Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng sầu riêng là trái cây được ưa chuộng, tạo thu nhập lớn cho người dân, nhưng định hướng của tỉnh là không tăng diện tích, mà tập trung vào chất lượng, tăng cường chế biến sâu để nâng cao chuỗi giá trị.
Nâng cao kỹ thuật canh tác cho người dân
Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện của Lễ hội sầu riêng Krông Pắk lần thứ nhất diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4-9 tại thủ phủ sầu riêng Krông Pắk (Đắk Lắk). Tại hội nghị, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến để phát triển cây ăn trái nói chung, cũng như cây sầu riêng đảm bảo bền vững, chất lượng, an toàn.
Ông Nguyễn Lân Hùng, tổng thư ký các ngành sinh học Việt Nam, cho biết tỉnh Đắk Lắk đang có nhiều chuyển biến tích cực về cây ăn quả. Đặc biệt, sầu riêng có tiềm năng lớn hơn cây ăn trái khác vì tại đây có chất đất màu mỡ, giúp cây sinh trưởng tốt, tạo vị thơm ngon vào từng múi.
“Làm sao để giữ được chất lượng lâu dài khi sầu riêng là cây rất nhiều bệnh, khó chăm sóc? Nếu không có cách bảo vệ từ đầu, khi cây bệnh thì không thể phát triển bền vững”, ông Hùng chia sẻ.
Còn tiến sĩ Trần Văn Hâu – giảng viên khoa nông nghiệp Trường đại học Cần Thơ, chuyên gia về cây sầu riêng – nói cây sầu riêng được xem là vua của các loại trái cây vì hiệu quả kinh tế rất cao. So với thị trường Malaysia, giá sầu riêng tại Việt Nam còn quá rẻ nhưng so với nhiều cây trồng khác thì nông dân đã có thu nhập tốt.
“Cây sầu riêng đã cho người dân Đắk Lắk có nguồn thu nhập tốt và diện tích sẽ ngày càng tăng. Để phát triển, cần tập trung vào tuyển chọn nhiều loại giống mới, kỹ thuật canh tác để đạt hiệu quả cao nhất “, ông Hâu đề xuất.
Cơ hội cho sầu riêng đi chính ngạch
Phân tích về tiềm năng của thị trường sầu riêng, nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc cho biết có rất nhiều cơ hội cho Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Ông Trần Thư Nam, đại diện Công ty cổ phần Wanbang Việt Nam (Tập đoàn quốc tế Wanbang), chia sẻ những năm gần đây, hợp tác nông sản Việt – Trung không ngừng được nâng cao.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai đối với Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
“Thương mại nông sản giữa hai nước không ngừng tăng cường và tiềm năng mở rộng thị trường là rất lớn. Nhằm đón đầu cơ hội này, Tập đoàn quốc tế Wanbang thành lập Công ty cổ phần Wanbang Việt Nam (vào năm 2021 – PV) để khai thác thị trường nông sản Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoài Dương, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho biết xuất khẩu sầu riêng và nhiều trái cây khác của tỉnh vẫn theo con đường tiểu ngạch, quá nhiều phập phù, rủi ro.
Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách kiểm soát dịch COVID-19 rất chặt nên chi phí vận chuyển tăng lên nhiều lần, khiến các thương lái và doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại.
Về việc Việt Nam và Trung Quốc đã có nghị định thư nhưng gần hai tháng nay vẫn chưa có lô sầu riêng nào được xuất khẩu theo đường chính ngạch, ông Dương nói địa phương đang làm mọi thứ để sớm có lô hàng đầu tiên trong tháng 9-2022.
Theo ông Dương, thời gian qua hai bên đã cam kết Đắk Lắk xây dựng vùng trồng tập trung để có những mã vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ việc kiểm tra, giám sát từ phía hải quan Trung Quốc.
“Sau khi có nghị định thư, phía Trung Quốc còn yêu cầu thêm bước kiểm tra, đánh giá lại các mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Chúng tôi cùng phía Trung Quốc đã khảo sát, đánh giá được 1.500ha đảm bảo yêu cầu của đối tác. Với những bước tiến ban đầu, hy vọng trong tháng 9-2022 Đắk Lắk sẽ có lô hàng sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu theo đường chính ngạch”, ông Dương thông tin.
Mở rộng thị trường để không phụ thuộc
Trao đổi bên lề hội nghị, ông Giang Gry Niê Knơng – phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk – cho biết thực sự cây sầu riêng đã đem đến nguồn thu nhập khá cho nông dân, giúp nhiều nông hộ giàu lên.
Vì vậy, diện tích sầu riêng đã tăng từng ngày. Toàn tỉnh đã có khoảng 15.000ha, trong đó huyện Krông Pắk là nơi trồng tập trung nhiều nhất tỉnh. Đó là lý do lễ hội sầu riêng được tổ chức tại “thủ phủ” này.
“Sầu riêng là cây ăn trái được ưa chuộng và hiện nay chúng ta đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, định hướng của tỉnh là không phát triển rộng về diện tích, mà tăng cường nâng cao hiệu quả canh tác, nâng chất lượng để thu hút thêm nhiều thị trường.
Bên cạnh đó, hội nghị lần này cũng mong muốn có thêm sự hợp tác của các doanh nghiệp để mở các kho đông lạnh, nhà máy chế biến sâu nhằm giúp địa phương chủ động lưu trữ, đưa thêm nhiều sản phẩm từ trái sầu riêng ra thị trường.
Đây cũng là mục tiêu để Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung chủ động trong việc chọn thị trường tiềm năng, để chuỗi giá trị trái sầu riêng được nâng lên hơn nữa”, ông Giang Gry Niê Knơng chia sẻ.
Nguồn: tuoitre.vn