Trong năm 2014, khi lợi nhuận của Trung Nguyên lên đỉnh, cũng là lúc mâu thuẫn hôn nhân giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo bùng phát.
Trung Nguyên – Bước phát triển đáng ngưỡng mộ
Theo thông tin chính thức từ trang web của Tập đoàn Trung Nguyên, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 6 năm 1996 tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột. Năm 1998, Trung Nguyên xây dựng quán café đầu tiên của mình tại TP.HCM.
Năm 2003, Trung Nguyên cho ra đời sản phầm café hòa tan G7. Đây cũng là dòng sản phẩm đạt được thành công lớn nhất của Trung Nguyên trên thị trường café hòa tan Việt Nam. Đến năm 2010, doanh nghiệp này đã xuất khẩu sản phẩm của mình tới hàng chục quốc gia trên thế giới. Năm 2018, Trung Nguyên ra mắt thương hiệu Trung Nguyên Legend – Cà phê năng lượng, cà phê đổi đời.
Trung Nguyên là một thương hiệu café nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam
Hiện tại, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang là người đại diện theo pháp luật. Trung Nguyên hiện chưa niêm yết cổ phần trên thị trường chứng khoán. Hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên có 3 mảng chính gồm Kinh doanh – chế biến cà phê, bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu (franchising).
Theo danh sách xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) của Vietnam Report năm 2016, Trung Nguyên đứng vị trí số 213, xếp trên cả một số cái tên nổi tiếng như Dược Hậu Giang, Ngân hàng Tiên Phong, hay ông lớn bất động sản Novaland.
Trung Nguyên cũng đứng thứ 83 trong Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận lớn nhất Việt Nam PROFIT500 vào năm 2017, xếp trên Xây Dựng Hòa Bình, TPBank hay ngân hàng VIB.
Khi hôn nhân Vũ –Thảo “êm ấm”: Trung Nguyên phát triển mạnh mẽ
Trong thông cáo báo chí về các vấn đề liên quan đến bà Lê Hoàng Diệp Thảo được Trung Nguyên phát ra vào ngày 21/9/2018, lần đầu tiên những con số tài chính của doanh nghiệp này được tiết lộ.
Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2013, lợi nhuận của Trung Nguyên tăng trưởng mạnh từ 152 tỷ lên 287 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 88,8%. Sang đến năm 2014, lợi nhuận của công ty này bất ngờ tăng “thần kì” lên 1294 tỷ đồng, gấp gần 4,4 lần so với năm 2013.
Theo thông tin được bà Lê Hoàng Diệp Thảo đăng tải trên trang Facebook cá nhân của mình, lợi nhuận của Trung Nguyên trong giai đoạn trước 2015 được đánh giá là rất khởi sắc. Cụ thể, bà Thảo viết: “Từ 2006 đến 2014, Trung Nguyên phát triển như vũ bão. Doanh số tăng vượt bậc, từ 1.223,6 tỷ đồng trong năm 2008 lên 4.177 tỷ đồng trong năm 2014, đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 22.7%/năm. Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Trung Nguyên cũng tăng mạnh mẽ.”
Bức tranh lợi nhuận của Trung Nguyên từ 2012 đến 2017. Đơn vị: tỷ đồng
“Cùng với mức tăng trưởng vượt bậc của doanh số và lợi nhuận sau thuế, quy mô tổng tài sản trong giai đoạn này cũng tăng trưởng theo. Tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao trên 52.6%/năm, từ quy mô tài sản 397.2 tỷ đồng trong năm 2008 lên 5.024,5 tỷ đồng trong năm 2014.”
Hôn nhân bùng nổ mâu thuẫn: Trung Nguyên lao dốc nhanh chóng
Sau quãng thời gian xây dựng được một thương hiệu vững chắc, đến giai đoạn từ 2014-2015, khi lợi nhuận lên đỉnh, tình hình của Trung Nguyên đã trở nên phức tạp khi cuộc hôn nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên) và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo gặp sóng gió.
Năm 2015, bà Thảo lần đầu đưa đơn ly hôn ra tòa. Cũng trong năm này, ông Vũ bất ngờ bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên. Kể từ thời gian này, hàng loạt những vụ đâm đơn kiện tụng giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Tập đoàn Trung Nguyên đã diễn ra.
Vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn đang trong tình trạng bế tắc
Cũng theo thông tin từ thông cáo trên, trong giai đoạn từ 2015 đến 2017, lợi nhuận của Trung Nguyên cho thấy sự đi xuống nhanh chóng. Năm 2015, Trung Nguyên báo lãi 808 tỷ đồng, năm 2016 giảm xuống 768 tỷ đồng, năm 2017 tiếp tục giảm còn 682 tỷ đồng.
Trong diễn biến mới nhất, vụ xét xử ly hôn giữa hai vợ chồng Vũ – Thảo tiếp tục trong tình trạng bế tắc.
Theo Dân việt