Sự khác biệt về gen dẫn tới miễn dịch kém, lười rửa tay và hút thuốc lá khiến cho nam giới dễ nguy kịch hơn nữ giới khi mắc căn bệnh đang lan tràn này. 

Kaedrea Jackson là bác sĩ cấp cứu đã tham gia chống dịch Covid-19 tại New York – tâm dịch của nước Mỹ, kể từ những ngày đầu. Với kinh nghiệm lâm sàng của mình, bà nhận ra sự kỳ lạ ở những người mắc bệnh phải nhập viện.

“Chúng tôi tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 bao gồm cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, những ca diễn biến nặng lại thường xảy ra ở đàn ông”, bà nói.

Bác sĩ Jacson từng đối mặt với nhiều dịch cúm trong sự nghiệp nhưng chưa bao giờ xuất hiện sự mất cân bằng giới ở tỷ lệ tử vong rõ rệt như dịch Covid-19 lần này.

Báo cáo từ nhiều tiểu bang trên khắp nước Mỹ cũng cho kết quả tương tự. Thậm chí ở một số nơi, tỷ lệ nhiễm bệnh của phụ nữ cao hơn nhưng số ca tử vong ở nam giới vẫn nhiều hơn.

“Tôi đã chứng kiến nhiều người đàn ông nhập viện trong tình trạng rất nặng. Họ bị suy hô hấp cấp và cần đặt nội khí quản ngay lập tức. Nam giới chiếm 55% số ca nhiễm Covid-19, nhưng chiếm tới 62,5% số người tử vong”, bác sĩ Jackson nói.

Đàn ông có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao hơn phụ nữ

Các dữ liệu thống kê từ khắp nước Mỹ cho thấy, đàn ông đang có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao hơn phụ nữ 

Để lý giải cho sự mất cân bằng này, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết khác biệt về gen giữa nam giới và nữ giới.

Đối với hầu hết các bệnh truyền nhiễm, phụ nữ có khả năng miễn dịch mạnh mẽ hơn nam giới. Ví dụ như khi bị nhiễm HIV, lượng vật chất di truyền của virus tìm được trong máu ở nữ giới thấp hơn 40% so với đàn ông.

Trong trường hợp cùng bị nhiễm virus coxackie, đàn ông có nguy cơ viêm cơ tim và tử vong gấp đôi nữ giới. Phụ nữ cũng ít nhạy cảm với hai chủng virus viêm gan B-C thường gặp.

“Điều này đúng ngay cả với các động vật khác. Ở loài chim, con cái có phản ứng nhiễm trùng cao hơn con đực, nhất là trong mùa giao phối. Các tế bào miễn dịch chuyên ăn vi khuẩn ở thằn lằn cái cũng hoạt động hiệu quả hơn thằn lằn đực. Ở loài người, sự khác biệt này nằm ở nhiễm sắc thể giới tính X”, ông Robyn Klein, Giám đốc Đại học Washington (St. Louis, Missouri) cho biết.

Có khoảng 60 gen đảm nhiệm chức năng miễn dịch có mặt trong nhiễm sắc thể X. Theo lý thuyết di truyền, nữ giới được thừa hưởng 2 nhiễm sắc thể X từ mẹ và từ cha. Trong khi đó, nam giới chỉ có một nhiễm sắc thể X. Vì vậy, phụ nữ có nhiều vật chất di truyền để chống chọi lại bệnh tật gấp đôi so với nam giới.

“Tế bào miễn dịch của nữ giới phản ứng nhanh và mạnh hơn. Không chỉ vậy, hệ hoóc môn nữ cũng tham gia vào quá trình này. Estrogen được tiết ra từ buồng trứng sau đó liên kết với tế bào miễn dịch, kích hoạt sản xuất các phân tử chống lại mầm bệnh. Testosterone ở nam giới có tác dụng ngược lại. Hoóc môn này ức chế quá trình viêm, khiến mầm bệnh dễ lan ra các bộ phận khác”, bác sĩ Robyn Klein nói.

Nguyên nhân cuối cùng khiến tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở nam giới cao hơn là thói quen sinh hoạt. Nghiên cứu trên 3.000 người cho thấy, một nửa số đàn ông đã không rửa tay bằng xà phòng sau khi sử dụng phòng tắm.

Bên cạnh đó, thói quen hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Khói thuốc lá làm tê liệt các sợi lông siêu nhỏ trên bề mặt khí phế quản, khiến virus dễ dàng bám dính và xâm nhập vào tế bào.

“Phụ nữ cũng có xu hướng chăm đi khám bệnh hơn nam giới. Đàn ông thường đợi đến khi triệu chứng nặng không thể chịu được nữa mới vào bệnh viện. Lúc đó, mọi thứ đã quá trễ. Theo tôi, đây cũng là một nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nam giới cao hơn”, Tara Smithm, nhà dịch tễ học tại Đại học Kent (Ohio) cho biết.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : COVID-19dịch bệnhđàn bàđàn ongtử vong

Các tin liên quan đến bài viết