Khoảng 02 tháng trở lại đây, hàng chục hộ dân ở tổ dân phố (TDP) 3 và 5, P.Nghĩa Đức, TX.Gia Nghĩa (Đắk Nông) rất bức xúc vì hằng ngày phải ngửi một mùi hôi “khét” rất khó chịu từ một cơ sở sản xuất hạt nhựa gần đó. Điều đáng nói, cơ sở sản xuất hạt nhựa này vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động do không đủ các điều kiện.

KHET2

Khu nhà xưởng của cơ sở chế biến hạt nhựa

Dân kêu trời vì không chịu nỗi mùi hôi

Từ nhiều tháng qua, hàng chục hộ dân ở TDP 3 và 5, phường Nghĩa Đức gần như không ai giám mở cửa nhà mỗi khi nghe thấy mùi hôi xuất phát từ cơ sở chế biến hạt nhựa nằm cách họ chưa đầy 300m. Theo ông Lê Như Mười (trú TDP 3, P.Nghĩa Đức), từ lúc cơ sở này bước vào hoạt động, gia đình không giám mở cửa và phải đưa con đi gửi ngoài thị xã vì mùi hôi kinh khủng lắm. “Nếu cứ đốt miết như thế này mà không có cơ quan chức năng nào vào xử lý, chắc người dân chúng tôi ở đây sớm muộn gì cũng mắc đầy bệnh mà chết thôi” – ông Mười lo lắng nói.

Trao đổi với Phóng viên, bà Lê Thị Mai (58 tuổi, ngụ TDP 3) cho hay, lò đốt này hoạt động liên tục từ sáng đến chiều, mùi hôi bay theo gió vào từng hộ gia đình, có nhiều bữa dọn cơm ra những không ăn nỗi vì mùi hôi khét cứ sộc vào đành phải bỏ bữa. “Ở gần đây có gia đình kinh doanh nước giải khát nhưng do mùi hôi ngày càng nặng không ai giám vào uống nên cũng đóng cửa nghỉ hơn tháng nay” – bà Mai nói thêm.

Còn bà Lê Thị Ngọc (trú TDP 3, phường Nghĩa Đức) cho biết, sau khi người dân ngửi thấy mùi hôi khó chịu đã báo với đại diện cơ sở sản xuất những họ không hợp tác và tỏ thái độ xem thường người dân chúng tôi. “Hiện tại, chúng tôi đã gửi đơn lên phường Nghĩa Đức và Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông với mong muốn sớm vào kiểm tra, xem xét chứ cứ hoạt động kiểu này không ai sống nổi hết” – bà Ngọc bức xúc nói.

KHET1

Cột khói đen nghịt thải ra từ quá trình “chạy thử” tạo ra hạt nhựa thật

Hoạt động khi chưa được cấp phép

Theo quan sát của Phóng viên, cơ sở sản xuất hạt nhựa nằm cách đường Quốc lộ 28 chừng 200m, tiếp giáp với nhiều hộ dân ở TDP 3 và TDP 5 với tổng diện tích khoảng hơn 2.000m2. Trong đó, nhà xưởng được làm bằng tôn khá đơn giản với diện tích gần 300m2, nằm cách đó chưa đầy 30m có hai hồ chứa chất thải có diện tích khoảng 1.000m2 nhưng không có hệ thống xử lý.

Theo ông Nguyễn Viết Quân, Phó Phòng TN&MT thị xã Gia Nghĩa, cở sở sản xuất chế biến hạt nhựa của ông Nguyễn Đình Hiền đã được cấp giấy phép kinh doanh nhưng khi làm cam kết bảo vệ môi trường thì hồ sơ không đủ điều kiện nên Phòng TN&MT đã trả lại hồ sơ. Do đó, tính đến thời điểm này, cơ sở của Hiền vẫn chưa được cấp phép hoạt động.

“Việc người dân phản ánh cơ sở đang hoạt động nếu có là trách nhiệm của phường, vì phường là cơ quan kiểm tra giám sát việc đó. Còn khi nào họ – cơ sở đăng kí hoạt động thì Phòng TNMT thị xã mới kiểm tra. Chứ giờ họ chưa được cấp phép hoạt động vì chưa đủ điều kiện về kế hoạch bảo vệ môi trường” – ông Quân thông tin thêm.

Xác nhận với Phóng viên, bà Lê Lưu Hồng Hiếu, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đức (TX.Gia Nghĩa) cho biết: “Đầu năm 2018, UBND phường có nhận được đơn của người dân, phường đã cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra, nhắc nhỡ cơ sở này. Tiếp đó vào tháng 5/2018, Phòng TN&MT thị xã đã phối hợp với phường xuống kiểm tra và lập biên bản đối với cơ sở này, yêu cầu cơ sở dừng hoạt động và hoàn tất thủ tục”.

“Hiện tại cơ sở vẫn chưa đủ điều kiện để cấp phép. Quan điểm của phường Nghĩa Đức là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động nhưng phải đầy đủ thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, thật sự phường không muốn cơ sở này ở trong khu dân cư vì không ít thì nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân”, bà Hiếu nói.

KHET3

Khu vục hồ chứa chất thải không có hệ thống xử lý

Chạy thử máy, bán hàng thật?

Trao đổi với Phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hiền, Chủ cơ sở kinh doanh sản xuất hạt nhựa cho biết, vào năm 2017,  ông sang lại hệ thống nhà xưởng của người khác rồi sữa chữa nâng cấp lên. Đến tháng 4/2018, ông được UBND thị xã Gia Nghĩa cấp giấy phép kinh doanh nhưng chưa cấp phép hoạt động do khu đất ông thuê vẫn chưa được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng.

Cũng theo ông Hiền, trong thời gian chờ các thủ tục pháp lý để cấp giấy phép hoạt động, ông đã cho chạy thử máy từ tháng 5/2018 để đánh giá khả năng thu gom rác tại địa phương có ổn hay không, nếu không ổn thì chuyển chỗ khác. “Hiện tại, trung bình mỗi ngày máy chạy thử khoảng hơn 02 tấn rác, thu về khoảng 1,7 tấn hạt nhựa” – ông Hiền cho biết thêm.

Tính đến thời điểm này, sở kinh doanh sản xuất hạt nhựa của ông Nguyễn Đình Hiền đã cho “chạy thử” máy sản xuất gần 05 tháng và với khối lượng hạt nhựa cho ra hằng ngày như tính toán nêu trên thì đến nay có thể đã có hàng trăm tấn thành phẩm đã được xuất đi bán…?

Theo Báo Tài nguyên & Môi trường

Từ khóa : chất thảichế biến nhựaô nhiễm

Các tin liên quan đến bài viết