Đà Nẵng đang triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nhằm khống chế dịch Covid-19 sớm nhất.
Theo Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV, Đà Nẵng nằm ở nhóm các tỉnh, thành phố phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8.
7 ngày cần sự ủng hộ từ người dân
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, và theo Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, Ban chỉ đạo thành phố đã họp và quyết định xây dựng phương án “đặc biệt” với giả định nếu dịch bệnh không giảm.
Phương án được Bí thư Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh tại cuộc họp HĐND TP khóa X sáng 12/8, nếu dịch bệnh không giảm trong 4 ngày tới, TP sẽ áp dụng biện pháp “ai ở đâu phải ở đó” trong vòng 7 ngày dự kiến từ 16/8. Phương án này đưa ra được xem là điểm mấu chốt mà chính quyền TP Đà Nẵng lựa chọn, dồn sức và lực để cắt đứt nguồn lây nhiễm trong công cộng.
Lực lượng chức năng Đà Nẵng kiểm soát chặt người ra đường |
“Đây là biện pháp TP không mong muốn áp dụng và hy vọng không phải áp dụng, nhưng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì chúng ta phải chấp nhận hy sinh nhiều lợi ích để thực hiện. Khi áp dụng sẽ có nhiều khó khăn, nhất là cung ứng, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân toàn TP. Hiện nay TP đã có phương án về công tác này.
Đây là lần đầu tiên TP phải chuẩn bị một phương án đặc biệt, rất cần sự đồng lòng ủng hộ từ người dân” – ông Quảng cho biết.
Ngay sau thông điệp của lãnh đạo thành phố về phương án 7 ngày “tuyệt đối không ra khỏi nhà”, trong hai ngày 12 và 13/8, người dân Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị cho những ngày “ai ở đây, ở đó”, họ tới siêu thị, quầy hàng mua lương thực, thực phẩm với tinh thần “ở nhà 7 ngày” cùng thành phố dập dịch.
Tập trung chăm lo, đảm bảo đủ nhu yếu phẩm
Trong phương án nếu phải thực hiện “7 ngày ở nhà”, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp theo các quy định.
Ông nhấn mạnh việc chăm lo đời sống nhân dân, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm, nhất là ở khu vực phong tỏa cách ly, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời lưu ý trách nhiệm của các địa phương phải thường xuyên rà soát, cập nhật không bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ và không để bất kỳ người dân nào thiếu ăn.
Sau phương án và mục tiêu phấn đấu kiểm soát dịch trước ngày 25/8, nhiều quận, huyện ở Đà Nẵng đã bắt tay thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần chủ động.
Trao đổi với VietNamNet, ông Mai Niên, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết, khi dự 2 cuộc họp với lãnh đạo TP liên quan đến kế hoạch “người dân ở nhà 7 ngày” để phòng chống dịch, quận đã chuẩn bị các kế hoạch đúng với tình huống và thời gian “cách ly 7 ngày”.
“Chiều 13/8 chúng tôi triển khai và gửi mẫu đăng ký mua thực phẩm để các Tổ dân phố trên địa bàn phát tới người dân đăng ký. Tất cả hàng hóa sẽ được vận chuyển đến địa điểm mà các phường chuẩn bị sẵn…” ông Niên cho hay.
Người dân Đà Nẵng mua thực phẩm dự trữ |
Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Hồ Văn Khoa cho biết, quận đã làm việc với các nhà cung ứng trên địa bàn để nắm nguồn hàng và mua thực phẩm dự trữ tại các phường, khi người dân cần sẽ đáp ứng ngay. Đồng thời thiết lập đường dây nóng, lập danh sách những hộ dân khó khăn để TP cấp ngay thực phẩm sử dụng trong 7 ngày.
Theo ông Khoa, quận cũng lên danh sách các lực lượng làm nhiệm vụ được di chuyển trong thời gian 7 ngày, cấp thẻ nhận diện trong quá trình công tác. Còn với những lực lượng, phòng ban không được phân công nhiệm vụ phải ở tại nhà…
Ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cũng thông tin, trong thực hiện sẽ tập trung, ưu tiên hỗ trợ thực phẩm cho những đối tượng khó khăn, không thể tự lo được.
“Các phường sẽ chọn địa điểm như nhà sinh hoạt cộng đồng để nhà cung ứng chở hàng đến. Sau đó Tổ Covid-19 cộng đồng từng Tổ dân phố đến nhận hàng đã đăng ký về chia cho người dân. Tiền thực phẩm cũng được Tổ dân phố thu và trả khi đến nhận hàng trong thời gian 7 ngày”, ông Nhường nói.
Đà Nẵng có thể cắt đứt dịch trước 25/8?
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, hiện nay TP đã chủ động xây dựng các kịch bản và nguồn kinh phí trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu và số lượng các ca F0 tăng lên.
“Dự kiến nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch Covid-19 theo các kịch bản tình huống như có 3.000 ca F0 thì tổng nhu cầu chi gần 1.900 tỷ đồng, 4.000 F0 cần chi gần 2.200 tỷ đồng và 5.000 F0 cần chi 2.600 tỷ đồng.
Với ưu tiên ngân sách cho công tác phòng, chống dịch, TP đã thực hiện các giải pháp như rà soát, cắt giảm, sắp xếp các nhiệm vụ chi, sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định”, ông Chinh thông tin.
Đà Nẵng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân |
Theo ông, căn cứ vào phân tích tình hình dịch bệnh thực tế hiện nay, UBND TP sẽ báo cáo xin ý kiến Thành ủy, HĐND TP về các giải pháp mạnh hơn về cách ly, giãn cách để giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
“Với các giải pháp tổng thể quyết liệt được triển khai vừa qua và trong thời gian tới, TP rất mong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cùng thấu hiểu và chia sẻ khó khăn.
Tôi tin chắc rằng, với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, Đà Nẵng sẽ sớm đẩy lùi dịch Covid-19”, Chủ tịch Đà Nẵng nhấn mạnh.
Đặc biệt, thành phố cũng đang đẩy nhanh tiêm chủng,Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đến ngày 18/8 thực hiện hoàn thành 100% liều vắc xin đã được tiếp nhận.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, đến ngày 9/8, đã tiêm được tổng số 58.427 mũi (đạt 60% so với số vắc xin đã tiếp nhận), trong đó có 7.456 người đã tiêm đủ 2 mũi.
“Nếu số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ đủ như đề xuất của thành phố, dự kiến cuối năm 2021 – đầu năm 2022, đạt mục tiêu người dân trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo khả năng miễn dịch cộng đồng” – lời bà Yến.
Hiện nay dịch Covid-19 ở Đà Nẵng diễn ra nhanh với mức độ nguy hiểm cao. Tính từ ngày 10/7 đến 13/8, TP ghi nhận 1.609 ca mắc Covid-19, có 13 người tử vong.