Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đã trở thành một trong những tiêu chí ưu tiên trong xét tuyển, xét tuyển thẳng của nhiều trường đại học trong mùa tuyển sinh năm nay. Và thí sinh đang chạy nước rút thi các chứng chỉ này để kịp nộp cho các trường.

Đại học ưu tiên thí sinh giỏi tiếng Anh - Ảnh 1.

Thí sinh trong một lớp luyện chứng chỉ tiếng Anh IELTS để kịp nộp hồ sơ xét tuyển 

IELTS từ 5.0 trở lên

Năm 2021, Trường ĐH Giao thông vận tải xét tuyển kết hợp với những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên và có tổng điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT thuộc tổ hợp xét tuyển từ 12 điểm trở lên. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật cũng ưu tiên xét tuyển thí sinh có IELTS từ 6.0 trở lên với ngành sư phạm tiếng Anh, hoặc 5.0 trở lên với các ngành khác.

Tương tự, trong bảy phương thức xét tuyển của khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM có phương thức xét kết quả thi THPT kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng dành 20% chỉ tiêu với chương trình chất lượng cao cho phương thức xét kết quả học THPT và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, trong đó IELTS yêu cầu từ 5.0 trở lên.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xét tuyển thẳng cho các ngành/chương trình ngôn ngữ Anh và kinh tế quản lý với điều kiện thí sinh có chứng chỉ IELTS (Academic) từ 6.5 trở lên (hoặc tương đương).

Ngoài ra, trường này dùng IELTS cho phương thức xét hồ sơ năng lực và phỏng vấn vào ngành ngôn ngữ Anh và kinh tế quản lý dành cho thí sinh có chứng chỉ IELTS (Academic) 6.0 trở lên.

Ngoài ra, Trường ĐH Kinh tế quốc dân yêu cầu thí sinh muốn sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp cần có chứng chỉ IELTS 5.5; TOEFL ITP 500 trở lên hoặc TOEFL iBT 46 trở lên và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến từ 20 điểm gồm điểm ưu tiên.

Còn Trường ĐH Thương mại tuyên bố với phương thức xét tuyển kết hợp sẽ sử dụng chứng chỉ IELTS Academic, Cambridge, TOEFL iBT cho tất cả các ngành (chuyên ngành).

ĐH Quốc gia Hà Nội dành riêng phương thức xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế. Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn toán hoặc ngữ văn)…

Chạy đua thi chứng chỉ

Trần Phan Thảo Nguyên, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền (TP.HCM), đang trong giai đoạn nước rút ôn tập cho lần thi IELTS vào cuối tháng 3-2021. Kết quả IELTS được Nguyên dùng xét tuyển vào ĐH. Nguyên cho biết mục tiêu của mình là 7.0 và sẽ xét vào Trường ĐH Tài chính – marketing.

Võ Dương Thắng – học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) – cũng đang tự ôn tập IELTS ngoài giờ học trên lớp. Vì bài tập chính khóa khá nhiều, Thắng chỉ dành được vỏn vẹn 30 phút mỗi ngày để luyện thi. Bạn tận dụng tham gia những câu lạc bộ tiếng Anh ngay trong trường cùng thí sinh đang gấp rút ôn thi như mình để hỗ trợ lẫn nhau.

Giống như Nguyên và Thắng, các diễn đàn kiểu như “IELTS cho học sinh cấp III” những ngày này nhộn nhịp hơn trước đó. Có trang mỗi ngày đăng 40 thắc mắc về kinh nghiệm lần đầu thi IELTS, các “mẹo” khi làm bài, nhờ sửa bài viết, bài nói, hoặc hỏi về những đề thi gần đây để “học tủ”…

Cần lưu ý gì để đạt điểm cao?

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Alex Seward – chuyên gia IELTS từ Hội đồng Anh (British Council) – hướng dẫn: với kỹ năng đọc (reading), thí sinh cần chú ý tới việc phân bổ thời gian hiệu quả. Do độ khó của bài đọc sẽ tăng dần, những thí sinh ở mức điểm dưới 7.0 nên ưu tiên hơn bài đọc số 1 và 2.

Ngược lại, với các thí sinh ở mức điểm 8.0 nên dành nhiều thời gian hơn cho bài đọc số 3 (khoảng 25 phút).

Về kỹ năng nghe (listening), ông Seward khuyên thí sinh thi lần đầu cần cẩn thận với chính tả. “Nếu bạn viết “car” nhưng câu trả lời là “cars” thì bạn đã bị mất điểm rồi đó. Nếu bạn viết danh từ ghép thành hai từ thay vì một từ thì câu trả lời của bạn cũng sai” – ông Seward nói.

Chuyên gia IELTS Paul Davidson từ Hội đồng Anh chia sẻ với bài thi nói (speaking), nhiều thí sinh dự thi lần đầu thường nghĩ rằng phải dùng ngôn ngữ hoặc những cấu trúc ngữ pháp thật phức tạp mới có điểm tốt.

Thực tế việc thể hiện được ý tưởng rõ ràng và mạch lạc lại quan trọng hơn nhiều. Vì vậy, hãy tập trung lắng nghe những câu hỏi và có được phần trả lời thể hiện được khả năng tiếng Anh của mình tốt nhất.

Với phần thi viết (writing) có thể theo ba bước gồm phân tích/suy nghĩ (3-4 phút), viết (14-15 phút) và kiểm tra (1-2 phút). Cần kiểm tra lỗi ngữ pháp như số nhiều, giới từ và việc chia động từ. Vai trò của những từ nối rất quan trọng, do vậy cần đảm bảo rằng những từ này được dùng đúng và hiệu quả…

Những việc nên làm trước “giờ G”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Nguyễn Đức Thịnh, từng giành giải nhất IELTS Prize 2019 của Hội đồng Anh, gửi đến một số lưu ý cho các thí sinh lần đầu thi IELTS: Khoảng 2-3 tuần đến ngày thi các bạn có thể làm bài thi thử trên một số trang website để làm quen với không khí thi cử.

Khi cách ngày thi một tuần, hãy ưu tiên nghỉ ngơi, không nên tự đặt quá nhiều áp lực cho bản thân. Cần kiểm tra thật kỹ giấy tờ như hộ chiếu, CMND/căn cước công dân, nếu mất cần chủ động làm lại hoặc liên hệ với hội đồng thi sớm nhất.

Một điều nhỏ Thịnh đưa ra thêm là trang phục. Thịnh kể lần thi IELTS bạn bất ngờ vì nhiệt độ trong phòng thi quá lạnh, tác động ít nhiều đến hiệu quả làm bài. Những lần sau Thịnh rút kinh nghiệm mặc đồ ấm hơn. Với những bạn lần đầu dự thi, Thịnh khuyên nên mang theo một áo khoác để tránh rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chứng chỉđại họcIELTSTiếng anhưu tiênxét tuyển

Các tin liên quan đến bài viết