Đại gia khoáng sản kín tiếng khu vực miền Bắc lộ diện sau khi bành trướng thế lực với một số thương vụ đình đám, từ khách sạn hàng đầu ở trung tâm Thủ đô cho tới các cảng biển nổi tiếng dọc bờ biển Việt Nam.
Thâu tóm đình đám
Vài năm sau thương vụ đình đám thâu tóm Khách sạn Daewoo, giới đầu tư mới biết đến cái tên Hợp Thành đứng sau vụ Hanel đánh bật ông lớn Hàn Quốc Lotte để mua lại 70% khách sạn Daewoo từ tay tập đoàn Daewoo E&C.
Các báo cáo của Hanel cho thấy Hanel chưa bao giờ sở hữu 100% khách sạn Daewo. Điều đó có nghĩa, Hanel đã bán ngay toàn bộ 70% cổ phần cho đối tác khác sau khi đạt được quyền mua.
Hanel đã tiết lộ cái tên của đại gia bí ẩn đứng đằng sau thương vụ thâu tóm Khách sạn Daewoo, vốn được đồn đoán có giá trị chuyển nhượng lên tới gần trăm triệu USD. Đó là đại gia Hợp Thành.
Theo báo cáo năm 2012, Hanel đã ghi tăng thu nhập khác khoản hỗ trợ giá trị quyền lợi, lợi thế chuyển giao không bồi hoàn theo hợp đồng mua lại phần góp vốn có điều kiện (vốn góp vào Công ty TNHH Deaha) và các hợp đồng sửa đổi giữa Hanel với CTCP Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành và CTCP Hợp Thành 1 số tiền là hơn 104,3 tỷ đồng. Đây chỉ là phần trả cho quyền lợi và lợi thế của Hanel, chưa tính phần trả cho phía đối tác liên doanh Daewoo E&C.
Hanel đã ghi tăng thu nhập khác khoản hỗ trợ giá trị quyền lợi, lợi thế chuyển giao trị giá 5 triệu USD. |
Thâu tóm xong khách sạn Daewoo, đại gia khoáng sản Hợp Thành tiếp tục bành trướng thế lực ra ngoài ngành khai khoáng với một số thương vụ đầu tư khủng như việc hơn 24% vốn tại CTCP Cảng Vinalines Đình Vũ (vốn điều lệ 200 tỷ đồng). Vinalines góp 51% vốn điều lệ.
Cảng Vinalines Đình Vũ nằm ở vị trí đắc địa về giao thông thuộc Khu công nghiệp Đình Vũ, được đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, công ty sẽ xây dựng hai bến cho tàu trọng tải 20.000 DWT cùng hệ thống kho chứa hàng, công nghệ làm hàng container.
Gần đây, Hợp Thành nổi lên với thương vụ thâu tóm 86% cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược của Cảng Quy Nhơn (QNP). Đây là một cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung trước do Vinalines sở hữu 100%.
Cảng Quy Nhơn là một trong 5 cảng biển mà Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa. Doanh nghiệp này chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 11/2013 với số vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,01%. Tuy nhiên, từ tháng 9/2015 đến nay, sau hai lần thoái vốn vào tháng 2/2015 và tháng 8/2015, cảng Quy Nhơn đã không còn vốn nhà nước. Trong khi CTCP Đầu tư khoáng sản Hợp Thành nắm giữ hơn 86%.
Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa cảng Quy Nhơn |
Nợ nần vòng quanh, rùm beng tai tiếng
Hợp Thành nổi tiếng với vụ thâu tóm khách sạn Daewoo là bởi vượt qua đối thủ lớn Lotte. Nhưng tiềm lực tài chính thực tế của đại gia bí ẩn này vẫn còn là một câu hỏi. Trong thương vụ Daewoo, doanh nghiệp này khất lần nợ tiền không trả Hanel trong nhiều năm.
Tới cuối 2012, khoản phải thu ngắn hạn của Hanel đối với CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành là hơn 180,8 tỷ đồng, trong khi phải thu đối với CTCP Đầu tư Hợp Thành 1 là hơn 330,5 tỷ đồng. Đây là khoản phải thu về chuyển nhượng vốn góp vào Công ty TNHH Daeha và giá trị quyền lợi, lợi thế chuyển giao không bồi hoàn theo hợp đồng mua bán phần vốn góp có điều kiện và hợp đồng sửa đổi giữa Hanel với CTCP Đầu tư Hợp Thành 1 và CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.
Tới cuối 2013, CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành vẫn nợ hơn 122 tỷ đồng cùng với hơn 11 tỷ đồng mà Hợp Thành cam kết bồi hoàn toàn bộ chi phí tư vấn mà Hanel đã chi trả trước đó.
Cuối 2012, Hợp Thành nợ Hanel hàng trăm tỷ đồng. |
Cuối 2014, Hợp Thành vẫn còn nợ hơn trăm tỷ. |
Số nợ của Hợp Thành còn kéo dài vài năm sau. Tới cuối 2014, CTCP Đầu tư Hợp Thành 1 còn nợ Hanel hơn 107 tỷ đồng, trong khi CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành còn nợ gần 29 tỷ đồng.
Tới báo cáo giữa năm 2015, Hanel không còn nêu khoản phải thu đối với hai doanh nghiệp liên quan tới vụ mua khách sạn Daewoo này. Đây cũng là thời điểm Saigontourist tiết lộ về kế hoạch công ty con Bông Sen Corp chi hơn 3,6 ngàn tỷ đồng thâu tóm dự án Trung tâm Thương mại Daeha, trong đó có Khách sạn Daewoo.
Hợp Thành được biết đến là doanh nghiệp của ông Lê Hồng Thái, ban đầu sản xuất xơ sợi sau mở rộng sang khai khoáng, luyện thép,… gần đây lấn sân sang đầu tư khách sạn và các cảng biển quan trọng.
Ông Lê Hồng Thái hiện là chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc CTCP Cảng Quy Nhơn (QNP). Năm 2017, ông Thái đã rút vốn khỏi CTCP Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành sau khi UBKTTW yêu cầu thanh tra quá trình cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn.
Tới thời điểm hiện tại, ông Thái không còn tên trong Hợp Thành, thay vào đó người đại diện CTCP Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành hiện là ông Nguyễn Kim Cương, trùng tên với một thành viên HĐQT của CTCP Cảng Quy Nhơn.
Ban lãnh đạo Cảng Quy Nhơn. |
Mặc dù hoạt động không liên quan gì tới cảng biển nhưng Hợp Thành được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược để bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn. Ông Thái từng là thành viên HĐQT Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX), thời Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT.
Với hàng loạt vụ thâu tóm đình đám, Hợp Thành được đánh giá là một đại gia đầy thế lực, tuy nhiên tai tiếng cũng không hề ít. Gần đây, một số dự án của Hợp Thành hoặc công ty con của Hợp Thành rơi vào tình trạng đắp chiếu, bị thu hồi, siết nợ như: Thép Vạn Lợi, nhà máy tuyển quặng ở Quảng Ngãi, dự án tuyển quặng sắt của CTCP Khoáng sản Miền Trung,…
Còn đối với Cảng Quy Nhơn, từ khi nắm quyền kiểm soát, Hợp Thành chưa đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung này, thậm chí còn thông qua một công ty quản lý quỹ để chuyển tiền của QNP vào một doanh nghiệp khác có dấu hiệu liên quan tới Hợp Thành.
Trong thương vụ thâu tóm Cảng Quy Nhơn ồn ào, dư luận gần đây đặt câu hỏi và thanh tra đã vào cuộc. Nghi vấn ở đây là, ai đã đưa ra chủ trương bán 100% vốn Nhà nước tại QNP (dù không được phép), ai xác định giá trị tài sản ở mức 400 tỷ đồng, mức giá đó có rẻ hay không và có lợi ích nhóm trong việc thâu tóm QNP hay không?
Nguồn: vietnamnet