Nhiều trường đại học cho hay, việc địa phương đặc cách cho học sinh đạt 6.5 IELTS là học sinh giỏi cấp tỉnh không ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào và kết quả tuyển sinh của trường.
Mới đây Sở GD-ĐT Hà Tĩnh quyết định công nhận đặc cách cho 70 học sinh lớp 12 đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên là học sinh giỏi cấp tỉnh mà không cần dự thi.
Cụ thể, có 6 em đạt 8.0 điểm IELTS được công nhận đạt giải Nhất cấp tỉnh; 20 em đạt 7.0 điểm IELTS được công nhận đạt giải Nhì; 44 em đạt 6.5 IELTS được công nhận đạt giải Ba.
Sau thông tin này, đã có một số quan điểm trái chiều.
Nhiều độc giả cho rằng, quyết định của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh là hợp lý, thực chất, thúc đẩy học sinh phát triển toàn diện cả 4 kỹ năng, cũng như tạo động lực cho các em học IELTS từ sớm.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại sẽ gây ra sự mất công bằng trong xét tuyển đại học. Bởi hiện nay, nhiều trường đại học có phương thức xét tuyển hoặc cộng điểm cho học sinh giỏi cấp tỉnh.
Trao đổi với VietNamNet, một cán bộ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, việc đặc cách học sinh giỏi của địa phương gần như không ảnh hưởng gì đến công tác tuyển sinh cũng như chất lượng đầu vào của trường.
“Những học sinh giỏi cấp tỉnh ở môn Tiếng Anh chỉ được tuyển thẳng vào các ngành Ngôn ngữ Anh – Viện Ngoại ngữ, chứ không được vào các ngành học khác. Tuy nhiên, nếu vào Viện Ngoại ngữ thì chỉ cần đạt trình độ 6.5 IELTS là đã đủ điều kiện. Do đó, với công tác tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì việc đặc cách này gần như không có ý nghĩa gì”, vị này nói.
Chưa kể, các thí sinh cũng phải vượt qua một kỳ thi vất vả không kém để có được chứng chỉ IELTS đạt 6.5 trở lên.
Do đó, theo cán bộ này, nói các học sinh này được lợi hơn hay gây mất công bằng trong tuyển sinh là không đúng.
Bà Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cũng khẳng định, việc đặc cách của Hà Tĩnh không làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh của trường, bởi phương thức tuyển sinh của trường đã rất rõ ràng.
Theo bà Hương, với phương thức xét tuyển đối với các học sinh giỏi cấp tỉnh, Trường ĐH Ngoại thương yêu cầu các em phải có tham gia các kỳ thi này.
“Còn việc có công nhận đạt chứng chỉ là tương đương hay không thì do trường quyết định, chứ không phải các địa phương đặc cách tương đương thì các trường đại học phải theo”, bà Hương nói.
Bên cạnh đó, học sinh giỏi cấp tỉnh cũng chỉ đủ điều kiện nộp hồ sơ theo phương thức xét tuyển 1 (dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 12 và hệ chuyên của trường THPT chuyên), chứ cũng không được tuyển thẳng.
Tuy nhiên, theo bà Hương, nếu đạt 6.5 IELTS trở lên, học sinh cũng đã có quyền lợi nhất định khi xét tuyển vào trường.
Vì vậy, bà Hương cho rằng, nếu không muốn ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh, các trường đại học phải mô tả kỹ đối tượng mà mình hướng đến trong phương án tuyển sinh.
Trong khi đó, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, trường không tuyển thẳng đối tượng học sinh giỏi cấp tỉnh.
Trong phương án xét tuyển kết hợp năm 2020 của trường ĐH Kinh tế quốc dân, đối tượng thí sinh có Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (đạt IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 500 trở lên hoặc TOEFL iBT 46 trở lên) cũng độc lập với nhóm đối tượng thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành và bình đẳng về cơ hội xét tuyển.
“Với phương án này, Trường ĐH Kinh tế quốc dân chỉ yêu cầu thí sinh có Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS từ 5.5 trở lên – thấp hơn mức sàn quy đổi đạt giải học sinh giỏi của Hà Tĩnh” – ông Triệu nói.
Trước đó, trả lời VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho hay: “Hà Tĩnh làm như vậy nhưng sau này các trường đại học có lấy thí sinh theo phương thức này hay không là quyền của họ. Chúng tôi không đặt ra mục tiêu tăng số học sinh giỏi cấp tỉnh để tăng số lượng vào đại học. Mục tiêu của chúng tôi là để động viên, khuyến khích, tăng khả năng tiếng Anh cho học sinh trong tỉnh chứ không phải tạo điều kiện cho các em vào đại học”. |
Nguồn: vietnamnet