Chưa kịp phục hồi sau dịch, giá xăng dầu tăng mạnh khiến các doanh nghiệp vận tải lâm vào tình cảnh khốn khó. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cho xe nằm bãi hoặc chấp nhận bán xe và chuyển công việc khác.
Đà tăng giá xăng dầu đã vượt quá ngưỡng chịu đựng, nhiều doanh nghiệp vận tải tính tăng thêm giá cước vận tải từ 8 – 10% so với vài tháng trước đó.
Các doanh nghiệp vận tải đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm tính toán giảm thuế phí để kìm giá xăng dầu, hạn chế việc tăng giá đầu vào cho hàng hóa, gây áp lực lên lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân.
Vận tải lao đao với giá xăng dầu
Dọc tuyến quốc lộ 13 hướng về TP.HCM, tình trạng xe tải, taxi nằm bãi la liệt hoặc dán chữ “bán xe” ngày càng nhiều. Tại bãi xe của nhà xe P.T, hàng trăm chiếc taxi 4 – 7 chỗ phải nằm bãi gần 1 tháng nay và chưa có dấu hiệu khởi động lại. Một số hãng xe chở khách đang lâm vào tình cảnh bi đát, có nguy cơ phá sản, buộc phải thanh lý xe giá rẻ vì càng chạy càng lỗ.
Theo các doanh nghiệp, cú sốc mạnh lần này không đơn thuần là giá xăng, mà giá dầu diesel DO tăng thêm 2.630 đồng/lít, lên mức 29.020 đồng/lít. Đây là loại nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa. Với hoạt động vận tải chưa có dấu hiệu hồi phục, nhiều doanh nghiệp vận tải đối diện với việc phải dừng hoạt động vì khó khăn chồng chất.
Theo ông Đào Ngọc Tuấn – chủ nhà xe Tuấn Duyên chạy tuyến TP.HCM – Hà Nội, chi phí dầu cho một chuyến xe Bắc – Nam trước đây chỉ khoảng 15 triệu, nay tăng lên 30 triệu đồng, chưa tính khấu hao.
Chi phí tăng nhưng lượng khách chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch, càng chạy càng lỗ nên doanh nghiệp đang tính đến phương án bán xe. “Nhưng với giá xăng dầu quá cao hiện nay, việc bán được xe với giá mà doanh nghiệp mong muốn lại là một câu chuyện khó”, ông Tuấn nói.
Nhiều nhà xe cho biết dù lỗ vẫn phải chạy vì dừng chạy phải bán xe, nếu bán không được sẽ vỡ nợ, phá sản. Anh Nguyễn Kha, chủ nhà xe Anh Thư chạy tuyến Đà Nẵng – TP.HCM, cho biết đã thanh lý 2 chiếc xe 45 chỗ, chỉ còn lại 3 chiếc.
“Giá dầu tăng kiểu này mỗi lần xuất bến là chấp nhận lỗ 4 – 5 triệu đồng/chuyến” – anh Kha nói và cho rằng doanh nghiệp phải tăng giá vé nhưng cũng lo xe hoạt động sẽ không hiệu quả nếu số lượng khách giảm.
Ông Trần Văn Thành – tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu (quận 12, TP.HCM) – cho hay giá xăng dầu đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp vận tải hàng hóa.
Bởi với hành trình từ TP.HCM – Hà Nội và quay vào lại, một xe container tiêu tốn 1.500 lít dầu với chi phí khoảng 45,6 triệu đồng tính theo giá dầu hiện nay, tăng thêm 18 – 23 triệu đồng/chuyến so với cùng kỳ năm trước khi giá dầu chỉ vào khoảng 15.000 – 18.000 đồng/lít.
Với doanh thu một chuyến container chở hàng hóa thông thường chỉ khoảng 80 triệu đồng, trong đó riêng chi phí xăng dầu đã tốn tới 45,6 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác như cầu đường BOT, tiền công tài xế, ăn uống… khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Do đó, sau khi giá xăng dầu tăng mạnh từ ngày 13-6, doanh nghiệp này đã triệu tập cuộc họp khẩn tính toán phương án tăng giá cước vì “không thể gồng được nữa”.
Tuy nhiên, việc đàm phán tăng giá cước với khách hàng không thể một sớm một chiều, chưa kể doanh nghiệp vận tải cũng phải thận trọng tính toán trước khi quyết định tăng giá cước vì hàng hóa vận chuyển đang khan hiếm.
“Cả hai đợt tăng giá xăng dầu gần đây, chúng tôi cầm cự không tăng giá cước nhưng nay đành chịu. Đến thời điểm này, 100% doanh nghiệp vận tải buộc phải điều chỉnh tăng cước chứ không ai chịu nổi nữa” – ông Thành nói.
Phải giảm thuế, phí để kìm giá cước
Theo các doanh nghiệp, giá dầu đang tăng mạnh khiến mỗi chuyến xe container chở hàng từ TP.HCM – Hà Nội sẽ đội thêm 4 – 5 triệu đồng so với cách đây một tháng. Cụ thể, với mức tăng 2.630 đồng/lít của giá dầu DO từ ngày 13-6, cước vận tải bị đội thêm 3 – 4,5%.
Doanh nghiệp hoạt động càng nhiều chuyến thì chi phí tăng thêm, tạo sức ép lớn trong việc kinh doanh. Do chưa tăng giá cước sau các đợt tăng giá xăng dầu gần đây, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết sẽ tăng giá cước ít nhất 8 – 10%.
Nhà xe Việt Tân Phát đã thông báo tới khách hàng từ ngày 15-6 sẽ tăng giá vé tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh Tây Nguyên và ngược lại. Theo đó, trung bình giá vé đã lên mức 320.000 – 400.000 đồng/vé, tăng 50.000 – 90.000 đồng/vé so với trước đây.
“Xăng dầu liên tục tăng cao và các chi phí liên quan đều có xu hướng tăng lên đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi mong khách hàng chia sẻ với đợt điều chỉnh giá lần này” – đại diện xe khách Việt Tân Phát nói.
Ông Đỗ Văn Thắng – tổng giám đốc Công ty CP Bưu chính Việt Nam (Vintrans) – cho biết giá xăng dầu tăng mạnh là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp trong ngành logistics. Với quy mô hoạt động tại 63 tỉnh thành, ông Thắng cho hay doanh nghiệp này tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí trong suốt 2 tháng qua.
Nhưng giá xăng tăng hơn 32.000 đồng/lít là cú sốc cho doanh nghiệp vận chuyển. Để thích ứng trong “cơn bão” giá xăng dầu, doanh nghiệp này đã thanh lý nhiều xe tải tiêu tốn nhiên liệu và đặt mua 20 xe mới với mức tiêu hao nhiên liệu tiết kiệm hơn.
Ngay cả quy trình vận hành cũng bắt đầu thay đổi. Thay vì mỗi ngày nhận 2 lần hàng, doanh nghiệp đàm phán với khách hàng gom nhận đơn hàng 1 lần. Với đơn hàng tuyến Bắc – Nam, mỗi ngày ít nhất 12 chuyến xe tải 8 tấn chở hàng sẽ đổi sang chở bằng container, mỗi ngày còn 8 chuyến.
“Hàng hóa di chuyển có thể chậm hơn nhưng tiết kiệm được chi phí. Khách hàng muốn nhanh, chấp nhận giá cao vẫn có phương án vận chuyển tối ưu. Mỗi thứ một ít, để tiết kiệm. Dù vậy, công ty vẫn tính toán tăng cước 5 – 7%” – ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Kim Thanh – giám đốc Công ty vận tải Kim Phát (quận 12, TP.HCM) – bày tỏ lo ngại rằng giá xăng dầu vẫn có xu hướng tăng, nếu không có chính sách giảm thuế phí để hạ nhiệt giá xăng dầu, doanh nghiệp vận tải chưa kịp phục hồi đã bị kiệt sức.
“Phải xem xăng dầu là mặt hàng thiết yếu để đưa ra giải pháp phù hợp, cần giảm ngay các loại thuế, phí…”, ông Thanh đề nghị.
Theo ông Trần Văn Thành, giá xăng dầu đang ở mức quá cao so với sức chịu đựng người dân, doanh nghiệp. Do đó, cần giảm các loại thuế phí để “hạ nhiệt” giá xăng dầu, bởi mỗi lít xăng dầu đang gánh tới 38% thuế phí trong cơ cấu giá.
“Giá xăng dầu giảm sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là chi phí vận chuyển, góp phần kéo giảm giá hàng hóa, đảm bảo ổn định thị trường”, ông Thành nói.
Hàng không bị đội chi phí hàng ngàn tỉ đồng
Trong chuyến công tác xúc tiến mở cửa du lịch hàng không tại Thái Lan, ông Đặng Anh Tuấn – trưởng ban truyền thông Vietnam Airlines – thông tin ngành hàng không tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là gánh nặng chi phí nhiên liệu.
Đây là một trong những yếu tố rào cản sự bứt phá của hàng không trở lại sau dịch. Theo ông Tuấn, trong năm 2022 chi phí hoạt động được tính toán dựa trên mức dự báo giá dầu khoảng 80 USD/thùng.
Tuy nhiên, giá nhiên liệu tiếp tục leo thang ở mức 120 – 160 USD/thùng, chi phí bay bị đội lên hơn 7.000 – 8.000 tỉ đồng so với kịch bản xây dựng trước đó.
Trước áp lực giá xăng tăng cao, giá vé máy bay dự báo sẽ được các hãng điều chỉnh tăng, các chương trình kích cầu giá rẻ bị giới hạn hơn so với giai đoạn vài năm trước. Trên các đường bay nội địa và quốc tế trong dịp hè, giá vé máy bay đang được đẩy lên khá cao so với cùng kỳ những năm trước.
Chẳng hạn, đường bay từ TP.HCM – Phú Quốc vào giữa tháng 6 đến 7 mọi năm chỉ có giá trung bình khoảng 700.000 – 900.000 đồng/vé/chiều nhưng năm nay đã bị đẩy lên tới 1,2 -1,5 triệu đồng/vé, trong khi vé ưu đãi rất khan hiếm.
Nguồn: tuoitre.vn