Việc mủ cao su “rớt giá” kéo dài là nguyên nhân chính dẫn đến những vườn cao su bạt ngàn ở xã Đắk R’tíh (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đang dần bị phá bỏ để thay thế bằng các loại cây trồng khác. Điều đáng nói, “điệp khúc chặt-trồng” này cũng đang tiềm ẩn nhiều mối lo ngại.
Theo nhiều người dân, việc phá cao su để trồng các loại cây khác diễn ra trong vài năm trở lại đây, nhưng từ đầu năm đến nay thì diễn ra đại trà hơn. Nhà nào ít thì 1-2 ha, nhà nhiều cũng 4-5 ha. Tại vườn cao su hơn 3 ha của ông Phạm Văn Hương ở thôn 5, những cây cao su bị chặt hạ vẫn còn tươi dấu. Từ một vườn cao su xanh tốt, chỉ một thời gian ngắn nữa là “mở miệng cạo”, nhưng ông vẫn đành ngậm ngùi phá bỏ. Bên cạnh mỗi thân cây cao su là những cái hố đào sẵn đợi để trồng cây tiêu.
Theo ông Hương, để trồng được vườn cao su này, gia đình đã tốn rất nhiều công sức và đầu tư trên 500 triệu đồng. Bây giờ cũng cảm thấy “đứt ruột”, nhưng ông buộc phải bỏ để dùng thân cây làm trụ trồng tiêu. Bởi như ông cho biết, nếu để thu hoạch, với giá bán hiện nay cũng bị lỗ nặng, vì tốn nhiều công và chi phí bỏ ra. Không những vậy, nếu cây cao su đã cho thu hoạch mà dùng làm trụ tiêu thì rất dễ bị bệnh, nên đành phá trước. Cùng với suy nghĩ đó, người con trai của ông Hương hiện cũng đã phá bỏ 3 ha cao su để chuyển qua trồng cà phê với hy vọng việc cà phê đang lên giá sẽ cải thiện được tình hình.
Cũng theo ông Hương, nhiều hộ dân khác trên địa bàn có vườn cao su lâu năm, tươi tốt hơn mà cũng đã phá bỏ để chuyển sang các loại cây trồng khác, chủ yếu là tiêu và cà phê. Ông vẫn còn cảm thấy “may mắn” là nguồn vốn đầu tư cho vườn cây là của gia đình bỏ ra, chứ nhiều hộ khác phải đi vay mượn để đổ vào cao su lại đáng lo hơn.
![](https://24hbinhphuoc.com.vn/wp-content/uploads/2017/04/l18415.jpg)
Theo bà Ngô Thị Thanh Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’tíh, trước đây, toàn xã có khoảng 1.300 ha cao su (chưa kể của các công ty), nhưng hiện nay người dân đã phá bỏ nhiều, chỉ còn không đến 500 ha. Đa phần các hộ phá bỏ cao su chủ yếu chuyển sang trồng tiêu và cà phê nên xã cũng đang rất lo ngại. Trong quy hoạch, xã không khuyến cáo tăng diện tích tiêu, cà phê mà chủ yếu vận động bà con duy trì và chăm sóc diện tích các loại cây trồng hiện có. Khi thấy người dân phá bỏ cao su chuyển qua trồng tiêu, cà phê, xã cũng đã tuyên truyền, khuyến cáo vì rất sợ kiểu sản xuất theo “phong trào”. Bài học cũ vẫn còn nguyên đó, ngày xưa, khi giá cao su cao, người dân “chạy đua” trồng, bây giờ “rớt giá”, nhà nhà lại phá bỏ. Việc sản xuất theo kiểu “phong trào” luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường. Thế nhưng, điều đáng buồn, xã vận động, khuyến cáo nhiều, nhưng người dân vẫn phá bỏ, rồi trồng vẫn cứ trồng.
Việc ồ ạt phá bỏ cao su, chuyển sang các loại cây trồng khác đang được giá là tình trạng đang diễn ra ở nhiều địa phương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vòng luẩn quẩn trong đói nghèo, khó khăn của nhiều gia đình.
Vì vậy, trước thực trạng phá bỏ ồ ạt cây cao su ở xã Đắk R’tíh, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần vào cuộc, có những biện pháp khả dĩ trong việc định hướng cây trồng phù hợp. Về lâu dài, nên chăng, Nhà nước cũng cần có những hình thức hỗ trợ giá cả, đầu ra cho sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất, không chạy theo “phong trào”.
Theo Baodaknong.org.vn