Dưới áp lực từ cuộc điều tra trên diện rộng của chính quyền Mỹ và FBI, nhiều nghiên cứu sinh bị nghi có liên quan tới quân đội Trung Quốc được cho đã tìm cách né tránh bị bắt và xóa các bằng chứng.
Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Texas, nơi Mỹ cáo buộc là “hang ổ” của các điệp viên Trung Quốc (Ảnh: Getty)
Theo Wall Street Journal, chính quyền Mỹ mùa hè này đã tăng cường hoạt động tìm kiếm, rà soát các nhà nghiên cứu Trung Quốc nghi vấn có quan hệ với quân đội Bắc Kinh. Điều này đã dẫn tới những cuộc truy lùng giống như “mèo vờn chuột” giữa FBI và các nhà nghiên cứu, bao gồm những chiến thuật mà giới công tố Mỹ liệt kê như các vụ lẩn trốn, hành vi phi tang vật chứng và cuộc rượt đuổi tới sân bay.
Trong vài tháng qua, các đặc vụ FBI đã thẩm vấn hàng chục nhà nghiên cứu Trung Quốc về công việc và mối liên hệ của họ. Nổi bật nhất là một loạt các vụ Mỹ bắt giữ nghiên cứu sinh nghi có liên quan tới quân đội Trung Quốc.
Các công tố viên Mỹ đã cáo buộc Guan Lei, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở đại học California, Los Angeles, với tội phá hủy bằng chứng mà FBI đang tìm kiếm. FBI nghi Guan có liên quan tới cáo buộc đánh cắp công nghệ.
Guan bị “tố” đã ném chiếc ổ cứng máy tính bị hỏng vào thùng rác vài ngày sau khi người đàn ông này bị ngăn chặn rời Mỹ tại sân bay quốc tế Los Angeles.
Trong một vụ khác, nghiên cứu sinh về động lực học chất lỏng Hu Haizu ở Đại học Virginia, bị cáo buộc đánh cắp mã phần mềm độc quyền được giáo viên hướng dẫn Hu phát triển trong 20 năm. Tháng trước, Hu định bay về Trung Quốc từ Chicago mà không báo cho người hướng dẫn mình. Tuy nhiên, Hu cũng đã bị chặn lại.
Cả hai ông Guan và Hu đều bị bắt vào tháng 8 và đang bị giam giữ. Luật sư của Hu cho rằng các cáo buộc liên quan tới đánh cắp bí mật thương mại thường “bị thổi phồng”. Trong khi đó, Guan nói rằng ông không có gì để giấu giếm và ông tin rằng mình bị nhắm tới vì căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc dọn đồ đi sau khi nhận được yêu cầu đóng cửa hồi tháng 7 (Ảnh: Houston Chronicle)
Đợt rà soát hồi tháng 6 của FBI được cho là một trong những yếu tố dẫn tới việc Mỹ quyết định đóng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Texas. Chính quyền Mỹ cáo nghi ngờ các nhà ngoại giao Trung Quốc hỗ trợ các học giả trốn tránh các nhà điều tra của Washington.
Ngày 21/7, khi Mỹ tuyên bố đóng lãnh sự quán Trung Quốc, họ được cho yêu cầu phía Bắc Kinh đưa toàn bộ những nhà nghiên cứu có liên quan tới quân đội Trung Quốc ra khỏi Mỹ, theo Wall Street Journal.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản pháo, tuyên bố các nhà ngoại giao nước này không bao giờ có hành vi trái với mục đích nhập cảnh vào Mỹ. Bắc Kinh cũng thường xuyên bác bỏ các cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ, cho rằng đó là động thái có yếu tố chính trị.
Vài tuần trước khi lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đóng cửa, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ít nhất 4 nhà nghiên cứu Trung Quốc tội gian lận thị thực để che giấu mối quan hệ với quân đội Bắc Kinh. Hai người đã phủ nhận các cáo buộc trong khi hai người khác vẫn chưa được xét xử.
Nghi vấn mối quan hệ với quân đội Trung Quốc
Theo hồ sơ của FBI nộp lên tòa án, ông Guan nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo tại đại học California. Giáo viên hướng dẫn của ông ở Trung Quốc, người làm việc tại đại học Cộng nghệ Quốc phòng, là một nhân vật cấp tướng, đóng vai trò quan trọng trong chương trình siêu máy tính của quân đội Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh với nhau trong lĩnh vực phát triển lĩnh vực siêu máy tính, công cụ có thể hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực từ mô phỏng khí hậu tới phát triển vũ khí hạt nhân. Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc, trong khi đó, nằm trong “danh sách đen” của Bộ Thương mại Mỹ vì nghi vấn đánh cắp công nghệ Mỹ cho chương trình siêu máy tính.
Cổng vào đại học California, Los Angeles (Ảnh: Wikipedia)
Trong khi đó, ông Hu vốn làm việc cho một phòng thí nghiệm do quân đội Trung Quốc tài trợ ngân sách ở đại học Beihang, Bắc Kinh. Hu nghiên cứu về công nghệ robot dưới nước. Trong cuộc thẩm vấn với cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới tại Sân bay Quốc tế O’Hare của Chicago, Hu thừa nhận ông có phần mềm độc quyền của giáo viên hướng dẫn trong máy tính. Ông cũng cho rằng giáo viên của mình sẽ thất vọng nếu biết được chuyện này.
Mặt khác, người hướng dẫn của Hu nói với FBI rằng ông đã nhiều lần từ chối cho Hu tiếp cận phần mềm trên và ông không hiểu vì sao mà Hu lại có được nó.
Tiêu hủy bằng chứng và tìm đường hồi hương
Trong 1 năm qua, FBI đã gia tăng sự chú ý tới các học giả Trung Quốc làm việc ở Mỹ với mối quan ngại rằng họ có thể liên quan tới hành vi đánh cắp nghiên cứu bí mật.
Ngoài ra, theo Wall Street Journal, các nhà ngoại giao Trung Quốc được cho đã cảnh báo các nhà nghiên cứu nước này về cuộc điều tra của FBI và thúc giục họ xóa sạch các dữ liệu trên thiết bị điện tử và các đoạn tin nhắn trên mạng xã hội.
Ngày 17/7, FBI thẩm vấn Guan tại nơi ở của nhà nghiên cứu này, và Guan đồng ý cho FBI khám xét máy tính xách tay và 2 điện thoại. Guan nói rằng các thiết bị điện tử gần đây đã được thiết lập lại dẫn tới chúng chỉ còn rất ít dữ liệu bên trong.
Hai ngày sau, Guan tới sân bay Los Angeles và các quan chức biên giới tiếp tục đặt câu hỏi với ông. Guan khi đó khẳng định ông không có liên lạc với các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra phát hiện Guan đã gửi thư điện tử tới lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc bày tỏ mối quan ngại về cuộc điều tra của Mỹ và đề nghị sự hỗ trợ để có thể quay lại Trung Quốc. Chính vì vậy, Guan đã bị ngăn chặn rời Mỹ với lý do “sự ra đi của nghiên cứu sinh này sẽ phương hại tới lợi ích của Mỹ”.
Một tuần sau đó, khi đi bộ xung quanh căn hộ ở Irvine, Guan được cho đã dừng lại trước thùng rác, lôi ra một vật từ tất và ném đi, theo FBI. Vị hôn thê của Guan, Yang Zhihui, đã đứng trông chừng.
Các đặc vụ FBI sau đó phát hiện đây một chiếc ổ cứng và nó phù hợp với máy tính xách tay mà họ khám xét ở nhà Guan trước đó. Ổ cứng này đã bị phá hỏng và cố tình xóa bỏ dữ liệu.
Khi FBI tới bắt Guan 1 tháng sau đó, Guan từ chối hợp tác và khiến các đặc vụ phải phá cửa xông vào.
Trong khi đó, vị hôn thê của Guan, Yang Zhihui, một người Trung Quốc đang theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học California, đã bị bắt khi tới sân bay Los Angeles để về Trung Quốc hôm 31/8 mặc dù luật sư của cô trước đó nói rằng cô sẽ ra làm chứng chống lại Guan.
Theo Dân Trí