Đầu tư trực tiếp từ Nga vào Việt Nam nhiều năm qua chưa tới 1 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên, dòng vốn Nga có thể chảy về nhiều hơn khi hàng loạt biên bản ghi nhớ đầu tư được ký kết.
Dòng vốn mới
Mới đây, trong chuyến công du cùng các lãnh đạo và nguyên thủ 2 quốc gia Nga – Việt, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), chủ tịch Ngân hàng SHB “nhanh tay” gom được 40 triệu EUR biên bản ghi nhớ vay vốn từ hai định chế tài chính hàng đầu của Nga là Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) và Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC).
Không chỉ ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, lãnh đạo hai nước và các doanh nghiệp cũng ký hàng loạt biên bản ghi nhớ trong rất nhiều lĩnh vực khác với thương vụ trị giá tỷ USD.
Các dự án này trải rộng trong lĩnh vực năng lượng, chế tạo máy, truyền thông, viễn thông, công nghiệp luyện kim, chế tạo máy bay, giao thông, cơ sở hạ tầng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp hóa chất, khai thác khoáng sản,…
Vietsopetro là một trong những liên doanh có sản lượng dầu khí lớn ở Việt Nam |
Thị trường Nga cũng nhắc đến thường xuyên hơn trong thời gian gần đây, đặc biệt là với dự án đầu tư 2,7 tỷ USD của TH True Milk trong lĩnh vực sản xuất sữa. Các định chế của Nga cũng đang xem xét tài trợ vốn cho dự án này.
Nhớ lại vào thời điểm 2016, ngân hàng VTB (chính phủ Nga nắm hơn 65% vốn) đã ký biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác đầu tư với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Theo đó, khách hàng của VTB có thể đầu tư vào các công ty mà SCIC đang quản lý, còn các doanh nghiệp Việt cũng có cơ hội đầu tư ra thị trường nước ngoài.
Có thể nhận thấy Nga đang nhắm đến phương Đông, khi mà các nước phương Tây và Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì mối quan hệ địa chính trị. Thực tế từ năm 2014, kinh tế và đồng tiền Nga gặp nhiều khó khăn vì giá dầu giảm mạnh. Thậm chí GDP còn tăng trưởng âm.
Dòng vốn cũ
Nga vốn nổi danh ở lĩnh vực năng lượng và quốc gia này đầu tư ở Việt Nam chủ yếu ở lĩnh vực dầu khí, khai khoáng và gần đây là bất động sản. Cái tên nổi bật nhất là liên doanh dầu khí Vietsopetro, chiếm khoảng 1/3 sản lượng khai thác dầu của Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp dầu khí hàng đầu như Gazprom, cũng tính chuyện đầu tư sâu về sản phẩm chế biến chứ không chỉ đơn thuần khai thác.
Mặc dù có mối quan hệ lâu đời nhưng lượng vốn đầu tư FDI của Nga chỉ xấp xỉ gần 983 triệu USD, xếp thứ hạng 22, trong khi giao lưu thương mại cũng không có gì nổi trội.
dong-von-dong-au-4.jpg |
Kinh tế Nga bắt đầu đi xuống từ năm 2014 cùng với giá dầu thế giới |
Động thái “xoay” trục về khu vực châu Á Thái Bình Dương có thể đẩy thêm những dòng vốn Nga mạnh hơn và trực diện hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế, từ trước đó rất lâu, nền kinh tế Việt Nam đã từng đón nhận dòng vốn từ Đông Âu.
Đó là các ông chủ Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Lê Viết Lam (Sungroup), nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (Sovico Holdings), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan), hay đại gia trong lĩnh vực ngân hàng là ông Ngô Chí Dũng (VPBank), Đặng Khắc Vỹ (VIB),…
Các đại gia này khởi nghiệp thành công không chỉ ở Nga mà từ nhóm các quốc gia, lãnh thổ ở khu vực Đông Âu, rồi kéo về Việt Nam đầu tư. Kinh nghiệm và kỹ năng quản trị, điều hànhc ủa những ông chủ này đi kèm theo dòng vốn kéo từ Đông Âu về, đã xây dựng nên các “đế chế” hùng mạnh, trải rộng từ lĩnh vực bất động sản, hàng tiêu dùng, tài chính và hàng không.
Dòng vốn này thì khó cân đo đong đếm. Chỉ một số ít niêm yết trên thị trường chứng khoán và lên tới cả tỷ USD, nhưng còn nhiều khối tài sản khổng lồ khác từ trước đến nay chưa ai đủ sức thống kê và định giá.
Hàng loạt biên bản ghi nhớ mới với rất nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các bên, mặc dù chỉ mới là những lời hứa hẹn, nhưng có thể thấy rằng các định chế tài chính của Nga ngày càng xuất hiện trực diện, liên tiếp và dồn dập hơn trước kia. Nhưng, một điều đáng chú ý là dòng vốn Nga mới, đang hứa hẹn sẽ đổ thêm vào nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không chỉ đơn thuần ở nhóm lĩnh vực ngân hàng – bất động sản.
Nguồn: vietnamnet