Sau khi Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng bị ngập nặng sau trận lũ lịch sử ngày 8/8 vừa qua, nhiều người thắc mắc: Vì sao một thành phố ở trên cao như Đà Lạt lại bị ngập sâu trong nước. PV Dân Việt đã đi tìm câu trả lời.
Đến ngày 11/8, các vùng bị ngập nặng của Lâm Đồng như Lạc Dương, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Bảo Lộc hay Đà Lạt nước đã rút. Người dân các huyện đã về nhà dọn dẹp để ổn định cuộc sống. Phóng viên Dân Việt đã gặp và trao đổi với ông Lê Tứ – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng để phân tích nguyên nhân Đà Lạt bị ngập.
Thưa ông, vừa qua, nhiều người cho rằng việc TP.Đà Lạt bị ngập nặng sau trận mưa lớn là do phát triển nông nghiệp, nhưng lạm dụng nhà kính. Vậy ý kiến đánh giá của ông như thế nào?
– Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng có nắm được một số ý kiến của các chuyên gia hay cơ quan chức năng. Theo tôi, trong nguyên nhân gây ngập lụt ở Đà Lạt, nhà kính chỉ là một phần, chúng ta cần có cái nhìn rộng và bao quát hơn. Một đô thị có rất nhiều yếu tố xen lẫn nhau, vì vậy không thể nói diện tích nhà kính lớn là nguyên nhân chính dẫn đến việc ngập trên.
Cách đây hàng chục năm, khi hệ thống suối Cam Ly chưa được cải tạo, khu vực đường Mạc Đĩnh Chi thường xuyên bị ngập. Nhưng cho đến khi cải tạo xong, hiện nay khu vực này vẫn bị ngập. Việc Đà Lạt ngập không phải chuyện mới.
Đà Lạt ngập một phần do diện tích nhà kính quá nhiều. Ảnh: Văn Long
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2014, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mọi thứ về nông nghiệp, đất đai, cơ sở hạ tầng của Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ được cải tạo, thay đổi nhằm hướng đến một đô thị hiện đại, có đặc thù khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử… Tuy nhiên, để làm được mọi thứ ổn định và hoàn hảo, chúng ta cần có thời gian. Vấn đề Đà Lạt bị ngập cũng vậy, chúng ta cũng phải nhận định và để địa phương có thời gian khắc phục và cải tạo dần.
Hiện nay, việc nhà kính phát triển ồ ạt ở Đà Lạt, không được quy hoạch theo một hệ thống nhất định. Vậy cơ quan chức năng địa phương có được tham mưu, cảnh báo trước về thực trạng này?
– Chúng ta phải thừa nhận, công nghệ trồng cây nông nghiệp trong nhà kính mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình này phát triển quá nhanh và nóng. Cơ quan chức năng đã được dự báo trước về thực trạng này.
Cụ thể trong quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận tôi đã nói ở trên, đã đề cập đến vấn đề này. Dù quy hoạch là như vậy, nhưng do điều kiện của địa phương, phần nào quan trọng và cấp bách thì làm trước. Thực tế, còn nhiều việc nữa nhưng cần phải có lộ trình và thời gian.
Vậy theo ông, quy hoạch ở Đà Lạt đang mắc phải vấn đề gì? Vai trò của quy hoạch kiến trúc ra sao?
– Hiện nay, việc nhà kính được đầu tư, phát triển tự do cũng là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Hệ thống thoát nước của TP.Đà Lạt được Đan Mạch tài trợ hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, vì sự bất hợp lý xây dựng nhà kính trên, mà chúng chưa phát huy hết được chức năng của mình. Để chúng hoạt động hiệu quả, cần quy hoạch lại hệ thống nhà kính, nhà lưới để giảm thiểu lượng nước dồn ra suối như vừa qua.
Hầu hết các sườn đồi trên địa bàn TP. Đà Lạt đều phủ một vạt màu trắng của nhà kính, màu xanh của cây rừng đã mất dần. Ảnh: Văn Long
Theo tôi, quy hoạch kiến trúc rất quan trọng, đặc biệt là trong việc định hướng, dẫn dắt cho việc phát triển kiến trúc của địa phương. Mỗi một nhiệm kì của lãnh đạo sẽ có những ý tưởng để xây dựng, phát triển. Vì vậy, quy hoạch kiến trúc sẽ hoàn thiện những ý tưởng đó để thúc đẩy địa phương phát triển.
Theo ông, nhà kính tác động thế nào đến việc ngập các tuyến đường trên địa bàn TP.Đà Lạt?
– Như tôi đã nói, diện tích nhà kính lớn là một trong những nguyên nhân khiến Đà Lạt bị ngập. Theo tôi, đa số các nhánh suối chính trên địa bàn TP.Đà Lạt đều đổ dồn về các hồ lắng rồi đến hồ Xuân Hương. Chúng ta có thể thấy, tại suối Thái Phiên, hồ Vạn Kiếp, hồ Than Thở…, nước xung quanh đều đổ dồn về các suối đó, nhưng không hề có hồ chứa. Nước cứ chảy một mạch và tạo thành một áp lực rất lớn, khi lòng suối quá hẹp, nước không thoát được sẽ tràn, ngập vào các khu vườn lân cận.
Suối Cam Ly – con suối chính có nhiệm vụ thoát nước cho hồ Xuân Hương và TP.Đà Lạt. Ảnh: Văn Long
Khi nước đổ cả về hồ Xuân Hương, áp lực sẽ gia tăng với suối Cam Ly (con suối chính thoát nước cho cả thành phố). Chính vì vậy, phía hạ nguồi cũng sẽ bị ngập nặng, nếu không điều chỉnh được dòng chảy.
Nhà kính chủ yếu được làm bằng các vật liệu không có khả năng thấm nước. Theo quy hoạch được duyệt, ở các vùng thượng nguồn, hạn chế tối đa việc sử dụng các vật liệu chống thấm, tăng diệc tích thấm bằng cách trồng cây, giữ rừng, trồng cỏ…
Các sườn đồi bị bạt đi, phá rừng để trồng cây nông nghiệp. Ảnh: Văn Long
Vậy để giải quyết tình trạng ngập như vừa qua, TP.Đà Lạt cần phải làm gì?
– Điều đầu tiên và cấp thiết nhất địa phương cần phải giải quyết là cải tạo lại các hồ chứa, hồ lắng, các con suối chính trên địa bàn thành phố. Chúng ta hình dung, nước đang chảy, nhưng có một cái hồ chứa, lượng nước, sức mạnh của dòng chảy đổ về vùng trũng sẽ giảm đi. Đó là quy luật tự nhiên.
Hệ thống thoát nước mưa phải được thiết kế phù hợp với quy hoạch thủy lợi, hướng thoát nước tự chảy theo địa hình tự nhiên. Các tuyến thoát nước mưa xây dựng mới tách riêng với nước thải sinh hoạt bằng hệ thống cống và mương hở thoát trực tiếp ra hồ sông suối. Đặc biệt, các tuyến thoát nước hiện hữu cần được cải tạo nâng cấp từng bước tách nước thải sinh hoạt trước khi đổ ra môi trường.
Đặc biệt, khu vực thượng nguồn và dọc các con suối, địa phương cần phải trồng cây xanh càng sớm càng tốt. Hiện nay, khi chúng ta nhìn xuống từ trên cao toàn TP.Đà Lạt, các mảng màu xanh đang dần mất đi và thay vào đó là các màu trắng của nhà kính. Điều này không những gây ngập nước mà còn làm cho khí hậu của địa phương nóng dần lên.
Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2018, địa phương có hơn 54.000ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, diện tích canh tác trong nhà kính là 4.500ha, nhà lưới là 1.222ha, màng phủ nông nghiệp gần 11.000ha. Riêng Đà Lạt, hiện nay đã có khoảng 2.400ha diện tích nhà kính.
Đặc biệt, Lâm Đồng đã có hơn 194ha diện tích canh tác cây trồng ứng dụng công nghệ cảm biến tự động nhiệt độ, độ ẩm, CO2, quản lý dinh dưỡng cho cây trồng. Tuy nhiên, vừa qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp diễn ra phổ biến khiến cơ quan chức năng đau đầu. Ông Cao Chí Công – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, tính đến năm 2018, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng chỉ đạt 46,01%. Từ năm 2010 đến nay, riêng Lâm Đồng đã có khoảng 90.000ha rừng bị mất. Tại TP.Đà Lạt, trên địa bàn các phường 11,12 hay phường 5, cơ quan chức năng đã nhiều lần bắt và xử lý các đối tượng vi phạm, phá rừng để lấn chiếm làm đất nông nghiệp hoặc sang nhượng lại với giá cao. |
Theo Dân việt