Vừa qua, Bộ Đàn đá Lộc Hòa (xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đã vinh dự được Chính phủ ký Quyết định công nhận là bảo vật Quốc gia. Hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Bình Phước. Bảo vật Quốc gia Đàn đá Lộc Hòa bộ nhạc cụ có kỹ thuật chế tác tinh xảo của người tiền sử, với niên đại trên 3.000 năm. Đây là minh chứng tiêu biểu cho sự hiện diện của người cổ xưa trên mảnh đất Bình Phước, chứng minh bề dây truyền thống của những cư dân đã sinh sống lâu đời trên mảnh đất này.
Đàn đá Lộc Hòa
Bảo vật cấp Quốc gia duy nhất của Bình Phước
Bộ Đàn đá Lộc Hòa được phát hiện vào 10-1996, khi canh tác vườn nhà, ông Bùi Hữu Triều, ấp 8 xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh đã phát hiện 12 thanh đàn đã nằm xếp gần nhau theo kích thước từ lớn đến nhỏ. Ít ngày sau, ông tiếp tục phát hiện 14 thanh đá cách nơi phát hiện 12 thanh đá khoảng 1 mét. Ông Triều đã báo cáo cho cơ quan chức năng để có phương án xử lý. Phát hiện này nâng số lượng bộ đàn đá trên địa bàn Bình Phước tăng lên đáng kể.
Sau khi tiếp nhận thông tin, các cơ quan chức năng của xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh phối họp với Bảo tàng tỉnh Sông Bé cũ (nay là Bảo tàng tỉnh Bình Phước) để phối hợp với các cơ quan khoa học tiến hành khai quật và nghiên cứu hiện vật mới được phát hiện. Qua nghiên cứu bước đầu, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn Tp.Hồ Chí Minh xác định đây là Đàn đá – một loại nhạc cụ cổ xưa của người tiền sử.
Trong quá trình khai quật các di chỉ đắp đất hình tròn, khảo cổ học các nhà khoa học đã liên tục phát hiện nhiều mảnh vỡ của Đàn đá cùng chất liệu tương tự như hai bộ Đàn đá Lộc Hòa như: Tân Lợi (Hớn Quản); Lộc Khánh, Lộc Điền (Lộc Ninh); Thọ Sơn (Bù Đăng)… Di tích Lộc Hòa (nơi phát hiện đàn đá) đã được khai quật những năm 1997 – 1998 có sự nghiên cứu tổng hợp về địa hình địa lý. Đặc biệt, các nhà khoa học đã nghiên cứu các tầng văn hóa khảo cổ và các di vật để nhận biết về môi trường văn hóa xung quanh địa điểm tìm thấy bộ Đàn đá Lộc Hòa.
Về chất liệu, Đàn đá Lộc Hòa ở Bình Phước được chế tác từ loại đá mắc ma. Loại đá này chịu sự tác động phong hóa ở các mức độ khác nhau, thường có các màu sắc xanh đen, xám xanh, xám tro… Nhìn chung, những loại đá này có độ cứng trung bình nên dễ ghè đẽo và tu chỉnh. Về kỹ thuật chế tác, hầu hết được ghè đẽo, tạo dáng và tu chỉnh bằng phương pháp thủ công trực tiếp. Về tính chất âm thanh, loại nhạc cụ này có âm sắc gọn, độ cao rõ rệt, ngân dài, đạt được yêu cầu của một nhạc khí. Bộ đàn đá ở Lộc Hòa, Lộc Ninh có chung bình đồ với hàng ngàn di vật thời tiền sử ở Bình Phước. Nhờ phát hiện khảo cổ học này, lịch sử văn hóa vật chất, tinh thần thời tiền sử, sơ sử của cộng đồng cư dân Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung đã có thêm một bằng chứng sinh động, độc đáo.
Sau khi nghiên cứu và xác định rõ giá trị của bộ Đàn đá quý giá này. Năm 2017, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bảo tàng tỉnh về việc lựa chọn hiện vật xây dựng hồ sơ xin công nhận bảo vật Quốc gia, cho Đàn đá Lộc Hòa. Các thủ tục xây dựng hồ sơ được tiến hành đúng trình tự, đạt yêu cầu, hồ sơ đã trình ra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Tài liệu hồ sơ về hiện vật được Hội đồng thẩm định di sản Quốc gia đánh giá cao về giá trị. Đồng thời, Hội đồng thẩm di bảo vật Quốc gia đã tiến hành nghiên cứu làm rõ tính xác thực của bộ Đàn đá này. Đến ngày 25-12-2017, thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2089/TTg công nhận bộ Đàn đá là bảo vật Quốc gia.
Theo ông Phạm Hữu Hiến, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Phước cho biết, “Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khá nhiều cổ vật, hiện vật đa dạng và phong phú. Nhưng Bộ Đàn đá Lộc Hòa là cổ vật duy nhất của tỉnh được công nhận là bảo vật Quốc gia”.
Bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật
PGS.TS Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, trưởng nhóm thẩm định cho biết: Đàn đá là một nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam và là một trong những loại nhạc cụ cổ thô sơ nhất của loài người. Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm trong khi thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh. Người xưa sử dụng vài loại đá có sẵn ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ để tạo ra nhạc cụ này. Đàn đá đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.Hiện trong cả nước có rất nhiều bộ Đàn đá, nhưng bộ Đàn đá Lộc Hòa rất độc đáo có kỹ thuật chế tác tinh xảo của người tiền sử, có niên đại cổ xưa trên 3.000 năm. Đặc biệt, bộ 14 thanh còn đầy đủ và nguyên vẹn. Đó là điều mà các bộ Đàn đá khác không có. Đây là minh chứng tiêu biểu cho sự hiện diện của người cổ xưa trên mảnh đất Bình Phước. Đồng thời đây cùng là chứng minh bề dây truyền thống của những cư dân đã sinh sống lâu đời trên mảnh đất này.
Ngày nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Đàn đá được người M’nông, K’ho sử dụng rộng rãi trong các hoạt động nghi lễ, hội hè. Tiếng Đàn đá tạo cho các nghi thức tế lễ thêm linh thiêng. Tiếng đàn đá phối tấu cùng các nhạc cụ khác tạo nên những tiết tấu sôi động cho các động tác nhảy múa trong các lễ hội. Trong âm thanh rộn ràng vang vọng của Đàn đá cả thôn, buôn làng cùng hòa mình vào những điệu múa tập thể, các nghi thức lễ hội như: Lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà mới, cúng tạ ơn thần linh…Với người M’nông, K’ho, âm thanh của Đàn đá như biểu hiện cho tiếng lòng của con người, tiếng thì thầm của tổ tiên vọng về. Tiếng Đàn đá trong những ngày lễ hội hay nghi lễ thay cho lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống của con người.
Ngoài hai bộ Đàn đá đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh thì còn 2 bộ ở huyện Bù Đăng và 2 bộ ở huyện Lộc Ninh. Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều cổ vật đa dạng và quý hiếm chưa được phát hiện và khai quật. Vì vậy, ngành văn hóa tỉnh Bình Phước luôn khuyến khích, khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh đăng ký, hiến tặng các hiện vật, di vật có giá trị. Qua đó sẽ góp phần làm tăng thêm sự đa dạng, phong phú, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóạ trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Phạm Hữu Hiến: Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối và phát huy giá trị bảo vật Đàn đá như: trưng bày, giới thiệu, quảng bá, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giá trị bảo vật Quốc gia trên các phương tiện thông tin đại chúng đến du khách trong và ngoài nước để xứng tầm với danh hiệu bảo vật Quốc gia. Đồng thời tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học để phát huy hơn nữa các tiềm năng về các lĩnh vực khảo cổ học góp phần vào thúc đẩy du lịch của tỉnh. Việc bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị của bảo vật này không chỉ là trách nhiệm của ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch mà cần có sự chung sức của toàn xã hội. Bên cạnh đó, để phát huy tối đa giá trị của bộ Đàn đá, Bảo tàng tỉnh Bình Phước sẽ triển khai tổ chức dạy đánh Đàn đá cho những ai yêu thích loại nhạc cụ này. Bên cạnh đó, tiếng Đàn đá sẽ được ngân vang trong các ngày lễ lớn của tỉnh tiếng để mọi người thưởng thức và tìm hiểu.
Một số hình ảnh:
Nhiều mãnh vỡ của Đàn đá cùng chất liệu như 2 bộ Đàn đá Lộc hòa được phát hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Các nhà khoa học của Hội đồng thẩm định Di sản văn hóa Quốc gia thẩm định Di vật Đàn đá Lộc Hòa vào 11-2017
Đàn đá Lộc Hòa là nhạc cụ có kỹ thuật chế tác tinh xảo của người tiền sử
Một nghệ nhân ở huyện Lộc Ninh đang thể hiện một bản nhạc với công cụ Đàn đá
Theo: VHTTDL