Xuất phát từ thực tế trồng nấm gặp rất nhiều khó khăn về điều chỉnh nước tưới, nhiệt độ, độ ẩm vừa gây tốn kém, hiệu quả mang lại không cao, nên chị Huỳnh Thị Diệu Lộc, ở xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cùng với cộng sự của mình đã nghiên cứu thành công hệ thống giám sát và tưới nước tự động nhà nấm, nhà lưới. Sản phẩm này đã giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.
Năm 2014, chị Huỳnh Thị Diệu Lộc đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng nấm bào ngư xám. Tuy nhiên trong quá trình làm, chị Lộc gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm, nhất là việc cung cấp nước tưới cho nấm, một khâu rất quan trọng, quyết định năng suất của trại nấm. Do điều khiển tưới nước bằng tay hiệu quả mang lại không cao, thậm chí nhiều phôi nấm bị chết (thiếu nước và dư nước tưới). Mặc dù đã đi tìm hiểu nhiều nơi nhưng chưa có một trại nấm nào đầu tư hệ thống giám sát và tưới nước tự động.
![]() |
Chị Huỳnh Thị Diệu Lộc đang thao tác điều khiển hệ thống tưới nước tự động cho nhà nấm |
Xuất phát từ khó khăn, chị Lộc đã nảy sinh ra ý tưởng sáng tạo một hệ thống vừa giám sát được nhiệt độ trong nhà nấm, độ ẩm vừa quản lý được trong quá trình tưới nước. Nghĩ là làm, sau thời gian tìm tòi nghiên cứu, đến tháng 7/2014 sản phẩm hệ thống giám sát và tưới nước tự động cho nhà nấm, nhà lưới được chị Lộc và cộng sự chế tạo thành công.
Chị Lộc cho biết, hệ thống này giúp cung cấp dữ liệu thời gian cho người trồng nấm quan sát được nhiệt độ không khí, độ ẩm, nhiệt độ đất và ánh sáng trong nhà lưới. Đồng thời, có thể tự động điều khiển bật tắt đèn, máy phun sương, máy bơm cho thích hợp với từng loại cây trồng và từng giai đoạn sinh trưởng.
Cùng với đó, hệ thống giám sát và tưới nước tự động cho nhà nấm, nhà lưới cũng có chức năng ghi chép nhật ký, giúp cho nông dân dễ dàng nắm bắt được quá trình sinh trưởng của từng loại cây trồng.
“Có hệ thống này, người nông dân sẽ chủ động bật, tắt các thiết bị theo yêu cầu thông qua ứng dụng trên điện thoại di động thông minh, máy tính hay máy tính bảng (có kết nối Internet) ở mọi lúc, mọi nơi” – chị Lộc nói.
Theo chị Lộc, hệ thống này gồm 1 phần mềm website, 1 thiết bị điều khiển trung tâm, 2 cảm biến không khí, 1 cảm biến ánh sáng, 2 ổ điện thông minh (tùy vào diện tích canh tác, nhu cầu sử dụng để đầu tư thêm các bộ cảm biến, ổ điện) và bộ tiếp nhận wifi hay Internet. Những thiết bị trên có thể mua trên thị trường, còn phần mềm trình duyệt Web là do nhóm tự nghiên cứu, có tính bảo mật cao.
![]() |
Các thiết bị hỗ trợ làm hệ thống giám sát tưới nước tự động |
Nguyên lý hoạt động rất đơn giản, sau khi bố trí các thiết bị trên ở một góc cố định, kế đến lắt ráp đường ống dẫn nước quanh nhà nấm. Tiếp đó, mở trình duyệt Web ra rồi chọn chế độ tưới nước, đã cài đặt sẵn, từ đây sẽ truyền sang thiết bị điều khiển trung tâm tiếp nhận dữ liệu từ các bộ cảm biến rồi đến ổ điện thông minh để tự động đóng, mở nước tưới cho nhà nấm.
Trong quá trình tưới nước nếu trong nhà nấm có độ ẩm cao hay thấp thì hệ thống này sẽ tự động đóng, mở van nước nhằm giúp cho nấm phát triển tốt hơn. Đồng thời cập nhật được nhiệt độ, độ ẩm trong nhà nấm cũng như nhật ký về sự sinh trưởng, phát triển của cây. Theo tính toán của chị Lộc, toàn bộ thiết bị này có giá thành 2 triệu đồng/nhà nấm, có diện tích 300m2.
Nhờ có hệ thống này giúp cho trại nấm của chị Lộc phát triển tốt cho năng suất cao và tiết kiệm chi phí đầu tư. Vì vậy, bình quân mỗi tháng trại nấm có diện tích 300m2 của gia đình chị Lộc thu về 30 triệu đồng.
“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn người nông dân có nhu cầu sử dụng, đầu tư hệ thống này” – chị Lộc nói.
Nguồn khoahocthoidai.vn