Hướng dẫn mới về công tác phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy trực tiếp được đánh giá thuận lợi hơn, song một số hiệu trưởng băn khoăn về quy định khi một học sinh F0 phải xét nghiệm cả lớp, gây tốn kém.
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp, khi lớp học có học sinh F0, cán bộ y tế trường học và tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó.
Trao đổi với VietNamNet, hiệu trưởng một số trường tại Hà Nội cho rằng quy định xét nghiệm toàn bộ học sinh trong cùng lớp khi lớp có học sinh F0 thực sự là bài toán kinh tế với các nhà trường.
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Nam Từ Liêm ví rằng đây là “một cuộc chơi tốn kém”.
Vị này tính toán: “Như trường tôi có 73 lớp, sĩ số trung bình mỗi lớp 36 học sinh. Nếu 1 ngày ở 60 lớp có F0, cứ tạm cho là mỗi lớp chỉ có 1 F0 thì nhân lên cũng đi tong 2.000 bộ test. Coi như giá mỗi bộ test rẻ 70.000 đồng, thì tổng số tiền nhà trường phải mất là 140 triệu đồng. Khả năng test gộp mẫu nhanh là khó với y tế của trường. Một tuần đi học dính 3 ngày như thế thì một tháng như vậy, tiền đâu cho đủ. Nhà trường nào và phụ huynh nào chịu cho thấu?”.
Vị hiệu trưởng phàn nàn thêm: “Bên tôi hiện nay mỗi ngày test khoảng 80 bộ, đó là chỉ mấy F1 ngồi cạnh F0 hoặc học sinh nghi ngờ mệt mỏi là test giúp phụ huynh. Chứ test cả lớp chắc nhà trường không đủ tiền mất”.
Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường THCS ở huyện ngoại thành Hà Nội cũng băn khoăn.
“Kinh phí các trường ngoại thành còn khó khăn hơn các trường nội thành khi nguồn thu và điều kiện phụ huynh khó khăn hơn. Mỗi lớp khoảng 40 học sinh, mà giờ xác suất lớp nào cũng có F0, mỗi bộ test từ 70 đến 100 nghìn đồng, nói thực test đến các học sinh vào diện F1 cũng đã quá sức. Hôm trước, tôi cho test một lúc 16 cháu, y tế cứ kêu trời, bảo tôi làm thế thì tiền đâu ra. Chúng tôi bỏ kinh phí từ tiền của trường, không thu của phụ huynh, nên đúng nếu lâu dài và làm trên diện rộng thì cũng là vấn đề thật”.
Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, hướng dẫn mới của Bộ Y tế đã có nhiều điểm mới và thuận lợi hơn. Chẳng hạn quy định cách ly F1 đã tiêm 2 mũi trở lên chỉ còn 5 ngày. Bên cạnh đó cũng có hướng dẫn về việc xử lý tình huống khi phát hiện học sinh diện F0 tại nhà mà học sinh đó đã đi học trực tiếp.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, nếu lớp có F0 và phải xét nghiệm cả lớp thì thật sự tốn kém. “Việc này buộc phải làm để đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhưng nếu phải thực hiện nhiều, cũng là một vấn đề về tài chính đối với các nhà trường”, ông Cường nói.
Ngoài ra, góp ý về hướng dẫn mới này, ông Cường cho rằng, việc định nghĩa F1 về việc tiếp xúc trong không gian hẹp, kín tối thiếu 15 phút như hiện nay vẫn chưa rõ.
“Nên chăng các cơ quan chức năng có quy định về việc hẹp là thế nào? Có thể là mật độ người/m2 chẳng hạn. Vậy sẽ rõ hơn cho việc xác định F1 khi học sinh học trong các lớp học”.
Nguồn: vietnamnet