Chỉ cần vài cú click chuột, các sản phẩm tươi ngon nhất sẽ được chuyển tới tay khách hàng một cách nhanh chóng, với mức giá ưu đãi và chất lượng đảm bảo.

Làm việc tại TP.HCM nhưng chị Đỗ Hồng Anh (quê Hưng Yên) vẫn có thể thưởng thức những quả vải tươi từ việc mua trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Chưa đầy 4 giờ sau khi đặt, hộp vải tươi đạt chuẩn được chuyển tới tận nhà nhờ vài thao tác mua và thanh toán trên ứng dụng điện thoại di động thông minh.

Chị Hồng Anh cho hay, lần đầu tiên mua hoa quả tươi trên ứng dụng TMĐT, chị khá bất ngờ. “Trước đây, thèm hoa quả miền Bắc, mình toàn mua ở ngoài chợ, nhưng giờ cái gì cũng có trên sàn TMĐT, không cần phải đi đâu xa. Ở nhà chống dịch, hoa quả ngon gì cũng có”, chị nói.

Theo chị Hồng Anh, ưu điểm mua qua các sàn là sản phẩm đều tươi ngon, đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, giá cả ổn định, người mua còn được hỗ trợ phí giao hàng.

Cách thức mua hàng mới này đã làm thay đổi không chỉ người mua mà cả người bán. Trong mùa văn năm nay, bà Đỗ Thị Vân (Bắc Giang) đã làm việc chưa từng có trong suốt nhiều năm trồng vải. Dưới dự hỗ trợ từ sàn Sendo, bà Vân ra vườn livestream bán vải.

“Nông dân trồng vải rất vất vả, đến lúc thu hoạch lại gặp chướng ngại dịch bệnh làm ảnh hưởng việc tiêu thụ. Hy vọng livestream có thể giúp nông dân Lục Ngạn bán được nhiều vải hơn”, bà cho hay.

Đại gia công nghệ vào cuộc, bán vải thiều cuộc đua không đối thủ
Vải tươi được bán ship ngay trong ngày trên các sàn

Qua điện thoại thông minh, bà Vân giải thích quy trình trồng vải, hướng dẫn cách nhận diện vải thiều, đồng thời kêu gọi đặt hàng trực tuyến hỗ trợ nông dân. Bà đã bán tổng cộng 8 tấn vải thiều sau buổi livestream dài 40 phút trên sàn thương mại điện tử, ngày 6/6.

Chương trình Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, do Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công Thương chỉ đạo, các sàn TMĐT với lợi thế sở hữu công nghệ tiên tiến hiện đại trong các khâu đóng gói, vận chuyển, giao hàng đã đóng vai trò giám sát chất lượng thay cho người nông dân đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường trực tuyến được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, tận dụng lợi thế của công nghệ, kết hợp với phát triển thị trường TMĐT.

Siêu kích hoạt

Nếu như trước đây, các chương trình xúc tiến thương mại thường theo kiểu mạnh ai người đó làm thì nay các sàn cùng các đối tác đã có sự bắt tay nhau nhằm tiêu thụ nông sản cho bà con đạt hiệu quả cao nhất.

Nhờ sự tham gia của các sàn và các đối tác nên chu kỳ quả vải từ vườn tới tay người mua được thực hiện một cách nhanh chóng. Đơn cử như sự hợp tác giữa Lazada, VinMart và FoodMap. Vải tươi được bán trên sàn TMĐT, ưu đãi phí vận chuyển và giao hàng nhanh trong 4 giờ. Toàn bộ nguồn hàng sẽ được thu mua, bảo quản, đóng gói theo quy trình nghiêm ngặt tại kho hàng của VinMart và FoodMap, để đảm bảo tối đa hương vị tươi ngon của loại trái cây đặc sản này.

Tương tự, trên Sendo, sau khi đơn hàng xác nhận thành công, nông dân hái vải từ vườn, đóng gói giữ lạnh theo hướng dẫn của Sendo và Đoàn Thanh niên tỉnh Bắc Giang. Xe lạnh của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VnPost) sẽ vận chuyển hàng về Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Toàn bộ quy trình đảm bảo khép kín để vải giao đến người dùng nhanh chóng, giữ được độ tươi ngon.

Đại gia công nghệ vào cuộc, bán vải thiều cuộc đua không đối thủ
Các đơn vị tham gia đưa vải lên sàn 

Grab Việt Nam cũng vừa ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện Chương trình hợp tác hỗ trợ Chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Chương trình đặt mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số nói chung đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa xã hội, trong đó có thử nghiệm trên nền tảng của Grab. Trước đó, Grab đã công bố dự án GrabConnect, khởi động chương trình đầu tiên hướng đến mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ lên đến 300 tấn vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang thông qua hệ sinh thái siêu ứng dụng.

Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, sáng lập Công ty FoodMap cho hay, đơn vị có mạnh trong việc thu mua, tuyển chọn những mặt hàng nông sản chất lượng. Đặc biệt là trái vải, một trong những loại trái cây rất khó trong vấn đề thu hoạch, bảo quản và vận chuyển xa.

Trong bối cảnh dịch bệnh quay trở lại và càng ngày càng phức tạp, việc tăng cường hợp tác với các đối tác, đặc biệt với sàn TMĐT là giải pháp rất hữu hiệu trong vấn đề giải quyết đầu ra cho bà con nông dân, trực tiếp đưa những trái vải ngon lành nhất đến người tiêu dùng và đồng thời đảm bảo sự an toàn mua sắm mùa dịch.

Đại diện VinMart, Bà Nguyễn Thị Phương – Phó Tổng giám đốc Công ty Vincommerce – cho biết, phương thức phân phối này đảm bảo an toàn mua sắm trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đưa những hàng hóa tươi như trái vải thiều Bắc Giang đến tận tay người tiêu dùng Việt Nam.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, nhấn mạnh Grab cam kết sẽ phát huy tối đa năng lực công nghệ, nền tảng số và hệ sinh thái để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản Việt, mang đến hiệu quả thiết thực lâu dài cho bà con nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp khắp cả nước.

Đánh giá về hiệu quả, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN-PTNT, cho hay, một trong những giải pháp đột phá là liên kết thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng.

Sự hiện diện của các sàn xuyên suốt trong quá trình đưa nông sản từ kho của người bán đến tay người tiêu dùng cho thấy cam kết đồng hành và sự quyết tâm mạnh mẽ thay đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ số.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : thương mại điện tửtiêu thụ nông sảnvải thiềuvải thiều bắc giang

Các tin liên quan đến bài viết