Tình hình sản xuất nông nghiệp vừa trải qua 3 thách thức lớn để mang về trên 48 tỉ USD. Song, vấn đề giá vật tư leo thang, đại dịch COVID-19, chiến sự thế giới, giá dầu… được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn trong năm nay.

Đại dịch, giá phân bón tăng là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Nông dân sản xuất lúa ST24 tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

Ngày 17-3, tại tỉnh Vĩnh Long, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất, trồng trọt vụ đông xuân 2021 – 2022 và triển khai kế hoạch các vụ mùa năm 2022 tại Nam Bộ.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp đã đối mặt nhiều khó khăn do đại dịch nên thời vụ sản xuất lúa thu đông kéo dài, gây ảnh hưởng đến sản xuất và làm giảm diện tích gieo trồng tại các tỉnh vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, dịch vụ máy móc, thu hoạch tăng, khan hiếm lao động dẫn đến tăng chi phí đầu tư, giảm lợi nhuận của nông dân, sản xuất mang lại hiệu quả thấp.

Liên kết chuỗi giá trị cũng gặp khó khăn trong bao tiêu sản phẩm đầu ra, doanh nghiệp và người nông dân chưa xích gần nhau để thương lượng, giải quyết khi giá thị trường biến động.

Ông Lê Thanh Tùng – phó cục trưởng Cục Trồng trọt – cho hay, đại dịch, giá phân bón tăng kỷ lục, hạn hán, xâm nhập mặn là 3 thách thức lớn của sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2021 – 2022. Tuy nhiên, kết quả sản xuất chung đạt được những thuận lợi do các tỉnh, thành dự báo nguy cơ sớm, triển khai sản xuất sớm, rà soát thời vụ, mùa vụ kịp thời.

“Việc khuyến cáo chọn giống phù hợp thực tế nhu cầu thị trường, thích ứng điều kiện khí hậu, thời tiết và địa phương tạo điều kiện thuận lợi sản xuất, tiêu thụ. Bà con nông dân ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất là những yếu tố quan trọng để ngành vượt qua các thách thức nói trên” – ông Tùng chia sẻ.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích và sản lượng lúa, gạo vụ đông xuân 2021 – 2022 đều giảm do buộc thực hiện giãn cách xã hội bởi đại dịch COVID-19, một số vùng lũ rút chậm kéo theo việc xuống giống chậm trễ. Vì vậy, nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã điều chỉnh giảm diện tích sản xuất lúa.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền kéo giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Đồng thời nâng cao việc sản xuất và cung ứng giống lúa cấp xác nhận cho sản xuất.

Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”. Quản lý việc sử dụng nước giữa vụ và cơ giới hóa đồng ruộng góp phần kéo giảm, ổn định giá thành sản xuất trong điều kiện giá phân bón tăng cao và giá bán lúa luôn biến động.

Ông Lê Quốc Doanh – thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – cho biết, vượt qua những khó khăn chung trong năm 2021, nông nghiệp đã có những thắng lợi nhất định, tăng trưởng xấp xỉ 3%, xuất khẩu nông sản trên 48 tỉ USD.

“Trồng trọt tăng trưởng 2,7%, ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL tăng 1,1 triệu tấn, trong khi diện tích giảm khoảng 18.000ha. Năm nay, bối cảnh giá vật tư leo thang, đại dịch chưa thể kiểm soát tốt, tình hình chiến sự các nước, giá dầu… được dự báo sẽ tác động đến ngành, ảnh hưởng an ninh lương thực thế giới” – ông Doanh nhận định.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ĐBSCLnông nghiệpsản xuấtvật tưVĩnh Long

Các tin liên quan đến bài viết