Đã 5 năm trôi qua kể từ khi tập đoàn Molycorp, nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất nước Mỹ sụp đổ với khoản nợ lên đến 2,3 tỷ USD thì mỏ đất hiếm Mountain Pass ở sa mạc Mojave, bang California chìm trong hoang vắng.
Vụ sụp đổ đã khiến nước Mỹ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc trong việc cung cấp đất hiếm chứa 17 nguyên tố tối cần thiết cho hầu hết các ngành công nghiệp hàng đầu…
Đất hiếm là gì
Được tìm thấy ở vỏ trái đất, đất hiếm chứa 17 nguyên tố quan trọng, gồm scandium, yttrium, lanthanum, cerium, praseodymium, neodymium, promethium, samarium, europium, gadolinium, terbium, dysprosium, holmium, erbium, thulium, ytterbium và lutetium, sử dụng trong vệ tinh viễn thông, vệ tinh định vị, máy bay, xe hơi, hàng điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi màn hình tinh thể lỏng, pin mặt trời và nhiều thiết bị quân sự như tên lửa đạn đạo…, trong đó chất neodymium được dùng để chế tạo nam châm vĩnh cửu và máy phóng tia laser, xeri được sử dụng làm chất xúc tác, giúp tinh chế dầu mỏ, praseodymium dùng để tạo ra kim loại trong động cơ máy bay, dysprosi sử dụng làm hợp kim trong khi terbi làm vật liệu pha trộn còn lantan dùng để chế tạo thấu kính.
Tuy nhiên, một loại vật chất xem ra khá tầm thường nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào đất hiếm, đó là nam châm điện có trong ổ đĩa máy tính, trong turbin gió, trong động cơ của tất cả loại xe hơi chạy điện và nhiều máy móc tối tân khác. Nó chiếm 1/5 lượng tiêu thụ đất hiếm toàn cầu.
Mỏ đất hiếm Mountain Pass, bang California sau ngày đóng cửa. |
Trước khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra, không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia vẫn phải phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung cấp đất hiếm. Nước này sản xuất và kiểm soát 80% lượng đất hiếm toàn cầu. Có lẽ ý thức được vấn đề nhạy cảm nên lúc tiến hành áp thuế một số sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, Bộ Thương mại Mỹ không đưa đất hiếm vào danh sách thuế quan trong lúc Trung Quốc đe dọa hạn chế xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm sang Mỹ.
Để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng, Chính phủ Mỹ thúc đẩy tập đoàn MP Materials, là một trong những nhà cung cấp đất hiếm ở Mỹ tăng cường sản xuất loại vật liệu này nhưng đó chưa phải là nỗ lực duy nhất. Tháng 6-2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khởi động sáng kiến Quản trị tài nguyên năng lượng (ERGI), một nỗ lực nhằm thúc đẩy sự phát triển đất hiếm và các khoáng chất khác trên toàn thế giới. Các đối tác sáng lập ERGI ngoài Mỹ thì còn có Australia, Botswana và Peru. Bên cạnh đó, Mỹ và Greenland cũng hợp tác thực hiện những cuộc khảo sát từ không gian để thăm dò khoáng sản ở Greenland vì quốc gia này có đất hiếm. Đến tháng 7 cùng năm, tập đoàn Blue Line, Mỹ, ký thỏa thuận với tập đoàn Lynas, Australia nhằm phát triển cơ sở chế biến đất hiếm ở bang Texas.
Các ước tính về lượng đất hiếm trên toàn cầu rất khác nhau, trong đó Trung Quốc chiếm 55% dự trữ có thể khai thác, Mỹ là 10 đến 15%, Ấn Độ và Australia mỗi nước 3%.
Từ năm 1980 trở về trước, mỏ Mountain Pass ở bang California là nguồn cung cấp đất hiếm chủ yếu. Năm 1974, nó sản xuất được 19.900 tấn, chiếm 78% sản lượng toàn cầu nhưng đến năm 1992, con số này là 30% rồi năm 2002, nó chỉ còn 5% mà nguyên nhân là thời điểm 1990, cứ mỗi phút nó thải ra 3.145 lít chất thải mặn có dấu vết phóng xạ.
Do thiếu chỗ chứa, chất thải tràn ra sa mạc Mojave nên chính quyền bang California ra lệnh phải làm sạch. Và bởi vì kinh phí dùng cho việc làm sạch quá lớn nên cũng trong năm 2002, mỏ đất hiếm Mountain Pass đóng cửa.
Trung Quốc vào cuộc
Sau khi Molycorp sụp đổ, Trung Quốc lập tức thế chân với mục đích kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu về lĩnh vực đất hiếm. Năm 2005, một tập đoàn Trung Quốc đã cố gắng mua lại UNOCAL, là chi nhánh của Molycorp.
Năm 2007, Trung Quốc công bố chính sách phân bổ đất hiếm nhằm ưu đãi các nhà sản xuất nội địa đồng thời cắt giảm nguồn cung đất hiếm cho Công ty WR Grace, chuyên sản xuất chất xúc tác của Mỹ với lời nhắn nhủ rất rõ ràng: “Nếu bạn muốn tiếp cận đất hiếm, hãy chuyển công ty của bạn sang Trung Quốc. Bạn sẽ được ưu đãi”.
Thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi chỉ một thời gian sau, WR Grace Trung Quốc ra đời. Chưa hết, Trung Quốc cũng cố gắng mua cổ phần của tập đoàn Lynas Australia và Arafura Resources.
Trước đó, năm 1990, Trung Quốc đã mua lại Magnequench, một công ty con của General Motors, chuyên sản xuất nam châm vĩnh cửu ở Mỹ rồi ngay sau khi các điều kiện hạn chế được quy định trong hợp đồng hết hạn vào năm 2002, tất cả tài sản của Magnequench đã được chuyển đến Trung Quốc bởi các chủ sở hữu mới.
Tổng vốn hóa thị trường của 10 công ty hàng đầu Mỹ và phương Tây cộng lại chỉ chiếm khoảng 1/5 quy mô của một công ty Trung Quốc: Công ty Công nghệ cao đất hiếm Baotou Steel.
Tháng 9/2010, sau một vụ va chạm giữa tàu đánh cá của Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc cắt nguồn cung cấp đất hiếm cho Nhật và điều này đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới tìm kiếm con đường thay thế.
Chưa hết, đầu mùa hè 2020, Chính phủ Trung Quốc ngụ ý rằng họ có thể ngừng xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm sang Mỹ như là bước tiếp theo trong cuộc chiến thương mại, đã khiến các nhà lãnh đạo Mỹ lo ngại rằng nếu Trung Quốc ra tay, nó sẽ làm tê liệt nền kinh tế Mỹ và đe dọa an ninh quốc gia dù rằng người Mỹ vẫn có thể khai thác đất hiếm từ Australia và Nhật Bản.
Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ khai thác mà là ở khâu tinh chế. Lấy quặng ra khỏi lòng đất không phải là bước duy nhất để đảm bảo nguồn cung đáng tin cậy.
Quặng phải được sàng lọc để làm ra oxit đất hiếm rồi tinh chế thành kim loại đất hiếm, sau đó chuyển thành hợp kim đất hiếm để sản xuất nam châm đất hiếm cùng các vật liệu khác.
Hiện tại, phần lớn những công đoạn đó diễn ra ở Trung Quốc nên các chính trị gia Mỹ muốn chính phủ trực tiếp đầu tư để tạo ra chuỗi cung ứng đất hiếm cho quốc gia này bởi lẽ theo bảng tổng kết về khoáng sản năm 2020 của Cơ quan khảo sát địa chất liên bang Mỹ (USGS), có ít nhất 8 vật liệu chính mà Mỹ phải phụ thuộc vào Trung Quốc, trong đó có những loại như arsenic, dùng trong nông nghiệp, dược phẩm và quân sự, nhu cầu nhập khẩu là 100% thì Trung Quốc chiếm 90%. Hay như gallium, dùng để sản xuất chất bán dẫn thì nhu cầu nhập khẩu cũng là 100%, Trung Quốc chiếm 50%.
Vận chuyển đất chứa nguyên tố đất hiếm để xuất khẩu tại cảng Liên Vân, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. |
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IAEA, các công nghệ sử dụng năng lượng sạch thường yêu cầu nhiều khoáng chất hơn so với các công nghệ dựa trên nhiên liệu hóa thạch: “Một chiếc xe hơi điện sử dụng lượng khoáng chất gấp 5 lần xe hơi thông thường và một nhà máy điện gió cần đến lượng khoáng chất cao gấp 8 lần so với một nhà máy chạy bằng khí đốt có cùng công suất”.
Ông Nedal Nassar, trưởng bộ phận phân tích dòng nguyên liệu của Cơ quan khảo sát địa chất liên bang Mỹ (USGS) nói: “Lấy thí dụ như vonfram, một khoáng chất quan trọng sử dụng trong sản xuất xe hơi. Nếu bị cắt bỏ, tác động do nó gây ra có thể nhìn thấy rõ ràng trong suốt chiều dài của dây chuyền chế tạo, và người nhận hậu quả sau cùng chính là người tiêu dùng Mỹ”.
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Để không phải lệ thuộc nhiều vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã đề ra một số giải pháp bao gồm các dự luật nhằm giảm thuế cho ngành công nghiệp đất hiếm, thúc đẩy khai thác đất hiếm trong nước, phát triển công nghệ tái chế mới đồng thời ban hành đạo luật an ninh khoáng sản Mỹ trong bối cảnh các nhà khai thác, chế biến đất hiếm ở Trung Quốc đang được chính phủ trợ cấp để xây dựng thành một ngành công nghiệp và có kế hoạch sử dụng nó như một vũ khí địa chính trị chống lại phương Tây.
Trong bản báo cáo do Horizon Advisory – một công ty tư vấn Mỹ vừa công bố đã kết luận rằng Trung Quốc đánh giá cao ngành này vì tiềm năng thống trị địa chính trị hơn là giá trị thương mại.
Nathan Picarsic, người sáng lập HorizonAdvisory nói với tờ Wall Street Journal: “Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc không quan tâm đến vấn đề lợi nhuận kinh tế. Họ xem việc kiểm soát ngành đất hiếm như một con đường để giành chiến thắng mà không cần phải đánh nhau”.
Vẫn theo HorizonAdvisory, Trung Quốc có thể sẽ không loại trừ việc sử dụng đất hiếm làm đòn bẩy nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nếu nó cứ tiếp tục.
Cũng nằm trong chiến lược chống lệ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc, mỏ Mountain Pass, bang California, đã đóng cửa vào năm 2002 thì nay hoạt động trở lại với cái tên mới: MP Materials.
Một mỏ khác ở Australia dưới sự điều hành của tập đoàn Lynas cũng đã bắt đầu sản xuất đất hiếm quy mô thương mại, còn tập đoàn Alkane Resources, cũng ở Australia, có hơn 10 năm kinh nghiệm về khai thác đất hiếm, hiện đang phát triển hệ thống xử lý tinh quặng trong khi Lầu Năm Góc gần đây cũng tiến hành tài trợ cho việc sản xuất nam châm đất hiếm trong nước.
Việc thăm dò đã bắt đầu với các mỏ ở Mỹ cùng với một điều khoản được nêu ra trong Đạo luật ủy quyền quốc phòng Mỹ, cấm mua nam châm đất hiếm sản xuất tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, còn có những công ty không phải của Trung Quốc hoạt động ở Malaysia, Estonia, Pháp, Thái Lanvà một số nơi khác, có thể chế biến quặng thô cũng mong muốn mở rộng hoạt động với điều kiện có một thị trường đảm bảo.
Một số nguyên tố tách ra từ đất hiếm: Oxít xeri, oxít bastnasit, oxít neodymi và cacbonat lantan. |
Về phía Trung Quốc, các quan chức nước này vẫn chưa bình luận gì về những vấn đề vừa nêu ngoài việc họ vẫn khẳng định mình là đối tác thương mại đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Joe Manchin, thành viên Ủy ban Thượng viện về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên Mỹ, trong một phiên điều trần trước Quốc hội đã nói: “Nước Mỹ cần tập trung đầu tư vào các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản có thể tìm thấy trong nội địa đồng thời thực hiện chính sách tái chế các vật liệu quan trọng. Tất cả những điều này có thể làm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài đồng thời tạo ra việc làm ngay tại Mỹ”.
Với các thượng nghị sĩ Lisa Murkowski và Dan Sullivan, bang Alaska, Martha McSally, bang Arizona, những người đã đệ trình Đạo luật An ninh khoáng sản đều thống nhất nhận định: “Sự phụ thuộc của nước Mỹ cùng một số quốc gia khác vào Trung Quốc đối với những khoáng sản quan trọng đã gây ra tình trạng người lao động của chúng ta thất nghiệp, làm suy yếu khả năng cạnh tranh kinh tế và khiến chúng ta gặp bất lợi về địa chính trị”.
Theo các nhà phân tích, cuộc chiến đất hiếm sẽ còn kéo dài bởi lẽ các công ty Mỹ cùng một số quốc gia khác tự chủ được nguồn cung đất hiếm là chuyện khó có thể xảy ra một sớm một chiều trong lúc các nhà sản xuất sẽ không chịu ngồi im để đợi đến ngày đó…
Nguồn: vietnamnet