Phá Bàu là lễ hội truyền thống có từ lâu đời của người đồng bào dân tộc Khmer. Sau một thời gian bị lãng quên, năm 2011 lễ hội được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước phục dựng trong niềm hân hoan của người Khmer. Năm nay lễ hội Phá Bàu vừa được UBND xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh tổ chức đã thu hút đông đảo bà con đồng bào Khmer trong vùng tham gia. 

Theo tục lệ của lễ hội Phá Bàu của người Khmer, sau khi Hội đồng già làng thực hiện các nghi lễ truyền thống và nghi thức cúng các thần linh cầu mưa thuận, gió hòa, cho mùa màng bội thu, cầu cho buổi Phá Bàu được thuận lợi, bà con thu hoạch được nhiều cá, tôm… Sau đó, đông đảo bà con đồng bào dân tộc Khmer với các dụng cụ truyền thống thô sơ như: nơm – rút, sneng, giỏ – t’ró, đồ xúc – kh’ne… thi nhau bắt cá. Những con cá bắt được đầu tiên được dâng lên cho già làng.

Các già làng thực hiện nghị thức cúng thần linh cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu
Các già làng thực hiện nghị thức cúng thần linh cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu

Các sản phẩm bắt được trong lễ hội được chế biến thành những món ăn truyền thống như: mắm chua được làm từ cá nhỏ và tép, cá hấp lá chuối, cá nướng, cua nướng… hầu hết các loại cá đều được làm bằng cách thông qua nướng trên lửa, sau đó được chấm với muối ớt tươi, ăn kèm với các loại rau rừng.

Chia sẻ về cảm xúc lễ hội truyền thống của đồng bào mình, bà Thị Chay, ấp  Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh nói: “Đây là lễ hội truyền thống lâu đời của người đồng bào Khmer. Hôm nay, tôi rất vui khi được tham gia lễ hôi này, vui hơn là vì mình cũng bắt được cá. Theo quan niệm của người Khmer người bắt được cá trong lễ hội sẽ gặp nhiều may mắn và gia đình sang năm sẽ có một mùa màng bội thu”.

Mặc dù không bắt được con cá nào sau hơn 1 giờ cùng mọi người hăng say dưới bàu nước tìm kiếm cá, chị Lâm Thị Hà, ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh chia sẻ: “Mặc dù không bắt được con cá nào nhưng tôi cũng thấy rất vui, vì thấy chị em bắt được nhiều cá, tôi cũng mừng. Tôi hy vọng rằng lễ hội này được tổ chức hằng năm để nhắc nhở các thế hệ con cháu cùng nhau giữ gìn và phát huy truyền thống quý bầu của cha ông mình”.

Đông đảo bà con đồng bào dân tộc Khmer đủ mọi lứa tuổi thành phần xuống bàu bắt cá sau nghi thức cúng lễ của già làng
Đông đảo bà con đồng bào dân tộc Khmer đủ mọi lứa tuổi thành phần xuống bàu bắt cá sau nghi thức cúng lễ của già làng

Già làng Lâm Bắc, ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh cho biết: “Trước đây lễ hội này được tổ chức hàng năm, tuy nhiên đã bị lãng quên rất lâu rồi, tận năm 1968. Trong những năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện phục dựng lại lễ hội Phá Bàu của người Khmer, bà con nơi đây vui lắm. Việc tổ chức này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer ở miền Đông Nam bộ nói chung và Bình Phước nói riêng. Đồng thời, giúp cho các thế hệ trẻ người Khmer quý trọng những giá trị truyền thống của cha ông mình”.

Cũng theo già làng Lâm Bắc, Phá Bàu là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ở Bình Phước, ngoài phản ánh hoạt động đánh bắt thủy sản từ thiên nhiên, lễ hội còn là hoạt động văn hóa truyền thống chứa đựng giá trị vật chất, tinh thần của dân tộc Khmer. Lễ hội mang tính cộng đồng cao, thể hiện giá trị văn hóa tinh thần đặc trưng về cư dân Khmer Bình Phước cùng gắn kết với mong muốn mùa màng bội thu, hướng đến một cuộc sống ấm no.

Những con cá, con tôm, con tép bắt được để làm những món truyền thống rồi cùng nhau quây quần ăn uống tại lễ hội
Những con cá, con tôm, con tép bắt được để làm những món truyền thống rồi cùng nhau quây quần ăn uống tại lễ hội

Bên cạnh đó, lễ hội Phá Bàu hàng năm không chỉ tạo điều kiện để bà con đồng bào dân tộc Khmer trong vùng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất và trong cuộc sống mà còn phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Thông qua lễ hội Phá Bàu này, đồng bào thể hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ gìn giữ nguồn tài nguyên quý đó là nước sinh hoạt trong cuộc sống cũng như góp phần tích cực trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung.

Theo khoahocthoidai.vn

Từ khóa : đồng bào Khmerlễ hội phá bàu

Các tin liên quan đến bài viết