Nhờ sự phát triển của hệ thống bán lẻ và thương mại điện tử, các cơ sở đặc sản Tết miền Tây có thêm nhiều khách hàng ở những vùng miền trước đây chưa từng xuất hiện.
- Gia công thốt nốt tươi vừa bán cho du khách vừa làm nguyên liệu hàng Tết
Đặc sản thốt nốt vùng Bảy Núi lên kệ quà Tết
Những ngày này về vùng Bảy Núi (An Giang), bà con tất bật thu hoạch mật hoa và trái thốt nốt chuẩn bị cho thị trường Tết sôi động nhất năm.
Bà Dương Hồng Nga – ngụ xã Tân Lợi, huyện Tri Tôn – cho biết đã chuẩn bị hơn 1 tấn trái thốt nốt để làm mứt Tết năm nay. Trái thốt nốt ngoài ăn tươi còn được chế biến thành các sản phẩm như mứt rim, mứt sấy làm đặc sản tết.
Từ 3kg trái tươi chế biến được 1kg mứt sấy dẻo giá 190.000 đồng/kg, 1,5kg đối với mứt rim giá 140.000 đồng/kg. Sản phẩm ngoài phục vụ khách du lịch còn được bán qua mạng, đóng gói vận chuyển đi các tỉnh miền Tây, TP.HCM.
“Trung bình mỗi ngày cơ sở của tôi sẽ bán từ 100 – 200kg trái tươi. Riêng mứt sấy dẻo, mứt rim tiêu thụ khoảng 100kg. Hiện tôi chuẩn bị nhập 1 tấn nguyên liệu cung ứng thị trường Tết”, bà Nga nói.
Còn bà Ngọc Dịu – chủ cơ sở mật thốt nốt Palmania – cho hay đã tăng gấp đôi công suất để phục vụ thị trường Tết. Sản phẩm mật thốt nốt dạng bột và dạng sệt được đóng gói bao bì với nhiều kích cỡ từ 250g – 1kg tiện lợi, dễ vận chuyển. Hiện sản phẩm này đã có mặt trên các kệ hàng siêu thị trong tỉnh, chuyển đi Cần Thơ, TP.HCM, Đà Nẵng.
“Kênh bán hàng chủ yếu của tôi là các siêu thị và sàn thương mại điện tử. Các đơn hàng chủ yếu quà Tết tăng 30%, cơ sở phải tăng công suất gần 50% để kịp giao hàng”, bà Dịu nói.
Khô cá đồng miền Tây tăng hơn 30%
Những ngày này, ngư dân ở biên giới An Giang tất bật vào mùa làm cá, khô để phục vụ thị trường Tết Quý Mão 2023. Giá khô nhiều loại năm nay vẫn giữ nguyên so với cùng kỳ năm ngoái.
Chị Lưu Giang Thanh, chủ cơ sở sản xuất khô 9T (phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu), cho biết năm 2022 nước lũ lớn nên có nhiều loại cá đồng hơn so với các năm trước. Mỗi ngày chị thu mua 500kg thịt cá lóc để ướp gia vị rồi làm khô.
Chị Thanh cho biết dù hiện nay giá nguyên liệu đầu vào làm khô như cá tươi, muối, nhân công… đều tăng nhưng người làm khô ở Tân Châu không thể tăng giá.
Nhờ quảng bá trên mạng xã hội nên hiện chị Thanh bán khô tới nhiều tỉnh thành như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Ngoài ra, chị còn gửi khô cá sặt bổi, cá lóc ra nước ngoài khoảng 30kg/tháng.
“Khô cá lóc bán ra giá 300.000 đồng/kg, còn cá chạch một nắng có giá 450.000 đồng/kg. Trước tôi bán 1,2 tấn/tháng thì hiện nay gần 2 tấn khô/tháng bù lại vì trước bán lời khoảng 20% thì hiện nay chỉ còn 10% thôi. Bây giờ khó khăn mà mình tăng giá sẽ mất khách hàng”, chị Thanh nói.
Ông Huỳnh Công Phương – phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang – cho hay toàn xã có gần 60 cơ sở làm khô cá đồng làm đặc sản tết phục vụ thị trường Tết. Nguồn cá chủ yếu do bà con thu mua từ Campuchia.
Thủ phủ khô cá khoai nhập cá từ nước ngoài để cung ứng Tết
Ông Kim Văn Thẳng – một ngư dân có hơn 20 năm đánh bắt cá khoai trên biển Cà Mau – cho biết hai năm trở lại đây lượng cá khoai đánh bắt trên vùng biển Tây Nam sụt giảm mạnh. Thiếu cá khoai tươi nên giá cá khô khoai cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, loại 1 từ 450.000 – 500.000 đồng/kg.
Anh Huỳnh Thanh Sang – cơ sở sản xuất khô khoai Út Phấn, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (Cà Mau) – cho biết Tết năm nay lần đầu tiên phải mua cá nước ngoài về mới đảm bảo đơn hàng giao cho khách.
Ông Trần Quốc Yên – chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm – cho biết thị trấn có 26 cơ sở sản xuất khô cá khoai. Gần đây, các cơ sở phải mua cá khoai tươi từ các nước như Ấn Độ, Indonesia về sản xuất.
Nguồn: tuoitre.vn