Ông Hồ Hữu Phúc, nguyên Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc, TT-Huế) bị người dân tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn “xẻ” đất của dân rồi hợp thức hóa cho người thân.
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Hoa (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), giai đoạn đương chức Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến (từ 2004-2015), ông Hồ Hữu Phúc (nay là Phó trưởng phòng LĐTB&XH huyện) đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ hợp thức hóa nhiều sổ đỏ đứng tên người thân trên diện tích đất được nhà nước xác nhận cho gia đình bà canh tác.
21 thửa đứng tên người thân Chủ tịch xã
Thời điểm đó, gia đình ông Thành thuê người dân địa phương và phối hợp với HXT Nông nghiệp Phú Sơn cải tạo đất và trồng mía đường trên diện tích 24.657ha.
Theo đó, vào năm 1998, thực hiện chủ trương của tỉnh về việc khuyến khích người dân trên địa bàn khai hoang đất trống trồng mía để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường, chồng bà Hoa là ông Võ Đại Thành (hiện đã qua đời), được chính quyền địa phương xác nhận đất khai hoang tại cánh đồng thôn Tam Vị, xã Lộc Tiến.
Năm 1999, nhà máy mía đường phá sản đã kéo theo vùng nguyên liệu của gia đình bà Hoa phá sản theo. Gia đình bà lâm vào cảnh vỡ nợ, phải mất một khoảng thời gian dài mới khắc phục được.
Năm 2010, khi trở lại để tiếp tục sản xuất thì gia đình bà Hoa mới tá hoả khi biết phần diện tích được xác nhận canh tác đã bị xẻ ra nhiều lô và đứng tên nhiều người, chủ yếu là bố, mẹ, vợ… ông Phúc, Chủ tịch xã.
Theo số liệu gia đình bà Hoa cung cấp, diện tích đất khai hoang của gia đình đã được chia thành 22 thửa, trong đó 21 thửa đứng tên người thân Chủ tịch xã. Suất còn lại cho gia đình ông Thành đứng tên.
Bà Nguyễn Thị Hoa |
Cụ thể, ông Hồ Trọng Tuyến (bố ông Phúc) đứng tên 10 thửa; 4 thửa đứng tên bà Nguyễn Thị Nguyệt (mẹ ông Phúc) và ông Hồ Trọng Đoàn (em ruột ông Phúc); bà Nguyễn Thị Hằng (chị vợ ông Phúc) đứng tên thửa đất số 32; ông Hồ Sỹ Định (anh ruột ông Phúc) đứng tên thửa 26; bà Dương Thị Chi (bạn ông Phúc) đứng tên 2 thửa số 28, 39 và 5 thửa đất đứng tên bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (vợ hai của ông Phúc).
Từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Thành đã gửi đơn khiếu nại nhiều cấp nhưng vẫn không được giải quyết.
Thừa nhận sai
Năm 2010, khi đo đạc bản đồ địa chính xã Lộc Tiến, Trung tâm Tư vấn đầu tư dịch vụ việc làm (thuộc BQL Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô) đã phối hợp với UBND xã Lộc Tiến và các hộ dân để đo vẽ và thành lập bản đồ địa chính.
Lợi dụng chức vụ Chủ tịch xã, ông Hồ Hữu Phúc đã kê khai để đo vẽ toàn bộ diện tích đất trồng mía trước đây của hộ ông Võ Đại Thành thành 22 thửa đất, trong đó có 21 thửa đất được ông Phúc “biến hóa” cho người thân, bạn bè làm hồ sơ đứng tên quyền sử dụng đất.
Đại diện HTX Nông nghiệp Phú Sơn cùng gia đình bà Hoa đi kiểm tra thực địa một phần thửa đất đã bị xé nhỏ |
Ông Trần Sang – GĐ HTX Nông nghiệp xã Phú Sơn xác nhận vào năm 1998, gia đình ông Thành về địa phương khai hoang diện tích đất tại thôn Tam Vị để trồng mía đường.
Năm 1999, do bị lũ lụt, nguồn nguyên liệu sụt giảm, dẫn đến nhà máy phá sản, ông Thành vỡ nợ.
Ông Vương Đình Cẩm – Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cũng xác nhận việc ông Võ Đại Thành (chồng bà Nguyễn Thị Hoa) đến khai hoang trồng mía đường ở thôn Tam Vị.
“Từ năm 2010 đến nay, gia đình bà Hoa liên tục gửi đơn đến chính quyền các cấp đề nghị giải quyết vụ việc, UBND xã đã có ít nhất 3 lần mời 2 gia đình lên trụ sở UBND xã để hòa giải nhưng bất thành”.
Trao đổi với VietNamNet, ông Hồ Hữu Phúc (Phó phòng LĐTB&XH huyện Phú Lộc – người bị tố cáo) thừa nhận, hàng ngàn m2 đất đã được ông cấp sai cho người thân, bạn bè khi ông làm Chủ tịch xã.
“Trong đó có phần diện tích đất được cấp cho bố và vợ hai của tôi, tổng diện tích khoảng hơn 3ha. Cái này cũng do xuất phát từ quy định cán bộ thì không được cấp đất. Chính vì thế, tôi linh động cho người nhà đứng tên quyền sử dụng các thửa đất trên để tiện trong việc vay vốn, làm ăn”, ông Phúc nói.
Nguồn: vietnamnet