“Tướng Lê Đức Anh bị Trung ương Cục miền Nam gọi lên để phê bình vì chuyện không chấp hành mệnh lệnh ngừng bắn để tuân thủ Hiệp định Paris, ông không đi mà cho cấp phó đi thay. Bị Trung ương Cục phê bình nhưng ông vẫn mặc kệ”, Đại tướng Phạm Văn Trà kể.
Đại tướng Lê Đức Anh (phải) dịp nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng (ảnh TTXVN).
Từng là cấp dưới, cùng trực tiếp chiến đấu ở chiến trường miền Tây, rồi chiến trường Campuchia, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chứng kiến nhiều câu chuyện về Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước.
Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh gắn với con đường binh nghiệp, gắn với các chiến trường. “Trong chiến đấu, ông Lê Đức Anh là vị tướng luôn bám sát chiến trường. Ông dám quyết định những vấn đề quan trọng và dám chịu trách nhiệm. Qua thực tiễn tôi thấy những quyết định của ông đều đúng”, tướng Trà nhận xét.
Tướng Trà kể: Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Võ Văn Kiệt được điều về làm Bí thư Khu ủy với bí danh “Tám Thuận”, còn ông Lê Đức Anh được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9 với bí danh “Chín Hòa”.
Đại tướng Lê Đức Anh (áo sẫm) trong lần ra thăm Trường Sa (ảnh Nguyễn Viết Thái).
“Địch nghe được thông tin hai ông về nên đánh rất ác liệt. Trước đó Quân khu 9 chỉ đối đầu với một sư đoàn quân địch nhưng sau đó chúng đã huy động đến 5 sư đoàn thủy quân lục chiến và lính dù tham chiến. Chúng đánh đến nỗi quân ta không còn chỗ để trú, cứ khoảng 1km là một đồn địch đóng. Trong khi cả Quân khu 9 của ta trên thực tế chỉ có một trung đoàn, đơn vị này cũng bị tổn thất nặng sau chiến dịch Mậu Thân 1968. Trong khi quân từ miền Bắc chưa vào bố sung”, tướng Trà nhớ lại
Khu ủy muốn đón ông Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh về Năm Căn, Cà Mau, bởi ở đó là vùng lầy địch không đánh bộ được. Tuy nhiên tướng Lê Đức Anh đã cho rằng về đó mặc dù an toàn nhưng không nắm bắt được chiến trường, không nắm được tình hình. “Cả ông Kiệt và ông Lê Đức Anh đều kiên quyết bám trụ để nắm tình hình chiến trường”, tướng Phạm Văn Trà cho biết.
Nhờ sự bám sát chiến trường nên tướng Lê Đức Anh có những nhận định chính xác và mang tầm chiến lược.
Đại tướng Phạm Văn Trà (ảnh báo QĐND).
Theo Tướng Phạm Văn Trà, sau Hiệp định Paris năm 1973, cấp trên có nói nếu địch đánh thì ta đánh lại, còn không được tự ý nổ súng đánh trước, như vậy là vi phạm Hiệp định.
“Trước khi Hiệp định Paris ký kết, ở địa bàn Quân khu 9 chúng ta đã giải phóng được nhiều. Quân ta cắm cờ sát chi khu (thị trấn), thấy phía ta cắm cờ sát nên địch đã đánh và chúng ta đã đánh trả. Sau đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã ráo riết thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” tấn công vào các vùng giải phóng của ta để giành đất, giành dân. Quân khu 9 đã phải đánh lại địch suốt từ khi có Hiệp định. Không chỉ phá tan kế hoạch của chúng mà càng đánh càng giải phóng rộng”, tướng Phạm Văn Trà nhớ lại.
Sau những trận đánh của Quân khu 9 thấy Mỹ không có phản ứng, quân ta giải phóng và đánh bại 75 tiểu lượt đoàn quân Ngụy (ở Chương Thiện, Hậu Giang) thấy Mỹ vẫn không nhảy vào. Lúc đó Bộ Tư lệnh Miền đã điện cho Quân khu 9 ngừng bắn nhưng ông Lê Đức Anh không trả lời.
“Bộ Tư lệnh Miền đã nhận xét Quân khu 9 đã “ngủ quên”, không chấp hành nghiêm Hiệp định Paris. Ông Lê Đức Anh bị Trung ương Cục miền Nam gọi lên để phê bình vì chuyện không chấp hành mệnh lệnh, ông không đi mà cho cấp phó đi thay. Bị phê bình nhưng ông Lê Đức Anh vẫn mặc kệ”, Đại tướng Phạm Văn Trà cho hay.
Vẫn theo Tướng Trà, việc Quân khu 9 không chấp hành lệnh ngừng bắn của Trung ương Cục, tiếp tục đánh chính là cơ hội để chúng ta thăm dò xem thái độ của Mỹ thế nào, họ có nhảy vào không. Sau đó Bộ Tư lệnh Miền cho lực lượng ở mặt trận Đông Nam Bộ đánh và giải phóng thị xã Phước Long (Bình Phước) nhưng Mỹ cũng không phản ứng gì. “Từ sự kiện đó, Trung ương Đảng có cơ sở để ra Nghị quyết 21 giải phóng miền Nam. Có được điều đó không thể không nói tới sự quyết đoán đúng đắn của Tướng Lê Đức Anh”, tướng Phạm Văn Trà nhấn mạnh.
Một câu chuyện nữa về việc “chống lệnh” của Đại tướng Lê Đức Anh, đó thời gian ông đang làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Thời gian này ở trong nước Quân đội ta tiến hành thực hiện nghị quyết theo mô hình của Liên Xô là không tổ chức Đảng ủy Quân sự, chỉ sinh hoạt chi bộ Đảng, thành lập Hội đồng Quân sự, Hội đồng chính trị.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cử tướng Đặng Vũ Hiệp sang Campuchia để phổ biến nghị quyết trên với lãnh đạo Quân tình nguyện Việt Nam.
“Khi tướng Hiệp sang đến nơi gặp Tướng Lê Đức Anh, vị Tư lệnh Quân tình nguyện nói ngay: Anh về nói với anh Chu Huy Mân (Đại tướng – Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị lúc đó) và Bộ trưởng Quốc phòng rằng bên này chúng tôi đang chiến đấu, cần phải có Đảng lãnh đạo, nếu không có Đảng lãnh đạo thì không chiến đấu được. Hiện chúng tôi không thể chấp hành nghị quyết trên. Khi nào rút quân về nước chúng tôi sẽ thực hiện nghị quyết sau (mô hình tổ chức theo Liên Xô sau một thời gian áp dụng đã bỏ và quay lại cách tổ chức Đảng ủy Quân sự như trước đây)”, Đại tướng Phạm Văn Trà nhớ lại.
Theo Dân việt