9 năm trước, trên đường đi cấy thuê người đàn bà ấy bị ngã từ trên cầu văng xuống suối và gẫy xương sống. Ngần ấy năm trời nằm liệt giường cuộc sống của chị trông cậy cả vào cậu con trai bỏ học đi kiếm sống nuôi mẹ. Từ đó, chị như người mẹ sống chung cột sống của đứa con hiếu thảo.
Người đàn bà tàn phế “sống chung cột sống” với cậu con trai
Đứng dưới con đường, chúng tôi ngước mắt nhìn lên cuối con dốc gần như thẳng đứng ở thôn Trần Phú, (xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) có một ngôi nhà trông như cái chuồng chim, thấp lè tè, rộng chừng 10m2. Mấy ai nghĩ rằng, đấy chính là tổ ấm của mẹ con chị Lương Thị Phượng, (37 tuổi) người đàn bà bất hạnh 9 năm nay “sống nhờ” bằng xương cột sống của cậu con trai năm nay tròn 15 tuổi.
Bước vào tổ ấm rộng chừng 10m2 của mẹ con chị Phượng đúng ngày đầu hè nóng như đổ lửa, mái nhà thấp lè tè được lợp mái fibro xi măng cái nóng hập xuống ngôi nhà trở thành như lò bát quái.
Người đàn bà có khuôn mặt khá sắc nét, chống 2 tay xuống nền nhà vừa trải qua mùa xuân vẫn đầy mùi ẩm mốc. Mồ hôi trên mặt chị túa ra như tắm, chị lết đi đầy khó nhọc đến bên một cái chậu và nhặt phân loại từng con cua mà đứa con trai 15 tuổi vừa đi kiếm về, để nhờ người đem ra chợ bán.
Ngôi nhà rộng chừng 10m2 trông từ xa như một cái lồng chim là tổ ấm của mẹ con chị Phượng từ nhiều năm nay.
Nguồn thu nhập gần như duy nhất của mẹ con chị Phượng trông cả vào tài bắt cua, bắt ốc của cậu con trai 15 tuổi.
Chị Phượng bảo, cháu vừa ở đây đợi các cô chú nhà báo nhưng thấy trời nắng nên lại lao ra đồng tranh thủ khi trời nóng cua ngoi lên nhiều, chứ mấy hôm nữa trời mát thì không kiếm ra.
Chị Phượng nhớ lại, một buổi sáng cách đây 9 năm, chị đi cấy thuê cho một người trong xã, khi đi qua cây cầu treo bắc ngang suối, đột nhiên chị thấy xây xẩm mặt mày rồi ngã rơi xuống suối. Khi tỉnh dậy thì chị đã nằm ở khoa cấp cứu bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, sau hội chẩn của các bác sĩ chị bị gãy cột sống, chỉ định phải phẫu thuật gấp.
Trong ngôi nhà chị Phượng tài sản đáng giá nhất là chiếc giường, còn chiếc ti vi hỏng “từ đời Tống” mẹ con chị Phượng coi đó như vật trang trí trong nhà.
Vì chưa chuẩn bị được tiền, nên phải đến tối ngày hôm đó ca phẫu thuật mới được thực hiện. Ca mổ đã giữ lại được tính mạng, nhưng di chứng từ cú ngã đã biến chị trở thành người phụ nữ tàn phế. 9 năm trôi qua chị sống được là nhờ vào sự giúp đỡ của hàng xóm và sinh hoạt hàng ngày chị phải trông cả vào cậu con trai. Kể từ đó, chị Phượng như sống nhờ bằng duy nhất xương sống của cậu con trai.
Sau lần tai nạn ấy, hoàn cảnh gia đình chị Phượng nghèo lại càng nghèo hơn. Để hỗ trợ mẹ trong sinh hoạt hàng ngày, cậu con trai duy nhất của chị đang theo học đến lớp 5 cũng phải bỏ dở.
Chị Phượng gắng gượng ngồi dậy để lựa những con cua vừa được con trai bắt được ngoài đồng để nhờ người mang đi chợ bán.
Khoản nợ hơn 70 triệu đồng từ ngày đi viện đến giờ chị Phượng cũng không biết đến bao giờ mới trả được, cũng may là hững người giúp đỡ chị thì hiểu hoàn cảnh nên cũng thông cảm.
Hoa khôi xóm lỡ dở chuyến đò
Đưa tay gạt nước mắt, chị Phượng ngược dòng thời gian tâm sự với chúng tôi về một thời thanh xuân đầy tiếc nuối, hồi ấy ở vùng quê miền núi nghèo khó, chị là người có chút nhan sắc, nên rất nhiều trai làng theo đuổi. Chẳng thế mà, khi chị nằm liệt giường vẫn có người làm thẩm mỹ dưới huyện tìm đến xin chị làm mẫu xăm lông mày rồi biếu chị vài trăm nghìn. Và đó cũng là đồng tiền duy nhất chị kiếm được kể từ sau vụ tai nạn nghiệt ngã.
Một lần được người dưới huyện lên nhờ làm mẫu xăm lông mày rồi họ cho vài trăm nghìn- đó là lần duy nhất chị Phượng kiếm được tiền từ sau khi bị tai nạn.
Ở lứa tuổi 20, bỏ qua đám trai làng, chị kết hôn với một chàng trai xã bên. Cuộc sống ở nhà chồng không được suôn sẻ, mâu thuẫn nảy sinh không thể hóa giải, nên khi đứa con trai Đặng Văn Minh được 2 tuổi thì 2 người chia tay nhau. Chị ôm con về nhà mẹ đẻ, được mọi người đùm dúm cất cho cái chòi như tổ chim làm chỗ trú thân. Không ruộng đất, không tài sản, để nuôi con ai thuê gì chị Phượng làm nấy…
Cách nhà chị không xa là nhà bố mẹ đẻ, bà Đặng Thị Lập, mẹ chị Phượng năm nay đã 73 tuổi cũng sang tiếp chuyện chúng tôi, bà nghẹn ngào kể, chị Phượng là người con thứ 4 trong gia đình có 5 chị em. Từ bé chị là người con nhanh nhẹn tháo vát nhất trong gia đình nhưng cuộc sống bất hạnh biến chị trở thành người mẹ độc thân tàn phế, các anh chị đều nghèo khó ăn còn không đủ nên có thương chị thì cũng không ai giúp gì được. Nhìn con năm nay gần 40 tuổi lết đi từng bước dưới sân nhà, người mẹ lòng đau như cắt bất lực đến cùng cực.
Nói về hoàn cảnh đặc biệt ở địa phương mình, ông Nguyễn Tiến Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo nói: “Hoàn cảnh chị Phượng là éo le nhất xã, chị không may gặp nạn thành tàn phế, đứa con trai cũng phải bỏ học để chăm, nuôi mẹ.
Là hộ nghèo nhiều năm nay, nên ở địa phương có chương trình hỗ trợ gì, chúng tôi cũng ưu tiên gia đình chị. Và xã, thôn cũng thường xuyên vận động quyên góp để giúp đỡ chị, là xã miền núi nên bà con cũng rất khó khăn, cũng không mấy ai giúp được chị nhiều. Hàng xóm thì ai có mớ rau, con cá thì cho mẹ con chị ấy. Ngày Tết nhà thì cho cái bánh chưng, nhà thì cho mẹ con chị mấy lạng thịt…
Gia đình chị Phượng được chính quyền xác nhận “hộ nghèo thâm niên”.
Khi bóng chiều đã ngả xuống, mặt trời xuống ngang lưng đồi, lúc này một người hàng xóm mang cho mẹ con chị Phượng bó rau muống để chuẩn bị cho bữa cơm tối. Khi chúng tôi dời ngôi nhà thì Minh vẫn đang ở ngoài đồng tranh thủ bắt con cua, con cá phần để cải thiện bữa ăn cho mẹ con, phần thì mang ra chợ bán để kiếm đồng tiền rau cháo.
“Đời người làm mẹ như em coi như bỏ đi rồi, em chỉ ước được thêm một lần đến viện để bác sĩ thăm khám lại và ước có thêm chút tiền cho con đến trường tiếp tục học thêm con chữ…”, chị Phượng nghẹn ngào trước khi nói lời chia tay chúng tôi.
Vừa khóc vừa nói, chị Phượng lạc giọng: “Cuộc đời của mẹ con em sao nó lại khổ cực quá, cháu nó mới 15 tuổi mà đã phải vất vả thế này. Con người ta thì được học hành, còn con em phải mò cua, bắt ốc nuôi mẹ, nhiều lúc em muốn chết đi cho con em đỡ khổ, nhưng nghĩ đến thằng bé bơ vơ thì em lại không thể nào…”
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 3326: Chị Lương Thị Phượng, thôn Trần Phú, xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc ĐT: 0982591786 2. Báo điện tử Dân trí. |
Theo Dân Trí