Theo Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, nguyên Cục trưởng Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng, ông có điều kiện gần gũi Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cả trong công việc và trong mối quan hệ gia đình. Một trong những nét nổi bật của ông là sự chu đáo.
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh thăm hỏi người dân (ảnh TTXVN).
Tình nghĩa, chu đáo từ việc lớn…
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cho biết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ nói chung và cán bộ, chiến sĩ ở biên giới, hải đảo nói riêng; thứ hai ông rất quan tâm đến đối tượng chính sách sau chiến tranh như những trường hợp bị thương chưa được giám định thương tật, chưa được hưởng quyền lợi thương binh, những trường bị mất tích, hy sinh chưa có được kết luận để báo tử về gia đình, những trường hợp có thành tích trong chiến đấu mà chưa được khen thưởng xứng đáng.
“Đai tướng Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo có thực tế ở chiến trường nhiều năm cho nên ông rất quan tâm và am hiểu về công tác chính sách. Thỉnh thoảng Đại tướng Lê Đức Anh cho Thư ký hoặc ông trực tiếp gọi tôi đến làm việc, báo cáo toàn bộ tình hình công tác chính sách đối với quân đội. Có khi báo cáo theo chuyên đề, có khi báo những vấn đề cụ thể. Mỗi lần như vậy, tôi được tiếp nhận tình cảm, sự huấn thị sâu sắc của Đại tướng. Ông là người rất nghiêm khắc, thẳng thắn, nguyên tắc, quyết đoán nhưng cũng rất giàu tình cảm”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cho biết.
Đại tướng Lê Đức Anh tặng sách Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu (ảnh Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cung cấp).
Vẫn theo Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, trong giai đoạn chúng ta giảm quân số tới mấy chục vạn người, giải thể nhiều quân đoàn, nhiều sư đoàn nhưng không ảnh hưởng gì đến tình hình, thế cuộc, không ảnh đến sức mạnh và tổ chức quân đội, không ảnh đến tư tưởng, tâm lý của cán bộ, chiến sĩ. “Đại tướng Lê Đức Anh là người có công lao rất lớn trong vấn đề này. Từ việc giảm quân số, tổ chức lại lực lượng, chúng ta mới có điều kiện xây dựng quân đội theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Có lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cho biết.
Khi giảm quân số Đại tướng Lê Đức Anh có đề xuất, đối với trường hợp đủ điều kiện thì cho họ nghỉ hưu, chưa có nơi ở thì Nhà nước cố gắng giải quyết đất đai cho họ làm nhà; đối với trường hợp không đủ điều kiện nghỉ hưu mà phải ra quân thì Nhà nước cố gắng sắp xếp cho họ đi xuất khẩu lao động; bên cạnh đó mở các trường đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ.
Đại tướng Lê Đức Anh và các tướng lĩnh, sỹ quan quân đội (ảnh IT).
…đến những việc cá nhân
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu kể câu chuyện năm 2009, bố vợ ông là Thượng tướng Trần Sâm (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) qua đời ở TP.HCM. Tướng Sâm có mối quan hệ gắn bó với Tướng Lê Đức Anh. “Tôi cứ băn khoăn chuyện có gọi điện thoại báo cho vợ chồng ông Lê Đức Anh hay không. Bởi cô chú đã già, đường xá thì xa xôi, còn nếu không báo tin sau này sợ bị trách. Trước khi lễ tang tướng Trần Sâm hai ngày tôi mới gọi điện báo cho vợ chồng Đại tướng. Bà Võ Thị Lê (phu nhân Đại tướng) nghe máy và nói cô chú gửi lời chia buồn với các cháu, bà bảo có vào TP.HCM viếng được hay không cô còn tính (vấn đề sức khỏe).
Sáng hôm diễn ra lễ tang, sau khi các đoàn vào viếng, tôi nhìn ra thấy một người cao to, đầu bạc trắng đứng ở đằng xa, đó là Đại tướng Lê Đức Anh (năm đó ông 90 tuổi). Tôi vội chạy ra đón và nói cháu nghĩ cô, chú già rồi đi sao được, chỉ báo tin để biết. Ông nói, anh Sâm mất tôi phải vào viếng. Sau khi viếng xong, Đại tướng Lê Đức Anh đã tự tay viết sổ tang. Ông viết dài, lời lẽ rất xúc động”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu kể.
Nói về sự chu đáo của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kể: Vào năm 2000, Đại tướng Lê Đức Anh tròn 80 tuổi, ông có tặng Đại tướng một bài thơ có 8 khổ nói lên đóng góp của vị tướng này với đất nước, cách mạng và sự hy sinh “nằm gai nếm mật, tinh thần đồng đội rất cao”.
“Ít ngày sau, rất bất ngờ, tôi nhận được thư trả lời của Đại tướng Lê Đức Anh. Bức thư viết: Thân gửi đồng chí Vũ Mão. Tôi đã nhận được bài thơ của đồng chí mừng 80 tuổi đời, lời thơ thân thiết và chân tình, tôi rất cảm ơn và giữ mãi làm kỷ niệm. Chúc đồng chí và gia đình vui khỏe, hạnh phúc”, ông Vũ Mão nói và cho biết, “khi nhận được thư, tôi rất xúc động”
Theo ông Vũ Mão, đây không phải lần đầu tiên ông có bài thơ, bài viết ca ngợi người này, người khác, nhưng không ngờ, Đại tướng Lê Đức Anh lại viết thư hồi đáp, cám ơn.
“Đây là hành vi văn hóa rất đẹp. Trước đó và cho đến nay tôi thường có trao đổi về công việc, đề xuất, kiến nghị việc này, việc khác với các cán bộ có trách nhiệm, nhưng nhận lại sự phản hồi rất ít. Tuy nhiên, Đại tướng Lê Đức Anh lại viết hẳn thư tay để gửi cho tôi. Qua đó, có thể thấy Đại tướng Lê Đức Anh là người rất chu đáo”, ông Vũ Mão bày tỏ.
Đại tướng Lê Đức Anh là người có nhiều công lao to lớn cho cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thời gian sau, ông làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam giúp nước bạn Campuachia. Ông có công lao to lớn đối với nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Campuchia cũng như với cách mạng Campuchia. Sau này, khi làm Tổng Tham mưu trưởng, rồi Bộ trưởng Quốc phòng ông có những tư tưởng đổi mới trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và quân đội như thay đổi về số lượng quân, để có điều kiện xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong thời gian làm Chủ tịch nước ông đã có những đóng góp lớn, là người đề xuất sáng kiên để phong tặng danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”… |
Theo Dân việt