“Người trẻ phải kết hôn. Người già phải sống một mình”. Tờ Hoàn cầu Thời báo cho biết nghịch lý này đang diễn ra trong xã hội Trung Quốc.
Các bậc cha mẹ ở Trung Quốc nổi tiếng là quan tâm quá mức đến việc dựng vợ gả chồng cho con cái, nhưng khi đến lượt họ muốn tìm người bạn đời ở tuổi xế chiều, con cái lại ít nhiệt tình.
Người giúp việc là đủ
Ông Chen, 71 tuổi, ở Nam Ninh, góa vợ đã bốn năm. Ông may mắn gặp được bà Lu – người cùng hoàn cảnh để san sẻ những năm tháng tuổi già. Tuy nhiên, ông bà không ngờ gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ ba người con nay đã trưởng thành của ông Chen. Bất đắc dĩ, ông bà đồng ý sẽ sống chung với nhau mà không làm hôn thú.
Nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc sẽ cảm thấy bóng dáng của mình đâu đó trong câu chuyện này.
Theo thống kê của một công ty mai mối ở tỉnh Giang Tây, hơn 80% người cao niên góa bụa muốn đi bước nữa. Đáng buồn thay, hơn 60% không được con cái ủng hộ.
Theo số liệu của Ủy ban công tác quốc gia về người cao tuổi Trung Quốc, năm 2015, dân số trên 60 tuổi ở nước này là 222 triệu người. Con số này sẽ là 248 triệu người vào năm 2020, chiếm 17,17% tổng dân số, trong đó có hơn 30 triệu người trên 80 tuổi.
Quyết định sống chung không hôn thú như của ông Chen và bà Lu là cách thỏa hiệp phổ biến.
Ông Chen trước đó đã có nhiều tháng liền tranh cãi với các con nhưng vô ích. Con trai út của ông giãi bày: “Không phải là chúng tôi không hiểu bố hoặc không hiếu thảo. Nhưng bố đã hơn 70. Kết hôn rồi, sống cùng nhau và họ nhất định sẽ cãi vã về phân chia tài sản”.
Theo ông Chen, mỗi khi thẳng thắn với con về mong muốn đi bước nữa, chúng luôn thuyết phục bố điều ngược lại.
Chúng nó không biết tôi cô đơn thế nào. Chúng nó đều có gia đình riêng còn tôi sống một mình, không có ai kề bên khi đau ốm hay lúc trái gió trở trời. Người vợ đã mất của tôi hẳn cũng ủng hộ tôi đi bước nữa, vậy mà không hiểu sao các con lại không chấp nhận?”
Ông Chen 71 tuổi, ở Nam Ninh, góa vợ đã bốn năm
Ông kể một lần mình bị say nắng, choáng váng không đi nổi và đã gọi điện thoại cho các con, nhưng tất cả đều bận. Bà Lu là người đã đến chăm sóc ông. “Chờ khi chúng đến, tôi hẳn đã chết rồi” – ông buồn rầu nói.
Đó là lý do ông Chen tha thiết muốn tái hôn ở tuổi gần đất xa trời. Nhưng các con ông Chen khăng khăng một người giúp việc là tất cả những gì ông cần: “Chúng tôi hiểu đạo làm con và không để bố một mình không ai chăm sóc. Chúng tôi thuê người giúp việc, hoặc nhờ hàng xóm trông nom bố”.
Nhưng ông Chen nghĩ khác: “Con tôi chỉ đơn giản là không đồng ý. Điều tôi buồn nhất là nó dường như chỉ quan tâm đến tài sản của tôi chứ không quan tâm đến tôi”.
Vì tiền?
Ông Jin, 80 tuổi, sống ở Bắc Kinh, cho biết ông hi vọng tìm được một người bạn đời mới nhưng cũng gặp phải sự phản đối từ ba người con – “những đứa rất hiếu thảo, trừ khi nói về vấn đề này”, ông Jin dí dỏm mô tả.
Ông nói thẳng: “Đó là vì tiền. Chúng lo người vợ kế yêu tiền của tôi và sẽ bỏ đi sau khi vơ vét hết. Nhưng điều này cũng cho thấy mấy đứa con đang dòm ngó tài sản của tôi. Khi tôi chết, chúng sẽ chia nhau căn hộ trị giá hàng triệu nhân dân tệ”.
Theo ông Huang Donghui – giảng viên trường ĐH Hà Nam, hai lý do chính khiến con cái trưởng thành ngăn cản cha mẹ già tái hôn là (1) họ lo mất quyền thừa kế và (2) không muốn phải chăm sóc thêm một người già, đặc biệt khi người kia không phải là máu mủ của mình.
Con trai ông Chen giải thích: “Bây giờ nếu bố kết hôn, ông sẽ cho phép người phụ nữ mới (sau khi chết) được chôn cùng với người mẹ quá cố của tôi, vậy thì chúng tôi sẽ nghĩ gì khi đi thăm mộ họ? Sao bố không thể nghĩ một chút cho con mình?”.
Không muốn “cãi lời” các con, ông Li Fugui và bà Zhang Yue’e từ Ngân Xuyên, đã sống như vợ chồng bốn năm qua mà không kết hôn. Ông góp 1.200 tệ mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt. Khi ốm đau, con cái của ai sẽ chăm sóc người ấy.
Giải pháp “lạnh lùng”
Theo Luo Qiangqiang – giáo sư luật tại ĐH Ninh Hạ, nếu không làm hôn thú, không có gì đảm bảo quyền và lợi ích cho các cặp đôi già. Đôi bên có thể công chứng những tài sản trước hôn nhân của mình và làm di chúc để đảm bảo không có tranh chấp hay kiện cáo về sau.
Ông Chen Wubin, một luật sư, cho biết: “Việc công chứng tài sản nghe có vẻ lạnh lùng, nhưng nó thực sự giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống sau hôn nhân của các cặp vợ chồng cao tuổi”.
Nguồn: tuoitre.vn