Kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1-4), ngày 30-3 vừa qua, Trung tâm Thủy sản tỉnh Bình Phước đã thả 48 ngàn con cá giống, tương đương 2,4 tạ xuống hồ thủy lợi Phước Hòa. Đây là hoạt động thường niên của ngành thủy sản tỉnh nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Được biết cùng ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thả hơn 800kg cá giống xuống hồ Kẻ Gỗ. Việc thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động hết sức thiết thực và ý nghĩa, thể hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân chung tay bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Cùng với đó, hằng năm việc tái tạo nguồn lợi thủy sản còn được cộng đồng hưởng ứng thông qua hoạt động phóng sinh của các nhà chùa vào dịp tết nguyên đán và các dịp lễ trọng của Phật giáo. Tuy nhiên, dường như việc bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng như hoạt động phóng sinh của cộng đồng vẫn chưa giúp cân bằng được môi trường sinh thái bởi những bất cập trong việc phóng sinh cũng như nạn đánh bắt theo lối hủy diệt hiện nay.
Về hoạt động phóng sinh đã được nhiều người bày tỏ quan điểm là sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn: tăng cường đánh bắt để phục vụ phóng sinh, chưa nói tới rất nhiều người không biết cách phóng sinh hợp lý khiến con vật khó sống khi được thả về với thiên nhiên. Hẳn nhiều người còn nhớ dịp tết nguyên đán 2017 vừa qua, một nhà chùa ở phía Bắc cùng lúc thả 10 tấn cá xuống sông Hồng. Chưa nói đến việc trong số này có một lượng lớn cá chim trắng – loài cá ăn thịt các loài cá khác, thì việc đổ 10 tấn cá một lúc xuống sông Hồng cũng đã gây mất cân bằng sinh thái rồi. Tuy nhiên, sự bất cập lớn nhất vẫn là việc đánh bắt tận diệt đang ngày càng trở nên trầm trọng.
Hồ thủy lợi Phước Hòa thuộc địa phận xã Minh Thành, huyện Chơn Thành của Bình Phước và xã An Thái, huyện Phú Giáo của tỉnh Bình Dương. Cùng với cung cấp nước tưới phục vụ hàng ngàn hộ dân trong sản xuất nông nghiệp, lòng hồ Phước Hòa còn là kế sinh nhai cho hàng trăm hộ dân hai tỉnh bằng việc đánh bắt hải sản, nhất là nghề câu cá lăng nha – một loại cá đặc sản nổi tiếng. Trước đây, có người câu được cá lăng nặng gần 4kg, còn loại 2, 3 kg thì rất thường. Thế nhưng mấy năm gần đây, tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện không chỉ diễn ra trên lòng hồ Phước Hòa mà ở nhiều nơi như sông Đắk Huýt, hồ Cần Đơn, hồ Thác Mơ, hồ thủy điện Srok Phu Miêng, sông Bé… ngày càng phổ biến. Mỗi năm cơ quan chức năng đã xử lý hàng trăm vụ chích cá và cho các đối tượng làm cam kết không tái phạm. Thế nhưng cứ như bắt cóc bỏ dĩa, bắt hôm nay thì ngày mai họ sắm bộ kích mới và tìm đến nơi khác hành nghề.
Cách đây mấy ngày, chương trình Tiêu điểm của Đài Truyền hình Việt Nam liên tục phát những hình ảnh một số tàu thuyền ngư dân vùng biển Bình Thuận sử dụng giã cào, đánh thuốc nổ, dùng kích điện đánh cá, tận diệt môi trường biển. Và khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì có ngư dân chống trả quyết liệt. Việc sử dụng thuốc nổ, máy kích điện đánh cá khiến môi trường bị ảnh hưởng trầm trọng. Những nơi thường xuyên bị đánh bắt bằng thuốc nổ, kích điện sẽ không còn loài thủy sinh nào tồn tại. Chính vì thế, cùng với hành động thả cá, bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chính quyền các cấp cần chỉ đạo ngành chức năng có giải pháp hiệu quả hơn trong việc tuyên truyền cũng như xử lý đúng mức những hành vi phá hoại, hủy diệt môi sinh.
Nguyên Thủy