái dao động từ 49.000-55.000 đồng/kg tùy loại. Ông khẳng định, mức giá này nông dân trồng sầu vẫn có lời.
Tại Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang… giá sầu Ri6 mua xô tại vườn dao động trên dưới 50.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000-25.000 đồng/kg so với đầu tháng 4 và giảm 120.000-140.000 đồng/kg so với mức giá đỉnh điểm hồi giữa tháng 1 và đầu tháng 2 năm nay.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, chỉ rõ, thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay, sầu riêng sốt giá là do nghịch vụ, nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc rất cao bởi dịp lễ Tết.
Đến nay, sầu riêng ở miền Tây rộ vụ, nguồn cung dồi dào. Thái Lan cũng bước vào chính vụ thu hoạch sầu của năm. Song, thị trường chính của sầu Việt Nam và Thái Lan vẫn là Trung Quốc. Thế nên, theo quy luật cung cầu, cung nhiều giá sẽ giảm.
Chưa kể, ở nước ta hiện nay chỉ có khoảng 246 mã số vùng trồng (khoảng 12.000ha) và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Con số này khá khiêm tốn so với diện tích sầu của cả nước là 100.000ha.
Tại miền Tây, sầu đang vào mùa thu hoạch rộ
“Một số doanh nghiệp đã xuất khẩu hết quota (hạn ngạch), giờ muốn xuất khẩu nữa cũng không được”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, sản lượng sầu riêng ở nước ta năm nay ước đạt 1 triệu tấn, tăng gần 16% so với năm 2022. Trong đó, quý I/2023, sản lượng sầu ở các tỉnh miền Nam khoảng 90.000 tấn, sang quý II do vào chính vụ nên đạt 300.000 tấn.
Quý II và quý III/2023 là cao điểm thu hoạch sầu ở nước ta, với sản lượng khoảng 650.000 tấn, nên áp lực tiêu thụ rất lớn, ông cho hay.
Phía Trung Quốc vẫn tiếp tục xem xét để phê duyệt thêm mã số vùng trồng sầu riêng. Song, doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết với người dân, đơn vị trồng sầu để quản lý chất lượng, sản lượng và an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn phía đối tác đề ra, ông nhấn mạnh.
Kết thúc năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đem về 421 triệu USD, tăng gần 137% so với năm 2021 – kỷ lục lịch sử về giá kim ngạch. Năm nay, dự kiến xuất khẩu sầu riêng sẽ giúp Việt Nam thu về khoảng 1 tỷ USD, thị trường chính vẫn là Trung Quốc.
Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt 153,5 triệu USD, tăng hơn 8,3 lần (733,2%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến 87% thị phần với kim ngạch 133,6 triệu USD.
Nguồn: vietnamnet