Viện kiểm sát đánh giá hành vi của ông Trần Phương Bình là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động kinh doanh bình thường, đúng đắn của ngân hàng, gây thiệt hại 184 tỉ đồng, nên đề nghị phạt 14-15 năm tù.

Cựu tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình bị đề nghị 14-15 năm tù - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa

Sáng 17-6, sau gần 2 ngày xét xử, đại diện Viện kiểm sát (VKS) nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội, đề nghị mức án với bị cáo Trần Phương Bình (63 tuổi) – cựu tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) – cùng 9 đồng phạm trong vụ thất thoát hàng trăm tỉ đồng, xảy ra tại Ngân hàng Đông Á.

Theo đó, VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến (64 tuổi) – cựu phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á – cùng mức án 14-15 năm tù về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Cùng với hai án tù chung thân trong các vụ án trước, ông Bình bị đề nghị mức án tổng hợp là chung thân, còn bà Xuyến là 30 năm tù (mức án tối đa của hình phạt tù có thời hạn).

Cùng tội danh trên, 8 bị cáo còn lại bị VKS đề nghị mức án từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 9 năm tù giam.

Về dân sự, VKS đề nghị tòa tuyên Công ty An Phát phải bồi thường cho DAB 108 tỉ đồng, các bị cáo phải liên đới bồi thường 76 tỉ đồng còn lại trong tổng thiệt hại vụ án là hơn 184 tỉ đồng. VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên trả lại 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty An Phát, bị các bị cáo sử dụng làm tài sản đảm bảo trong các hợp đồng vay vốn trái pháp luật.

VKS đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động kinh doanh bình thường, đúng đắn của ngân hàng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á.

Cựu tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình bị đề nghị 14-15 năm tù - Ảnh 2.

VKS đọc bản luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo 

Bản luận tội của VKS xác định, Công ty An Phát làm chủ đầu tư dự án bất động sản Đồi 79 mùa xuân tại huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội). Bị cáo Phan Thúy Mai – cựu giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và du lịch An Phát – có quan hệ thân thiết với ban giám đốc DAB nên đề xuất vay tiền tại đây.

Từ năm 2007 đến 2014, Phan Thúy Mai đã lợi dụng quan hệ để vận động lãnh đạo DAB chỉ đạo chi nhánh Hà Nội giải ngân nhanh các khoản vay, bỏ qua quy trình thẩm định tài sản. Bà Mai còn làm giả tài liệu để giao dịch và dùng tài sản không đủ điều kiện mang đi thế chấp vay vốn. Đến nay, bị cáo Mai và Công ty An Phát không thể trả nợ.

VKS xác định, hành vi của ông Bình cùng đồng phạm đã khiến DAB bị thiệt hại 184 tỉ đồng.

Cáo trạng cũng xác định Trần Phương Bình đã giúp Mai nhiều lần vay tiền tại DAB và trực tiếp phê duyệt gói tín dụng 500 tỉ đồng cho Công ty An Phát…

Ngoài ra, năm 2008 Mai còn ký khống hợp đồng thể hiện Công ty An Phát vay 185.000 chỉ vàng của DAB. Thực tế không có khoản vay này, vàng cũng chưa được giải ngân. Việc ký hợp đồng khống để giúp Bình che giấu số vàng làm thất thoát của DAB.

Vì thế, ông Bình đã “nể nang” và giúp bà Mai vay tiền của DAB. Hợp đồng vay vàng khống đã được cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố để xử lý trong một vụ án khác…

Đây là vụ án thứ ba ông Bình bị xử lý về sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của DAB. Trước vụ án này, Trần Phương Bình đã nhận 2 bản án tù chung thân đều liên quan đến sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của Ngân hàng Đông Á.

Tại tòa, đại diện Công ty An Phát cho hay trong vụ án này Công ty An Phát được xác định là bên liên quan, nhưng thực chất An Phát còn có vai trò là “người bị hại”, do bị mất quyền quản lý, sử dụng 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc này là do hậu quả của các hành vi sai phạm mà các bị cáo gây ra.

Bị cáo Mai, cựu giám đốc Công ty An Phát, đã sử dụng 108 tỉ đồng vay được từ DAB để chi cho hoạt động của công ty. Đại diện An Phát xin bồi thường đầy đủ số tiền này để tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư đang bị ngưng trệ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : giải ngânngân hàngngân hàng Đông ÁTrần Phương Bình

Các tin liên quan đến bài viết