Sau khi lập công ty ‘sân sau’, lập dự án chăn nuôi bò, ông Trần Bắc Hà cùng con trai là Trần Duy Tùng dựng một số người thân lên làm tổng giám đốc, trong đó có người là lái xe riêng của Tùng.
Chiều 27-10, phiên sơ thẩm xét xử đại án Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thiệt hại 1.700 tỉ tiếp tục với phần xét hỏi.
Đáng chú ý tại tòa, bị cáo Trần Anh Quang, cựu tổng giám đốc Công ty Bình Hà, khai không có trình độ chuyên môn nhưng được Trần Duy Tùng dựng lên để dễ dàng điều hành, “lách luật” với mục đích vay vốn của BIDV.
Tổng giám đốc “không biết mình là cổ đông”
Theo hồ sơ vụ án, tháng 3-2015, lợi dụng chức vụ chủ tịch BIDV, ông Hà đã trực tiếp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư dự án chăn nuôi bò tại đây. Sau đó, ông Hà lập công ty “sân sau” là Công ty Bình Hà với mức vốn điều lệ đăng ký 200 tỉ đồng và lập dự án nuôi bò tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỉ với mục đích vay vốn của BIDV.
Công ty Bình Hà có 3 cổ đông là Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh. Bị cáo Trần Anh Quang được dựng lên làm tổng giám đốc giai đoạn từ tháng 10-2016.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Quang cho biết có quan hệ họ hàng, gọi Trần Bắc Hà là ông và Trần Duy Tùng là chú. Trước đây bị cáo Quang là lái xe riêng cho Tùng.
Khi ông Trần Bắc Hà lập công ty “sân sau”, bị cáo Quang “không biết mình là cổ đông”. Khoảng tháng 9-2016 bị cáo mới biết mình nắm giữ 25% cổ phần Công ty Bình Hà.
“Khi đó, Tùng nhờ bị cáo đứng tên đại diện pháp nhân cho công ty. Bị cáo không có trình độ để quản lý ở tầm giám đốc nên từ chối. Tuy nhiên, Tùng nói bị cáo là cổ đông nên nhờ đứng tên giúp”, bị cáo Quang khai.
Theo lời khai của bị cáo Quang, khi thành lập công ty sân sau, do ông Trần Bắc Hà đang là chủ tịch BIDV nên Trần Duy Tùng không thể đứng tên làm tổng giám đốc Công ty Bình Hà vì quan hệ cha – con không thể vay vốn.
“Thực tế, mọi điều hành đều do Tùng chỉ đạo. Tùng có thuyết phục công ty đang khó khăn, những giấy tờ gì cần ký Tùng sẽ chỉ đạo. Bị cáo hoàn toàn không có mặt, không tham gia vào hoạt động của công ty”, ông Quang phân trần.
8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng, cho vay hơn 2.600 tỉ đồng
Công ty Bình Hà là công ty mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện nhưng ông Trần Bắc Hà đã ký quyết định tài trợ vốn cho vay hơn 3.100 tỉ để thực hiện dự án chăn nuôi bò.
Do công ty không đủ điều kiện để được cấp tín dụng, nên quá trình thực hiện hợp đồng và giải ngân, BIDV hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng theo hướng bỏ qua một số quy định, hoặc nới lỏng điều kiện.
Đến tháng 11-2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho Công ty Bình Hà vay hơn 2.600 tỉ đồng.
Sau khi BIDV chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân nhưng kiểm soát dòng tiền để cho bị cáo Trần Anh Quang, Thái Thành Vinh dưới sự chỉ đạo của Trần Duy Tùng câu kết với đối tác ký hợp đồng để nhận lại và chiếm đoạt 20% tổng giá trị hợp đồng.
Ngoài việc đứng tên cổ đông Công ty Bình Hà giúp Trần Duy Tùng, Quang còn mở tài khoản cá nhân tại Ngân hàng BIDV và Sacombank, để nhận và sử dụng tiền từ các công ty môi giới bán bò và các lò mổ (mua bò của Công ty Bình Hà) chuyển lại và thanh toán tiền bò, theo chỉ đạo của Tùng.
Với thủ đoạn trên, từ tháng 5-2016 đến tháng 1-2017, Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh đã chiếm đoạt 150 tỉ tiền bán bò.
Theo cáo trạng, việc BIDV và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh phê duyệt cấp tín dụng, giải ngân cho Công ty Bình Hà vay với các sai phạm trên, gây thiệt hại cho BIDV 800 tỉ đồng.
Nguồn: tuoitre.vn