Khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế thì tư nhân hóa đầu tư sân bay là giải pháp hiệu quả. Việc tư nhân tham gia lĩnh vực trước nay chỉ dành cho DN nhà nước có thể khắc phục những hạn chế trong chất lượng dịch vụ hàng không hiện nay.

Động lực phát triển du lịch

“Cảng hàng không Đồng Hới có thiết kế 400 ngàn khách/năm, hiện đang đứng trước tình trạng quá tải khi năm 2017 đã đón 500 ngàn và không dưới 600 ngàn trong năm nay, đến năm 2020 là gần 1 triệu khách…

Số khách dự kiến sẽ còn tăng rất cao khi khu du lịch gần 2.000 ha với chuỗi sân golf liên hoàn quy mô đang chuẩn bị đi vào vận hành. Đầu tư nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới hiện là vấn đề cấp thiết”, ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển hàng không – Chắp cánh du lịch Việt Nam” mới đây.

Ông Đỗ Đức Tú, Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tắc nghẽn hạ tầng là do lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam tăng trưởng trên 16%, cao so với mức chung của thế giới, dẫn đến sự tắc nghẽn của các cảng hàng không.

Đại gia tư nhân bỏ vài tỷ USD xây sân bay quốc tế

Thống kê từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho thấy, các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Liên Khương (Lâm Đồng),… đều đang hoạt động vượt công suất thiết kế.

Đề cập về tiềm năng phát triển hàng không, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch, cho biết, từ trước đến nay, hàng không và du lịch đều cần đến nhau để phát triển, vận tải hàng không là một trong những lĩnh vực vận chuyển nhiều khách du lịch nhất.

“Du lịch và hàng không là hai cánh máy bay, sự phát triển của ngành này mang đến sự phát triển của ngành kia”, ông Phương nhận định.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, cho hay, Thanh Hóa đón khoảng 7 triệu khách du lịch mỗi năm, chủ yếu khách tắm biển vào mùa hè và đi đường bộ là chính nên các hãng hàng không mở ra các đường bay, sân bay mới, các tour du lịch quốc tế thì ông tin chắc sẽ thúc đẩy phát triển du lịch.

Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, dự báo, đến năm 2034 dự báo tổng dân số Việt Nam là 105 triệu người, GDP bình quân là 18-22 nghìn USD. Nếu trung bình các nước có thu nhập 18-24 nghìn USD thì khách hàng không sẽ đạt 58 triệu hành khách/năm. Còn nếu thu nhập tương đương với Thái Lan hiện tại thì khách hàng không có thể lên đến 110 triệu người.

2017 là năm đầu tiên du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng khoảng 30%/năm. So với quy hoạch trước đây, đến năm 2020 mới đạt 10,5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng trên thực tế đến 2017 đạt 13 triệu; năm 2020 sẽ đạt 21 triệu. Tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam đang rất cần đến lực lượng phương tiện cả đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy, trong đó khách đến bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ lớn nhất. Mức độ đáp ứng còn thấp, ông Huỳnh Thế Du nhận xét.

Nhà nước dám mở cửa, tư nhân đủ sức làm

Ông Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM, cũng khẳng định vai trò ngày càng lớn của các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phát triển của ngành hàng không.

Đại gia tư nhân bỏ vài tỷ USD xây sân bay quốc tế

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hiện có 5 dự án hạ tầng cảng hàng không có vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân được triển khai và đang xin chủ trương đầu tư, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; Cảng hàng không quốc tế Phan Thiết, Cát Bi và Chu Lai,…

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là dự án đầu tiên do một tập đoàn tư nhân đầu tư hoàn toàn, kiểm soát và vận hành, trong khi 21 dự án kia thuộc sự quản lý của Tổng công ty Hàng không ACV.

Dự án Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh do Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đầu tư, dự định ban đầu xây dựng trong vòng 36 tháng, đạt tiêu chuẩn 3 sao. Nhưng cuối cùng đã hoàn thành chỉ hết 2/3 thời gian và đạt tiêu chuẩn 4 sao. Đây là minh chứng cho hiệu quả của vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng hàng không.

Mới đây, Tập đoàn FLC cũng cho thấy tham vọng đầu tư hàng không. Tập đoàn này vừa đầu tư thành lập hãng hàng không Bamboo Airways và đặt mua 24 chiếc máy bay A321NEO từ Airbus và 20 máy bay Boeing B787-9 Dreamliner từ Boeing với tổng giá trị lên đến 8,6 tỷ USD.

Cùng với đó, FLC cũng thể hiện quyết tâm tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không. UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý về chủ trương để Tập đoàn FLC đầu tư, nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế theo hình thức đối tác công tư PPP.

Ngay khi nhận được sự phê duyệt và hoàn thiện các thủ tục pháp lý, Tập đoàn FLC cho hay sẽ bắt tay vào triển khai dự án và nếu các điều kiện thuận lợi cho phép, dự án dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2019.

Mặc dù vậy, để hàng không tư nhân phát triển, ông Nguyễn Thiện Tống đề xuất, Việt Nam cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng. Việt Nam cần có chính sách mạnh, rõ ràng để lôi kéo đầu tư phát triển hàng không, nhất là đầu tư tư nhân.

Hiện nay, trên thế giới có 14% sân bay là có sự tham gia của tư nhân, và các sân bay tư nhân này chuyên chở đến 41% khách quốc tế.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : du lịchhàng khônghàng không tư nhânsân bay

Các tin liên quan đến bài viết