Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 tính đến nay đã trải qua 14 năm nhưng chưa hoàn thành. Nhiều cựu lãnh đạo Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã vướng vòng lao lý. Giờ đây, dự án này đang đứng trước “thời khắc sống còn”.
Hơn 10 năm mắc kẹt, nhiều lãnh đạo dính lao lý
Khu Công nghiệp liên hiệp Gang thép Thái Nguyên là đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Thương hiệu thép TISCO một thời cũng là tên tuổi lớn trong ngành gang thép. Tuy nhiên, việc “mắc kẹt” ở dự án giai đoạn 2 khiến tình hình TISCO luôn gặp khó khăn.
Dự án này đến nay đã kéo dài 14 năm tính từ lúc khởi công, với nhiều tồn tại vướng mắc chưa giải quyết được. Cho nên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của TISCO từ năm 2018 có dấu hiệu giảm sút.
Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TISCO và Tổng công ty Thép Việt Nam đã phải hầu tòa, chịu nhiều bản án nghiêm khắc của pháp luật trong quá trình triển khai dự án giai đoạn 2.
Phần lắp đặt trên công trường dự án giai đoạn 2 chủ yếu là các kết cấu thép |
Chiều 20/4, sau hơn một tuần xét xử và nghị án kéo dài, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án đối với 19 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Theo đó, bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu TGĐ TISCO) bị tuyên 9 năm 6 tháng tù, Trần Văn Khâm (cựu chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ TISCO) 8 năm 6 tháng tù, Mai Văn Tinh (cựu chủ tịch HĐQT VNS) 6 năm tù, Đậu Văn Hùng (cựu TGĐ VNS) 3 năm tù, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo đến 8 năm tù về cùng tội danh nêu trên hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay sau khi phiên tòa khép lại, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã xây dựng một kế hoạch trình cơ quan có thẩm quyền cho phép tái khởi động lại dự án giai đoạn 2 này, bằng cách triển khai từng phần dự án.
Trong báo cáo gửi đến các cơ quan cấp trên, TISCO cho rằng: Nếu những tồn tại vướng mắc của Dự án giai đoạn 2 không được xử lý kịp thời dứt điểm, chắc chắn sẽ làm cho tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của đơn vị này thời gian tới sẽ đối mặt với khó khăn khó lường.
Các bị cáo trước tòa |
Đến nay, phần lớn thiết bị của dự án giai đoạn 2 đã được nhà thầu Trung Quốc MCC chuyển đến và đang được TISCO bảo quản. Nhưng việc nằm kho quá lâu cũng sẽ khiến những trang thiết bị này không tránh khỏi hư hỏng.
Triển khai từng phần?
Theo TISCO, nếu Dự án giai đoạn 2 không sớm được tái khởi động thì công ty rất khó duy trì được sản xuất, gần 4.000 lao động mất việc làm và thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống gia đình người lao động ước tính trên 20.000 người; làm mất vốn của Nhà nước (gần 1.200 tỷ đồng) và của xã hội, các ngân hàng không thu được nợ.
Đồng thời, việc này sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp là đối tác, nhà cung cấp, khách hàng trên cả nước và ảnh hưởng lớn tới sự phát triển, an sinh xã hội và ổn định chính trị của cả thành phố, tỉnh Thái Nguyên.
Trong kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng, công ty này cho rằng: Công nghệ của dự án giai đoạn 2 hiện nay vẫn là công nghệ tiên tiến; thiết bị đã chuyển đến công trường, một số đã được lắp đặt, một số được bảo quản tốt thì có thể bảo dưỡng, lắp đặt và vận hành hoạt động giúp phát huy tối đa lợi thế về chuỗi sản xuất liên hợp, tiết kiệm năng lượng. Điều này giúp công ty tự chủ được hầu hết từ gang, cốc, phôi thép, nhiên liệu khí, dầu phục vụ sản xuất, tạo ra nguồn giá trị gia tăng có ích lớn…
Một số thiết bị của dự án được bảo quản trong kho nhiều năm nay |
Công ty này lưu ý: Nếu không sớm tái khởi động dự án giai đoạn 2 thì chất lượng thiết bị trên hiện trường ngày càng hư hỏng, xuống cấp, chi trả tiền lãi vay, làm tăng chi phí của dự án. Nếu tình trạng này kéo dài thì công ty sẽ không duy trì được sản xuất và có thể dẫn tới phá sản, làm mất vốn của Nhà nước, các cổ đông và các ngân hàng không thu được nợ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, các doanh nghiệp liên quan và hệ lụy xã hội sẽ rất lớn.
Thực tế nhiều năm qua, TISCO đã nhiều lần báo cáo và kiến nghị cấp trên các giải pháp để giải quyết tồn tại vướng mắc của dự án, vì các tồn tại vướng mắc đã vượt quá thẩm quyền xử lý của công ty này hoặc chưa có quy định của pháp luật để xử lý, tuy nhiên các kiến nghị này đều chưa được giải quyết.
Vì vậy, TISCO mong muốn Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành có cơ chế tách dự án ra để xử lý; có cơ chế để khoanh nợ gốc, xóa nợ lãi đối với các khoản nợ vay của dự án, giúp cho công ty này hồi sinh.
Nguồn: vietnamnet