Khuya 22.4, cùng 4 người khác, nữ lao công Lê Thị Thu Hà được yêu cầu ra đường Láng (Hà Nội) tăng cường quyét rác. Là một nữ lao công nghèo, mang trọng bệnh, lại phải còng lưng nuôi một mẹ già, hai con nhỏ, chị Hà nhận lời ngay, để có thể kiếm thêm thu nhập. Điều chị không ngờ đến: Một chiếc “xe điên” sau khi gây tai nạn liên hoàn đã bất thình lình lao về phía chị. Nữ lao công Lê Thị Thu Hà đã ra đi trong nỗi đau của bao người thân và cả cộng đồng..

cuong tuu, "xe dien" va chi lao cong hinh anh 1

Ai cũng có thể thành nạn nhân

Những gì xảy ra với chị và gia đình của chị thật thương tâm. Không ai muốn trên những con phố mà chúng ta vẫn đi lại mỗi ngày sẽ lại tiếp tục xảy ra những tai nạn thương tâm như thế. Nhưng sự thật, ở cung đường này hay cung đường khác, ở thành phố này hay thành phố khác, nó đã xảy ra, đang xảy ra, và hoàn toàn có khả năng sẽ tiếp tục xảy ra, nếu mọi thứ không thay đổi.

Tháng 1 năm nay, ở Long An, một chiếc “xe điên” lao vào đoàn người đang dừng đèn đỏ trên đường. Kết quả: 4 người chết, 18 người bị thương.

Tháng 3 năm nay, ở Vĩnh Phúc, một chiếc “xe điên” khác đâm vào đoàn người đưa tang. Kết quả: 7 người chết, 1 người bị thương.

Tháng 4 năm nay, ở Bình Định, một chiếc “xe điên” khác nữa  đâm vào đội dịch vụ tang lễ. Kết quả: 4 người chết, 6 người bị thương.

Và bây giờ, một ngày cuối tháng 4, ở Hà Nội lại một chiếc “xe điên” nữa  cướp đi mạng sống của một nữ lao công nghèo khổ. Một điều đáng chú ý trong vụ tai nạn này: Chủ nhân của chiếc “xe điên” đã uống khoảng 5-7 cốc bia loại lớn trước khi ngồi sau vô lăng – nên không làm chủ được chính mình.

Báo cáo của Ban ATGT Hà Nội cho hay: Ở thời điểm ngay sau khi gây tai nạn, nồng độ cồn của người này là 1,041ml/lít khí thở – vượt mức quy định cho phép. Và nữa, gây tai nạn vào đêm ngày 22.4 thì đến tận 9 giờ sáng ngày 23.4, tài xế này vẫn trong trạng thái say, chưa thể làm việc với cơ quan công an.

Vụ “xe điên” cướp 4 mạng người ở Long An cũng có điểm chung như thế: Ở thời điểm ngay sau khi gây nạn, nồng độ cồn của tài xế vượt mức cho phép. Kinh khủng hơn, những xét nghiệm sau đó cho thấy tài xế này dương tính với ma tuý.

cuong tuu, "xe dien" va chi lao cong hinh anh 3

Chiếc xe ô tô mất lái đâm vào hàng loạt phương tiện khiến một nữ công nhân vệ sinh môi trường tử vong.

Điều đó cho chúng ta một hình dung bao quát hơn: Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “xe điên” giết người thì nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc các tài xế đã bị các chất kích thích như rượu bia, ma tuý cướp đi sự tỉnh táo lẽ ra phải có của một người điều khiển phương tiện giao thông.

Nếu không may chung một cung đường với những tài xế loại này thì chẳng riêng gì những người đứng chờ đèn đỏ ở Long An, những người đưa tang ở Vĩnh Phúc, hay một chị lao công xấu số ở Hà Nội, tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị tước đoạt mạng sống.

Dù không muốn, nhưng với tất cả những gì đã xảy ra, chúng ta vẫn phải rùng mình tưởng tượng: Trong một ngày đi dạo phố, trong một buổi sáng dắt con qua đường, trong một buổi chiều từ công sở về nhà, một chiếc “xe điên” nào đó bỗng ở rất gần chúng ta, bỗng lao về phía chúng ta – nhanh gọn, bất ngờ đến mức không thể nào né tránh?

Chính chúng ta, không trừ một ai, người nghèo hay người giàu, người có quyền lực địa vị hay kẻ khố rách áo ôm, đều có thể trở thành nạn nhân của những chiếc “xe điên” được ma men dẫn đường như thế.

Và nếu cứ thế này, mỗi cung đường đều có thể trở thành một lưỡi hái tử thần. Nó sẽ khiến tâm lý của chúng ta, môi trường giao thông của chúng ta, khí quyển sống của chúng ta bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Thành thử, tuyên chiến với “xe điên”, xử lý quyết liệt với những tài xế sử dụng rượu bia, ma tuý là điều bắt buộc phải thực hiện.

cuong tuu, "xe dien" va chi lao cong hinh anh 5

Chị Lê Thị Thu Hà (42 tuổi, trú tại quận Đống Đa), là công nhân Công ty môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Đống Đa, bị ô tô “điên” đâm tử vong tại chỗ khi được tăng cường ra khu vực đường Láng để làm việc vào tối 22.4. (P.V)

Văn hoá “ép uống”

Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông Quý I do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức ngày 24.4 vừa rồi, rất nhiều ý kiến đề nghị phải sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hướng đến việc tước bằng lái từ 3- 5 năm với tất cả những lái xe uống rượu bia, dùng ma tuý chưa gây ra tai nạn.

Còn với những trường hợp uống rượu bia, dùng ma tuý gây ra tai nạn thì phải tước bằng lái vĩnh viễn. Sửa đổi nghị định, nâng cao các chế tài xử phạt là điều tất yếu phải làm, nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì e là chưa triệt để.

Có một thực tế là rất nhiều tài xế vốn không thích rượu bia nhưng bị ép phải uống rượu bia. Chúng ta có thể bắt gặp hiện tượng “ép uống” ở trong tất cả các cuộc hội họp trong đời sống này: Từ sinh nhật, đám cưới đến họp lớp, liên hoan, tổng kết cơ quan…

Cứ ngồi lại với nhau là phải uống, và hễ ai không muốn uống đều bị quy kết là “không hết mình với anh em”. Thậm chí, đâu đó trong một số cơ quan, tổ chức còn tồn tại quan niệm bất thành văn: Không biết uống, đừng ngồi ghế cao (?)

cuong tuu, "xe dien" va chi lao cong hinh anh 6

Ngày 25.2, tại ngã tư Đại Cồ Việt – Giải Phóng (Hà Nội), chiếc ô tô đã đâm vào nhiều ô tô và nhiều xe máy khác và lái xe ô tô gây tai nạn đang trong tình trạng say xỉn. (I.T)

Uống và biết uống giống như “điều kiện cần” đầu tiên để hoà đồng trong nhiều tổ chức, đơn vị. Hiểu rõ thực trạng này nên khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã bổ sung: “Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, còn buổi trưa thì rủ nhau ngồi bia hơi xả láng”.

Văn hoá bia, văn hoá rượu, văn hoá uống – nếu có thể nói như thế, từ rất lâu rồi đã trở thành một phần văn hoá sống, văn hoá tồn tại, văn hoá tiến thân trong xã hội chúng ta.

Tiên tửu, Phật tửu và cuồng tửu

Khách quan mà nói, bản chất của bia rượu không xấu. Phương Đông thủa trước từng có một Lý Bạch càng uống càng làm thơ hay, càng uống càng thăng hoa sáng tạo. Những bậc càng uống càng thăng hoa như thế từng được gọi là tiên tửu. Lại có những người uống say mà trở nên hiền lành, thậm chí sau đó còn chủ động lên giường nằm say giấc nồng – kiểu này được người xưa gọi là Phật tửu.

Những người “rượu vào lời ra”, nói năng thô lỗ, gây sự với người khác, gây tai nạn cho người khác, làm tổn thương người khác bị gọi là “cuồng tửu”.

Thậm chí, có những người lợi dụng chén rượu để khích bác, mạt sát nhau, xúc phạm làm tổn thương người khác, đó là Ti tửu (ti ở đây hiểu theo nghĩa ti tiện), hay còn gọi là “cẩu tửu”.

cuong tuu, "xe dien" va chi lao cong hinh anh 7

Bây giờ hãy bình tâm nghĩ lại những cuộc “Dzô! Dzô! Dzô!” mà rất nhiều người chúng ta từng tham gia, những vụ “ép uống” theo kiểu “không say không về”, “không say không nhiệt tình” mà rất nhiều người trong chúng ta hoặc là nạn nhân/hoặc là thủ phạm. Những cuộc hội họp, ăn uống như thế thường để lại những gì? Có đủ cả tiên tửu, Phật tửu, hay cuồng tửu, cẩu tửu…

Và khi đã trả lời xong, hẳn sẽ hình dung được cái khoảng cách ngắn ngủi mong manh giữa những “cuồng tửu” với những tài xế là chủ nhân của những chiếc “xe điên” giết người.

Đừng biến mình thành cuồng tửu hay cẩu tửu, cái đó rõ rồi. Nhưng cũng đừng chủ ý hay vô ý biến người khác thành cuồng tửu hay cẩu tửu, với “văn hoá uống” tràn lan ở các công sở hiện nay, thực hiện điều này chẳng dễ chút nào.

Tháng 11.2018, trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, đại biểu Lâm Đình Thắng (TP.HCM) từng đưa ra đề nghị bổ sung quyền được tự quyết định có sử dụng rượu bia hay không và quy định cấm ép uống rượu bia với mọi lứa tuổi.

Ông Lâm Đình Thắng phân tích: “Văn hoá của Việt Nam chúng ta là trọng tình trọng nghĩa, nhiều người không thực sự muốn sử dụng rượu bia nhưng rơi vào tình thế buộc ép uống.

Ví dụ như một sinh viên mới ra trường, đi làm thì bị anh chị trong cùng cơ quan ép, không uống thì bị cho là không nhiệt tình. Hoặc là cán bộ đoàn thanh niên khi đi tiếp khách thì bị các bậc cha, anh… ép uống không cách nào tránh được, đến mức mật xanh mật vàng”.

Để chống lại cái văn hoá “ép uống” đáng sợ này thì việc luật hoá quyền được tự quyết định có sử dụng rượu bia hay không, có lẽ phải được xem xét một cách nghiêm túc.

Và ai sẽ thành thủ phạm ?

Trước khi gây ra cái chết tang thương cho người lao công nghèo Lê Thị Thu Hà, người tài xế ngồi sau vô -lăng chiếc “xe điên” đã uống say. Nghe đâu, anh ta uống trong một đám cưới, và không biết là trong đám cưới đó, anh ta chủ động uống hay bị ép uống.

Nhưng dù là chủ động hay bị ép thì có lẽ trong cái khoảnh khắc “vui hết mình”, cái khoảnh khắc mà tất cả đều cầm trên tay một cốc bia và tự nhủ với  nhau “không say không về”, anh ta không thể lường trước rằng chính vì nó mà chỉ vài giờ sau mình đã trở thành kẻ giết người.

Lúc này, chúng ta ngồi trước màn hình máy tính, trước những trang mạng để trách chủ nhân của một chiếc “xe điên” đã say sưa quá đà, gây tai nạn thương tâm – nhưng nếu không cẩn thận thì rất có thể ngay ngày mai, trong một cuộc nhậu nào đó, hoặc chính chúng ta cũng say, hoặc chính chúng ta lại ép người khác vào một cơn say, để rồi từ đó dẫn đến những hậu quả không ai ngờ đến.

Bây giờ đi trên đường, chúng ta có thể trở thành nạn nhân của bất cứ một chiếc “xe điên” nào. Nhưng trái lại, ở trong mỗi cuộc nhậu, bằng những cao đàm khoát luận ẩn sau cái khẩu ngữ “dzô, dzô, dzô”, chúng ta cũng có thể vô tình tạo ra bất cứ một chiếc “xe điên” giết người nào.

Vì vậy, tuyên chiến với “xe điên” không chỉ là việc của các cơ quan bảo vệ pháp luật, mà còn là việc của chính mỗi người chúng ta, trong cái khoảnh khắc “dzô hay không dzô” mà chúng ta vẫn dấn thân trong từng ngày, từng bữa!

Theo Dân việt

Từ khóa : Lê Thị Thu Hànữ lao côngô tô điệntai nạn chết ngườitại nạn giao thôngtài xế say xỉnThứ 7 với Phan Đăngvăn hóa ép uống rượu bia

Các tin liên quan đến bài viết