Tròn 2 tháng bùng phát dịch COVID-19, sáng 23-9 bệnh nhân 936, ca mắc COVID-19 cuối cùng ở Đà Nẵng, đã được ra viện trong niềm vui khó tả của ngành y tế địa phương này.
Đà Nẵng tạm khép lại chuỗi ngày nặng nề là vùng tâm dịch để quay lại cuộc sống thường nhật.
“Gác lại các ca bệnh, khi mọi hoạt động trở lại bình thường, chúng tôi hi vọng kinh tế sẽ khôi phục sau quãng thời gian khó khăn vừa qua” – BS Nguyễn Tiên Hồng, phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, kỳ vọng.
Ca cuối cùng phải xét nghiệm 19 lần
Người ra viện cuối cùng ở Đà Nẵng là bệnh nhân 936. Ông H.Đ.B. (56 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đang có chỉ định mổ hở động mạch vành thì có kết quả dương tính với virus corona ngày 15-8. Một loạt bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu… đe dọa suốt chuỗi 36 ngày trong viện.
Trong niềm vui khó tả khi sạch bóng COVID-19, bác sĩ Đặng Công Quýt, phó trưởng khoa nội Bệnh viện Hòa Vang, cho biết ông B. là một trường hợp bệnh nặng, thử lửa tay nghề của đội ngũ thầy thuốc ở đây. Theo bác sĩ Quýt, ông B. không những gặp vấn đề do có quá nhiều bệnh nền, lại ở thời điểm bệnh nhạy cảm vì có chỉ định mổ hở động mạch vành mà còn phát sinh một số vấn đề tâm lý.
“Do mọi người ra viện hết chỉ còn mình bệnh nhân này ở lại. Đặc biệt có những ngày bệnh nhân mất ngủ liên tiếp vì kết quả âm tính rồi lại dương tính. Chúng tôi phải dùng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý để động viên” – bác sĩ Quýt nói.
Ông B. là một trường hợp bệnh nhân điển hình được đưa về đây điều trị vào thời điểm dịch đang căng thẳng nhất vào trung tuần tháng 8. Gần 200 bệnh nhân tại một cơ sở điều trị COVID-19 dã chiến không khỏi khiến các bác sĩ ở đây lo lắng. Nhất là đối với loại dịch không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc tiếp nhận những bệnh nhân bị bệnh nền luôn đi kèm những cảm xúc căng thẳng của đội ngũ y tế ở đây.
Kết quả sau 19 lần xét nghiệm virus corona, ông B. cũng được ra viện với niềm vui khó tả. Ngày chia tay bác sĩ, ông B. cho biết mặc dù là bệnh nhân được ra viện cuối cùng trong đợt dịch này nhưng ông lại cảm thấy rất vui mừng khi được là người khép lại những lo âu của người Đà Nẵng.
“Tôi muốn cảm ơn các bác sĩ ở đây vì sự chăm sóc chu đáo cho chúng tôi trong những ngày qua. Đội ngũ y bác sĩ đã lo cho chúng tôi như người nhà nên tôi may mắn phục hồi sớm” – ông B. nói.
Xây dựng “văn hóa COVID-19”
Đang tiến sát tới mốc 28 ngày không có ca mắc COVID mới trong cộng đồng để công bố hết dịch, đến nay cuộc sống thường nhật đã trở lại với người Đà Nẵng (trừ 5 loại hình kinh doanh còn đang tạm dừng là quán bar, karaoke, mátxa…). Các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường như trước đây dù còn đó nhiều khó khăn.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến – giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, chuỗi ngày từ 24-7 đến nay là hai tháng đặc biệt đối với ngành y thành phố. Bởi quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19 có nhiều thời điểm bị áp lực lớn do số lượng bệnh nhân dồn dập vào cùng thời điểm.
Tuy nhiên ngành y tế đã đạt được những mục tiêu là điều trị thành công cho bệnh nhân COVID-19 có nhiều bệnh nền để có những ca chiến thắng bệnh tật như trường hợp bệnh nhân 936.
Thời điểm vừa qua ngành y tế phải chạy đua với sự nỗ lực hoàn thiện từ cơ sở vật chất, trang thiết bị với một tiến độ chưa từng thấy. Riêng thành công trong việc điều trị đến từ yếu tố quyết định là nguồn nhân lực tại chỗ với sự hỗ trợ từ các chuyên gia của Bộ Y tế và nhân lực các tỉnh.
“Đà Nẵng đã khống chế để dịch không lây lan ra các vùng khác và bây giờ là xóa dịch ở Đà Nẵng. Đương nhiên trong phòng chống dịch COVID-19 thì việc điều trị bệnh nhân là nhiệm vụ rất quan trọng, hôm nay bệnh nhân cuối cùng ra viện là một dấu mốc quan trọng” – bà Yến nói.
Hết ca mắc COVID-19 nhưng nguy cơ vẫn luôn thường trực, do vậy ngoài kế hoạch hoạt động chuyên môn trở lại, tại Bệnh viện Hòa Vang cũng sẽ duy trì một số lượng giường để điều trị cho các trường hợp bệnh nếu có. Ngoài ra, cơ sở vật chất tại Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn cũng tạm thời được “đóng băng” một thời gian để đề phòng diễn biến dịch trong thời gian tới.
BS Nguyễn Tiên Hồng cho biết mặc dù tình hình đã tạm ổn nhưng ngành y tế vẫn tăng cường khuyến cáo người dân và doanh nghiệp thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế).
“Chúng tôi kỳ vọng sau khi dẹp yên được dịch, kinh tế Đà Nẵng sẽ có sự phục hồi để lấy lại đà tăng trưởng. Trong quá trình này chúng tôi cũng mong mỏi các đơn vị, doanh nghiệp phải xây dựng được “văn hóa COVID-19″ để phòng chống dịch trong tình hình hiện nay. Mỗi cơ sở tùy theo đặc thù của mình có cách ứng phó phòng dịch riêng thì chúng ta mới hi vọng dịch sẽ không quay lại như vừa qua” – ông Hồng nói.
Sẽ kiểm tra liên tục bộ tiêu chí bệnh viện an toàn
Theo BS Nguyễn Tiên Hồng – phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, các cơ sở y tế tại thành phố sẽ phải thực hiện nghiêm bộ tiêu chí bệnh viện an toàn để phòng chống COVID-19. Các bệnh viện sẽ được xem là điểm nhiều nguy cơ nên sở sẽ tiến hành kiểm tra, nhắc nhở điều chỉnh các biện pháp đảm bảo phòng dịch liên tục.
“Thực hiện bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ bắt buộc đối với các bệnh viện. Do vậy chúng tôi sẽ thực hiện kiểm tra liên tục để đảm bảo các cơ sở phải nghiêm túc đáp ứng các yêu cầu này”- bác sĩ Hồng nói.
Khơi thông nguồn lực đầu tư
Sau khi khống chế dịch, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành chỉ thị 43 trong đó trọng tâm khôi phục kinh tế là: thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn và đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các công trình, dự án trọng điểm để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đề ra.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hòa, chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn trong thời gian tới là tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư công. Sau dịch, tại quận này đã bắt tay ngay vào việc đẩy nhanh tiến độ của một số dự án như chợ Bắc Mỹ An, khu phía tây danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Nguồn: tuoitre.vn