Sự hội tụ của một loạt sự kiện trong tuần tới sẽ có thể quyết định liệu bế tắc Ukraina sẽ được hóa giải một cách hòa bình hay châu Âu sẽ lâm vào chiến tranh.

Kể cả Nga không mở cuộc tấn công trong vài ngày tới như phương Tây dự báo, cuộc khủng hoảng Ukraina vẫn tiến tới điểm rẽ quan trọng, với sự ổn định của châu Âu và tương lai của các mối quan hệ Đông – Tây sẽ được định đoạt.

“Khoảng 10 ngày tới sẽ rất quan trọng”, hãng tin AP dẫn nhận định của Ian Kelly, một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu hiện giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Đại học Tây Bắc (Mỹ).

Cuộc khủng hoảng Ukraina sẽ được định đoạt vào tuần tới?
Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Cuối tuần trước, Washington cảnh báo Nga có thể tiến hành một cuộc xâm lược nhằm vào Ukraina bất kỳ lúc nào, và Mỹ cùng nhiều nước đã sơ tán hầu hết các nhân viên sứ quán khỏi thủ đô Kiev. Một cuộc hội đàm qua điện thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Nga ngày 12/2 không đạt được tiến bộ nhằm xoa dịu căng thẳng.

Ông Biden và người đồng cấp Ukraina Volodymyr Zelenskyy cũng đã điện đàm với nhau hôm sau đó.

Kể cả trước khi Mỹ đưa ra các cảnh báo và động thái ngoại giao, giới phân tích đã coi tuần tới là thời điểm then chốt cho tương lai của Ukraina.

“Nga và Mỹ đang tiến tới đỉnh điểm của xung đột lợi ích liên quan đến hình dạng trật tự châu Âu trong tương lai”, Timofei Bordachev – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại trường Cao học Kinh tế Moscow – nhận định trong một phân tích mới đây. “Các bên có thể hành động chống lại nhau và sẽ đi xa hơn những gì được coi là có thể chấp nhận được gần đây”.

Trong tuần tới, Washington và NATO mong muốn nhận được phản hồi chính thức của Moscow sau khi từ chối các yêu cầu an ninh then chốt mà Nga nêu ra, và các cuộc tập trận quân sự lớn của Nga ở Belarus cũng sẽ kết thúc. Số phận của lính Nga ở Belarus sẽ đóng vai trò chính trong việc đánh giá các ý định của Kremlin.

Cuộc khủng hoảng Ukraina sẽ được định đoạt vào tuần tới?
Một chiếc xe tăng di chuyển trên bãi huấn luyện trong cuộc tập trận chung Union Courage-2022 giữa Nga và Belarus. 

Cùng lúc đó, Thế vận hội Mùa đông ở Trung Quốc sẽ khép lại vào ngày 20/2. Mặc dù giới chức Mỹ nói họ tin một cuộc tấn công của Nga có thể diễn ra sớm hơn, mốc thời gian này vẫn được coi là rất quan trọng. Ngoài ra, một hội nghị an ninh quốc tế lớn sẽ được tổ chức ở Munich (Đức) cuối tuần tới, với sự tham dự của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng các quan chức hàng đầu của châu Âu.

Tổng thống Nga Putin khẳng định với phương Tây rằng ông sẽ không nhượng bộ yêu cầu Ukraina không gia nhập NATO. Ông cảnh báo, nếu Ukraina trở thành thành viên của liên minh quân sự này và định sử dụng vũ lực để giành lại bán đảo Crưm, vốn đã sáp nhập vào Nga năm 2014, Nga và NATO sẽ rơi vào xung đột.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã yêu cầu các nước phương Tây giải thích cách họ diễn giải nguyên tắc “không thể phân chia an ninh” được ghi trong các thỏa thuận quốc tế mà họ đã ký kết. Bộ Ngoại giao Nga, hôm 11/2, tuyên bố không chấp nhận một câu trả lời chung từ Liên minh châu Âu và NATO mà đòi phản hồi riêng rẽ.

Tìm cách phản bác lập luận của NATO rằng mỗi quốc gia được tự do lựa chọn liên minh, Moscow cáo buộc NATO gây nguy hiểm cho an ninh của Nga bằng cách mở rộng về phía đông.

“Các yêu cầu của Nga và việc Mỹ thẳng thừng từ chối chúng đã đẩy chương trình nghị sự quốc tế về phía đối đầu gay gắt hơn bao giờ hết kể từ đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh”, ông Bordachev bình luận.

Trước kia, Nga từng tìm cách liên lạc chặt chẽ với Pháp và Đức với hy vọng quan hệ hữu hảo với các nền kinh tế lớn nhất của châu Âu sẽ giúp giảm bớt sức ép từ Mỹ. Tuy nhiên, những mối quan hệ đó đã bị kéo căng.

Gần đây hơn, giới chức Nga chỉ trích lập trường của Pháp và Đức trong các cuộc đàm phán hòa bình sa lầy về miền đông Ukraina, cho rằng họ phải chịu trách nhiệm vì không thuyết phục được Kiev cho quyền tự trị lớn hơn với khu vực ly khai này.

Nhưng dù căng thẳng kéo dài, Tổng thống Putin vẫn điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và sẽ hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày 15/2. Moscow cũng vừa mở cửa cho liên lạc ngoại giao với Anh khi tổ chức vòng đàm phán đầu tiên của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng kể từ khi các mối quan hệ xấu đi vì vụ cựu điệp viên Sergei Skripal.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : MỹNATONgaUkraina

Các tin liên quan đến bài viết