Liên quan đến vụ “Tây Nguyên đau đầu với bài toán thiếu giáo viên”, trước năm học mới, 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang xin hàng ngàn biên chế.
Trong đợt làm việc mới đây với các tỉnh Tây Nguyên, bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hứa sẽ đề xuất Chính phủ tạo cơ chế để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Ngày 28-8, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông – cho biết đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bổ sung 1.021 biên chế để giảm tải việc thiếu giáo viên.
Thiếu giáo viên vì học sinh tăng nhanh
Theo bà Hạnh, số biên chế cần bổ sung nói trên nhằm bảo đảm nhu cầu dạy và học trong năm học 2023-2024, cũng như đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, Đắk Nông là vùng kinh tế mới, thu hút nhiều lao động đến sinh sống và làm việc. Thêm vào đó, người dân di cư tự do từ các tỉnh biên giới phía Bắc sinh sống phân tán tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa gây khó khăn cho việc dạy học.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đánh giá mấy năm gần đây, số lượng học sinh các cấp luôn trong tình trạng năm sau cao hơn năm trước. Điển hình năm học 2022-2023 vừa qua, toàn tỉnh có gần 183.000 học sinh, tăng hơn 7.000 em so với năm học 2021-2022.
Vậy nên số lượng biên chế không đủ để đảm bảo nhu cầu công việc, trong khi địa phương vẫn phải thực hiện việc tinh giản biên chế.
“Với những khó khăn như vậy, UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị trung ương cho bổ sung 1.021 biên chế cho ngành giáo dục, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên nhiều năm qua”, bà Hạnh đề nghị.
Rà soát tuyển dụng đặc cách
Nghịch lý đã thiếu còn phải giảm giáo viên cũng xảy ra ở tỉnh Đắk Lắk. Ông Phạm Đăng Khoa – giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk – cho biết năm học này toàn tỉnh hiện còn thiếu gần 1.200 người. Trong khi đó, năm học 2023 – 2024 sẽ có hơn 620 giáo viên phải nghỉ theo đề án tinh giản biên chế.
Tại nhiều tỉnh Tây Nguyên, giáo viên còn làm thêm công việc phụ đạo học sinh tại nhà để các em không hổng kiến thức, nghỉ học
Dù đã thực hiện việc dồn trường, tuyển giáo viên hợp đồng nhưng tình trạng thiếu giáo viên, thiếu giáo viên cục bộ vẫn xảy ra.
Trong khi đó, hàng trăm giáo viên hợp đồng hàng chục năm vẫn chưa có “thân phận biên chế”. Để gỡ rối, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh mới có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện việc tuyển dụng đặc cách giáo viên.
Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nội vụ chủ trì, hướng dẫn địa phương nghiên cứu, triển khai thực hiện việc tuyển dụng đặc cách giáo viên, đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn.
Trước đó, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế.
Nguồn: tuoitre.vn