Bình Phước là một tỉnh khó khăn, vì thế, theo vị ĐBQH, không có chuyện tỉnh ép người dân và doanh nghiệp

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước phản ánh về tình trạng trạm thu phí bủa vây trên tỉnh lộ 741 khi tuyến đường này chỉ dài khoảng 120km nhưng có đến 6 trạm BOT.

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước chưa nhận được phản ánh của Hiệp hội. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Phước đã nhiều lần đối thoại và đưa ra phương hướng trong các cuộc họp nhằm giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.

Theo bà Tôn Ngọc Hạnh, đường phía nam tỉnh rộng vô cùng, giáp biên giới không có nguồn thu, khu vực cửa khẩu biên giới hiện đang trống, vì thế lượng xe cộ đi tuyến BOT này rất ít, nhà đầu tư không thu không được mấy. Những con số về tình hình thu phí BOT đã được chỉ đạo phải đưa công khai, minh bạch trên hệ thống và được lãnh đạo tỉnh Bình Phước giám sát liên tục.

Trong khi đó, khi làm BOT, tuyến đường được mở ra rộng hơn, nếu trước đây chỉ có 2-3 làn đường thì giờ làm tới 6 làn, thảm nhựa dày lên, đẩy chi phí lên cao.

“Về khoảng cách giữa các trạm BOT dưới 70km, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giải thích rất rõ. Theo tinh thần Bộ trưởng hứa trước Quốc hội là chỉ đạo các trạm thu phí có chế độ miễn giảm cho người dân ở bán kính 5km quanh trạm BOT.

Bản thân lãnh đạo tỉnh Bình Phước, trưởng đoàn ĐBQH liên tục đối thoại, giải thích cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh mong muốn người dân và doanh nghiệp chia sẻ với tỉnh – là địa phương khó khăn, đường đi cụt vì giáp biên giới, không hề có chuyện lãnh đạo tỉnh cố tình vẽ ra để làm khó người dân và doanh nghiệp”, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nói.

Dai bieu Quoc hoi noi ve duong 120km 6 tram BOT

 Trạm thu phí số 1 Đồng Xoài – Phước Long trên tỉnh lộ 741. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

Cũng theo chia sẻ của bà Tôn Ngọc Hạnh, qua các cuộc tiếp xúc, bà thấy người dân rất đồng thuận, ủng hộ tỉnh, không quá gay gắt về vấn đề BOT. Cá nhân bà thấy rằng, vấn đề trạm thu phí không phải quá nóng đối với Bình Phước.

“Tỉnh Bình Phước đang phấn đấu đến năm 2020 có thể tự chủ được chi thường xuyên, ngân sách TƯ không phải hỗ trợ nữa. Trong điều kiện khó khăn như vậy, nếu không cố gắng thì tỉnh không thể phát triển, chi ngân sách làm đường thì không kham nổi.

Vì thế, không phải ý kiến người dân không được tiếp thu mà đây là điều Bình Phước rất mong được chia sẻ. Lãnh đạo tỉnh đã định hướng sau này chủ đầu tư trạm BOT rút ngắn thời gian thu phí”, bà Hạnh cho biết.

Vị ĐBQH tái khẳng định tỉnh Bình Phước không ép doanh nghiệp hay người dân, trái lại còn mong muốn tha thiết doanh nghiệp đầu tư. Bà cũng cho rằng, vấn đề BOT không ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của doanh nghiệp, trái lại khi đường được mở, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa càng lưu thông tốt hơn.

“Điều cần thiết là phải cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí trung gian cho doanh nghiệp. Còn vấn đề thu phí BOT, nhà đầu tư cũng đã có chính sách áp dụng cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu mua vé tháng hay vé năm, doanh nghiệp được ưu đãi hơn rất nhiều so với mua vé ngày, tính ra giảm được mấy chục phần trăm”, bà Tôn Ngọc Hạnh cho biết.

Trong khi đó, tiếp tục trao đổi với Đất Việt, ông Võ Quang Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước tái khẳng định doanh nghiệp tỉnh đang rất khốn khổ vì trạm thu phí dày đặc trên tỉnh lộ 741.

Theo ông, tỉnh lộ 741 là tuyến đường huyết mạch của Bình Phước, là cửa ngõ lưu thông hàng hóa từ Bình Phước đi TP.HCM và ngược lại, dày đặc xe và đây chính là miếng bánh quá ngon.

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước đề nghị doanh nghiệp chia sẻ nhưng chi phí mà doanh nghiệp đang gánh là quá lớn. Hơn nữa, nhà đầu tư BOT khẳng định là đã có lãi, tại sao doanh nghiệp vẫn phải đóng tiền đi qua trạm mười mấy năm nữa?

Trường hợp nhà đầu tư BOT chưa thu đủ, doanh nghiệp có thể chia sẻ nhưng khi nhà đầu tư đã có lãi thì phải ngừng thu phí, chuyện ấy rất rõ ràng. Giờ cái gì cũng bắt doanh nghiệp đóng trong khi trạm BOT cứ dày đặc như vậy, chúng tôi không thể chia sẻ chuyện vô lý đó.

6 trạm BOT trên 120km còn doanh nghiệp nào sống được? Tất cả những chi phí ấy sẽ được tính vào giá thành sản phẩm, cuối cùng sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp bị triệt tiêu”, ông Võ Quang Thuận bức xúc.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, Hiệp hội đã kiến nghị rất nhiều lần tại các diễn đàn và sẽ vẫn tiếp tục kiến nghị để mong tìm ra cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Thành Luân/ Báo đất việt

Từ khóa : 120km 6 trạm BOTBÌNH PHƯỚCđại biểu quốc hộihiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phướctrạm thu phí

Các tin liên quan đến bài viết