Ngày 1.4, Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác nhận đầm nước rộng hàng ngàn mét vuông nằm ở cống số 6, phía sau khu chế biến hải sản xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) chuyển thành màu hồng từ hơn 10 ngày qua.
Nước trong đầm chuyển thành màu hồng, bốc mùi hôi thối. AÛnh NGUYỄN LONG
Đầm nước này là nơi nhận nước xả thải của các nhà máy chế biến hải sản từ hàng chục năm qua. Do các nhà máy chế biến hải sản xả thải khiến đầm nước ô nhiễm nên UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã di dời nhiều nhà máy đến khu chế biến hải sản Lộc An (H.Đất Đỏ) và cho phép tồn tại một số đơn vị.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức nạo vét bùn ô nhiễm trong đầm. Tuy nhiên, một số nhà máy vẫn lén lút xả thải ra đầm này khiến nước nơi đây luôn bị ô nhiễm, thường xuyên xuất hiện mùi hôi thối nồng nặc. Từ năm 2017, nước trong đầm này từng xuất hiện màu hồng. Theo các chuyên gia, do nước bị ô nhiễm và đúng ngày tảo nở hoa nên nước chuyển sang màu hồng.
Trước tình trạng nước trong đầm chuyển màu hồng, Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với Thanh tra Sở TN-MT, Công an tỉnh, UBND TX.Phú Mỹ và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, khảo sát hiện trường.
Từ ngày 23 – 26.3, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Nghê Huỳnh có đường cống thoát nước từ nhà máy chảy ra đầm nước. Nước thải có màu đen, hôi thối nồng nặc. Theo kết quả phân tích, mẫu nước thải này đã vượt quy chuẩn nhiều lần. Ngoài ra, ngày 25.3 qua kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện DNTN Đại Quang hoạt động sơ chế cá bò trái phép. Đây là 1 trong 9 cơ sở xây dựng trái phép và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giao UBND TX.Phú Mỹ xử lý, yêu cầu chấm dứt hoạt động từ nhiều năm trước, nhưng chưa thực hiện.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 1.4, ông Đặng Sơn Hải, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết đang mời các nhà khoa học về khảo sát, xác định nguyên nhân nước ở cống số 6 chuyển sang màu hồng.
TheoThanh Niên