Sau nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắk, hiện có thêm một chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng cho Đắk Lắk với hàng ngàn héc ta và 37 mã vùng trồng.
Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Vũ Hồng Nhật (trái) thăm một vựa sầu riêng tại địa phương
Ngày 23-8, ông Vũ Hồng Nhật – chủ tịch UBND huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) – cho biết Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có thêm chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng cho Đắk Lắk.
Tin vui có nhãn hiệu sầu riêng mới
Đó là chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng Cư M’gar – một vùng chuyên canh sầu riêng mới của vùng đất đỏ bazan Đắk Lắk.
“Cây sầu riêng đang trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, giúp bà con nông dân có đời sống khấm khá hơn”, ông Nhật vui mừng.
Theo đó, hiện nay toàn huyện Cư M’gar có khoảng 4.100ha trồng sầu riêng, trong đó có khoảng 1.000ha đã cho thu hoạch, phần lớn trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mùa sầu riêng năm nay, sản lượng toàn huyện đạt khoảng 20.000 tấn, giá mua tại vườn từ 70.000 đến 90.000 đồng/kg, nên nông dân vô cùng phấn khởi.
Với giấy chứng nhận cho sầu riêng Cư M’gar thì cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường tốt hơn.
Nông dân Cư M’gar vui mừng vì sầu riêng năm nay đã được mùa, giá tốt, lại được chứng nhận thương hiệu
“Được chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng là động lực giúp người dân tự tin trong việc sản phẩm làm ra sẽ không còn bị phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào, hay nơm nớp lo sợ khi mỗi mùa vụ về”, ông Nhật nói.
Sản xuất bền vững, mở rộng thị trường
Huyện Cư M’gar hiện có 13 doanh nghiệp liên kết sản xuất, tư vấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, tổ hợp tác và xây dựng được 37 mã số vùng trồng sầu riêng với trên 831ha.
Để nhãn hiệu sầu riêng Cư M’gar đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, huyện Cư M’gar đang đẩy mạnh công tác thông tin nhằm quảng bá thương hiệu, phát triển nhãn hiệu.
“Huyện cũng sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu sầu riêng, tránh gian lận thương mại. Đồng thời, xây dựng kế hoạch dài hạn để phát triển nhãn hiệu sầu riêng Cư M’gar. Mục tiêu hướng tới của sầu riêng Cư M’gar là phát triển bền vững, xuất khẩu chính ngạch đến nhiều thị trường khó tính”, ông Nhật đặt mục tiêu.
Để có chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng riêng, từng trái được chăm chút từ khi trồng đến lúc đóng gói
“Từ khi được công nhận nhãn hiệu sầu riêng, tôi thấy trước nhất là giá trị của sản phẩm đã vượt trội hơn nhiều so với năm ngoái. Chúng tôi rất vui mừng vì UBND huyện đã nhanh chóng thực hiện những chủ trương phát triển sầu riêng theo hướng bền vững, giúp người dân phát triển kinh tế”, bà Nguyễn Thị Thái Hà (57 tuổi, chủ vườn sầu riêng tại xã Ea Tul, Cư M’gar) nhận xét.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích sầu riêng năm 2022 của tỉnh là gần 22.500ha, sản lượng đạt 188.000 tấn.
Toàn tỉnh đã được cấp 49 mã vùng trồng với diện tích gần 2.000ha và 17 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.
Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025, diện tích sầu riêng ổn định trên 22.000ha, sản lượng trên 225.000 tấn. Địa phương tiếp tục mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, cấp mã số vùng trồng đạt trên 20% diện tích.
Nguồn: tuoitre.vn