Đọc đề xuất của nhà giáo Nguyễn Quang Thi trên báo Tuổi Trẻ về việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và tổ chức kỳ thi đại học toàn quốc cho học sinh muốn vào đại học, tôi hoàn toàn đồng tình.
Hãy nhìn những ngày dài mướt mồ hôi vào cuộc của các bộ cùng ban ngành liên quan chuẩn bị chu toàn cho kỳ thi “khốc liệt” nhất dành cho sĩ tử tuổi 18, rồi mấy ngày thi căng như dây đàn trôi qua, một lần nữa dư luận lại xôn xao về vị thế, tầm vóc và ý nghĩa của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với mục tiêu vừa đánh giá chất lượng giáo dục và công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, vừa làm căn cứ để xét tuyển vào các trường đại học, đây là kỳ thi cực kỳ quan trọng với quy mô tổ chức mang tầm quốc gia.
Chất lượng và công bằng là hai tiêu chí lớn buộc sự nỗ lực của cả một cộng đồng phải phát huy ở mức cao nhất. Hình ảnh thầy cô băng rừng vượt núi gồng gánh túi hành trang nhỏ nhoi đến tận non cao, hải đảo xa làm nhiệm vụ coi thi thấy thương làm sao. Rồi vị tư lệnh ngành giáo dục cùng các thứ trưởng dẫn đầu đoàn kiểm tra đi sát hạch công tác chuẩn bị, thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi cử ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam dội thêm nhiều trăn trở.
Áp lực quá lớn đã đặt lên vai chính những người tổ chức thi cũng như hơn 1 triệu gia đình có con tham gia kỳ thi quan trọng ở ngã rẽ trưởng thành. Cảnh chen chúc trước cổng trường thi, đội nắng hứng mưa ngóng chờ con thi cử của bậc sinh thành bao giờ cũng khiến người xem rưng rưng xúc động. Và còn đó khối áp lực khổng lồ đeo mang trên vai cả những bạn trẻ vừa chạm ngõ tuổi 18 nữa, làm sao chúng ta tỏ tường tất thảy gánh nặng thi cử, điểm số, chọn trường, chọn ngành?…
Mỗi năm mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT diễn ra lại đẩy guồng quay áp lực len lỏi vào từng gia đình và cả xã hội. Nguồn kinh phí khổng lồ cho công tác tổ chức thi cử, coi thi, bảo quản bài thi và chấm thi cũng nảy sinh. Để rồi sau mấy năm liên tiếp tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia, kết quả thu lại là gì?
Là tỉ lệ đậu tốt nghiệp năm nào cũng cao ngất ngưởng, nên không ít ý kiến cho rằng kỳ thi mang tầm quốc gia chỉ còn tính hình thức.
Là đề thi nhiều năm thiếu tính phân hóa, mặt bằng kiến thức chỉ ở mức trung bình nên mưa điểm 10 trong mấy năm liên tiếp gần đây đẩy điểm chuẩn một số ngành vượt ngưỡng 30 điểm khiến dư luận sửng sốt. Kỳ thi năm 2022 này đã phần nào hạn chế “mưa điểm 10” nhưng sự chênh lệch bất thường giữa điểm thi và điểm học bạ vẫn là một nốt lặng buồn.
Là việc các trường đại học ở nhóm ngành có tính cạnh tranh cao buộc phải tính lối đi khác: tổ chức thi đánh giá năng lực nhằm phân loại thí sinh, đảm bảo chất lượng và công bằng trong tuyển sinh.
Là liên tiếp nhiều tiêu cực nảy sinh từ chính mục tiêu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh đại học: một bộ phận thí sinh tìm cách thi cử gian lận rồi kẽ hở nảy sinh từ quy chế thi cử, công tác coi thi lỏng lẻo… khiến niềm tin của dư luận bị sóng sánh ít nhiều.
Đã đến lúc kỳ thi tốt nghiệp THPT nên dừng lại. Bằng cách xét công nhận tốt nghiệp cho sĩ tử tuổi 18, con đường vào đời mở lối cho bạn trẻ đèn sách suốt 12 năm: ôn luyện thi đại học, cao đẳng, trung cấp; học nghề hoặc lao động kiếm sống.
Còn nhiệm vụ tuyển sinh đại học để chọn thí sinh có năng lực là trách nhiệm của các trường đại học. Bằng cách tổ chức một kỳ thi đại học chất lượng và có tính phân hóa cao, người đủ năng lực thật sự sẽ tiến thẳng vào giảng đường mơ ước.
Dẫu còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng đổi mới giáo dục là quy luật tất yếu. Và người dân chúng tôi rất mong chờ vào những đổi thay tích cực của giáo dục nước nhà trong tương lai.
Nguồn: tuoitre.vn