Đài Loan có hàng trăm ca nhiễm sau hơn một năm yên ắng, sân bay Changi trở thành ổ dịch lớn nhất Singapore. ‘Bóng ma’ COVID-19 vẫn đã tìm ra kẽ hở nào đó mà chúng ta chưa ‘bịt’ hết.

Đài Loan, Singapore tưởng đã yên với COVID-19 bỗng bùng phát trở lại - Ảnh 1.

Người dân đổ xô đi mua mì gói ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 15-5 sau khi chính quyền khuyến cáo hạn chế rời nhà và không tụ tập 

Với số ca nhiễm trong cộng đồng cao kỷ lục, Đài Loan đang đứng trước khả năng phải áp dụng các biện pháp mạnh tay, gồm cả phong tỏa, để dập dịch. Tình hình Đông Nam Á cũng đáng lo không kém.

Đài Loan nâng mức báo động

Ngày 15-5, theo báo Guardian, Đài Loan ghi nhận thêm 180 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca nhiễm cao kỷ lục theo ngày tại hòn đảo này từ đầu dịch COVID-19 tới nay. Đây cũng là mức tăng đột biến so với con số 29 ca công bố chỉ ngày trước đó. Điều đáng lo ngại hơn khi trong số 180 ca nhiễm này, có tới 132 ca không rõ nguồn lây.

Chính quyền đã nâng mức báo động COVID-19 ở thành phố Đài Bắc và Tân Bắc lên cấp 3 trong hệ thống phân loại 4 cấp từ thấp tới cao, đồng thời siết chặt kiểm soát dịch trên toàn hòn đảo.

Theo truyền thông địa phương, các biện pháp được áp dụng trong cấp 3 gồm bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, giới hạn quy mô tụ tập ngoài trời còn 10 người, trong nhà còn 5 người, đóng cửa các địa điểm vui chơi giải trí…

Thị trưởng Đài Bắc – ông Kha Văn Triết – kêu gọi người dân ở trong nhà và phải đeo khẩu trang nếu buộc phải ra ngoài. Người phát ngôn của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cho biết bà cũng sẽ giảm các sự kiện công chúng và những cuộc gặp không cần thiết.

Theo ông Trần Thời Trung – người đứng đầu Cơ quan Y tế Đài Loan, ngưỡng để kích hoạt báo động cấp 4 (dẫn tới phong tỏa) là khi ghi nhận trung bình từ 100 ca nhiễm trong cộng đồng trở lên mỗi ngày trong 7 ngày liên tiếp.

Đài Loan đã thiết lập các biện pháp kiểm soát biên giới từ sớm và vận hành hệ thống cách ly tại khách sạn và tại nhà nghiêm ngặt. Đợt bùng phát dịch mới nhất gây bất ngờ cho Đài Loan sau hơn một năm hòn đảo này kiểm soát dịch ổn định.

Lo Đông Nam Á giống Nam Á

Giống như Đài Loan, Singapore cũng đang đối mặt với tình trạng tái bùng phát dịch COVID-19 sau một thời gian đã nỗ lực kiểm soát dịch hiệu quả.

Singapore đã siết chặt các biện pháp chống dịch COVID-19 trong bối cảnh đảo quốc sư tử chứng kiến tình trạng gia tăng đáng ngại số ca nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn gốc.

Sân bay Changi đã trở thành ổ dịch COVID-19 lớn nhất ở đảo quốc sư tử hôm 13-5, với 46 ca nhiễm ghi nhận lúc đó. Ngày 15-5, nước này có thêm 31 ca mắc mới, trong đó có 19 ca trong cộng đồng.

Từ ngày 16-5 tới 13-6, Singapore chỉ cho phép tụ tập tối đa 2 người, nhà hàng chỉ được bán mang đi. Các nhân viên công sở sẽ làm việc tại nhà lúc này nếu có thể.

Tình trạng gia tăng ca nhiễm trong cộng đồng có thể gây trì hoãn kế hoạch thực hiện chương trình bong bóng du lịch giữa Singapore và Hong Kong, theo kế hoạch sẽ khởi động từ ngày 26-5.

Singapore là một mảnh ghép trong bức tranh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á.

Ông Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Hiệp hội Chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), lo ngại Đông Nam Á có nguy cơ đi theo “vết xe đổ” của Ấn Độ và khu vực Nam Á.

“Chúng ta đang chứng kiến các dấu hiệu ban đầu ở Đông Nam Á. Số ca nhiễm tại đây đang tăng lên theo cách tương tự với những gì chúng ta đã chứng kiến cách đây 4 tuần ở Nam Á. Đợt bùng dịch thứ hai thật sự đang lan từ từ ra khắp châu Á, từ Nam Á sang Đông Nam Á” – ông Abhishek Rimal nhận định với tạp chí Time hôm 14-5.

Giới chuyên gia cho rằng tâm lý tự mãn và việc nới lỏng các biện pháp hạn chế để thúc đẩy kinh tế có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới số ca nhiễm tăng vọt trở lại gần đây. Chẳng hạn, ở Thái Lan, làn sóng dịch mới nhất có liên quan tới các hộp đêm ở Bangkok và số ca nhiễm tăng lên trong dịp Tết cổ truyền Songkran.

Ông Rimal cho rằng nếu các nước Đông Nam Á “thật sự thúc đẩy những biện pháp y tế cộng đồng mạnh mẽ, có khả năng chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng nặng”. Trong khi đó, giáo sư Anucha Apisarnthanarak tại Bệnh viện Đại học Thammasat (Thái Lan) kêu gọi triển khai tiêm vắcxin COVID-19 nhanh chóng, khẳng định vắcxin là một “vũ khí” quan trọng để chống dịch.

Tổng cộng 129.669 người ở Đài Loan (0,55% dân số Đài Loan) đã được tiêm ít nhất một liều vắcxin COVID-19 tính tới ngày 13-5. Tại Đông Nam Á, Singapore có 1,2 triệu dân đã tiêm vắcxin đủ 2 liều (khoảng 20% dân số) và 1,8 triệu dân đã tiêm ít nhất 1 liều tính tới ngày 9-5. Singapore là quốc gia có tỉ lệ người dân tiêm vắcxin cao nhất trong khu vực.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : covidĐài Loansingapore

Các tin liên quan đến bài viết