Học sinh vào lớp 1 ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành chưa thể đến trường do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phụ huynh cần đồng hành với con thế nào trong những buổi học trực tuyến ở lớp học đầu đời này?
* Cô Nguyễn Thị Thảo (giáo viên Trường tiểu học Minh Đạo, quận 5, TP.HCM):
Phụ huynh phải học cùng với con
Những năm tôi dạy lớp 1, điều giáo viên nào cũng thường làm là theo sát các bé, cầm tay hướng dẫn. Giờ học ở nhà, để có buổi học hiệu quả trước hết phụ huynh phải học với con, nghe bài giảng cùng con và làm bài cùng con. Dạy học online bài bản hiệu quả thì phần lớn phụ thuộc vào sự hợp tác tốt giữa phụ huynh và giáo viên.
Vì thế, để khỏi bỡ ngỡ cho con, những tuần đầu phụ huynh cùng nghe giảng và hướng dẫn lại cho con. Đó là phụ huynh có thời gian. Những phụ huynh bận rộn thì liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để cô dành thời gian thêm cho con.
Phụ huynh chủ động liên hệ giáo viên giúp đỡ riêng, hỏi con về tình hình buổi học để thông báo lại cho cô. Từ đó cô tính toán em nào như thế nào, để “bồi” thêm qua Zalo, Viber với phụ huynh. Tôi đã từng làm thế và thấy hiệu quả.
* Cô Tống Thị Mai Hương (phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP.HCM):
Chuẩn bị thật tốt cho con về tâm lý
Việc đầu tiên phụ huynh làm là tác động tâm lý cho các con, để con thấy học trước màn hình rất nhẹ nhàng vui vẻ. Các con quen suy nghĩ ngồi trước máy tính, iPad là chơi, như thế không phải. Nhưng đây là học mà rất thoải mái để con không sợ. Tâm lý rất quan trọng, đừng để con phải đặt nặng tâm lý học hành lúc này.
Tiếp theo, phụ huynh cần nắm chuẩn đầu ra ở lớp 1 là đọc thông viết thạo; làm toán đơn giản là đạt yêu cầu. Ngoài ra, các em lớp 1 cần biết nhận thức cuộc sống xung quanh hay sự giao tiếp giữa ba mẹ và mọi người; biết tự phục vụ.
Từ việc nắm bắt mục đích này, cha mẹ có thể đồng hành với con bằng nhiều cách. Chẳng hạn, cùng chơi với con, lấy bảng chữ cái, mô hình chữ cái ra chơi ghép vần. Một, hai tuần đầu là làm quen cô giáo. Các bạn nhỏ rất nhạy thì sẽ nắm bắt kịp khi giáo viên tương tác qua màn hình trực tuyến.
Thứ ba, cha mẹ phải chuẩn bị dụng cụ lớp 1 cho con, để đầy đủ bên cạnh khi con đang học trực tuyến. Có thể chuẩn bị không kịp bảng con thì thay vào đó là để bút, nháp, tập bên cạnh.
Chưa có sách giáo khoa cũng không sao, từ từ cô giáo sẽ từng bước đồng hành cùng con. Từ từ các con sẽ biết.
Đối với gia đình không trang bị được thiết bị thông minh hoặc chỉ có một laptop thì dùng điện thoại, máy tính bàn.
Quan trọng nữa là phụ huynh phải nêu khó khăn với giáo viên chủ nhiệm trong giai đoạn hai tuần tiếp xúc làm quen để giáo viên nắm bắt hỗ trợ đúng trường hợp.
* Cô Nguyễn Anh Thụy (khối trưởng khối 1, Trường tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM):
Tìm hiểu trước chương trình
Để con học hiệu quả hơn, phụ huynh nên tìm hiểu chương trình trước. Khi lớp 1 có danh sách rồi vào trang web của trường tìm hiểu sách giáo khoa, tìm nguồn tài liệu để tìm hiểu. Sau đó cha mẹ phối hợp chặt chẽ, dành thời gian trao đổi cách học, giải đáp thắc mắc với giáo viên.
Hơn nữa, phải hiểu lớp 1 khi dạy trực tiếp đã khó thì dạy qua màn hình còn khó hơn. Không phải phụ huynh nào cũng có thể dành hết được thời gian cho tất cả các ngày con học. Nên phụ huynh khi xong việc thì ngồi cùng con để nắm lại cách truyền tải của cô giáo và hướng con làm theo, làm lại.
Về kỹ năng viết, giáo viên quay clip viết mẫu, phụ huynh viết theo, không đẹp cũng được nhưng cần viết đúng quy tắc bút thuận. Bước đầu mình chịu khó. Trẻ con dạy đọc mà không dạy viết thì cũng rất khó nhớ mặt chữ. Đọc và viết phải song song với nhau.
* Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên (trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, TP.HCM):
Tránh tương tác một chiều
Để hình thức trực tuyến lớp 1 hiệu quả đòi hỏi kỹ năng cả hai phía: giáo viên và phụ huynh. Giáo viên chuẩn bị nội dung ghi hình hoạt động bằng những kênh khác nhau như gửi link, YouTube để phụ huynh dựa vào hướng dẫn.
Dạy trực tuyến “face to face” (mặt đối mặt – PV) lớp 1 không triển khai như vậy. Lớp 1 ban đầu sử dụng bút chì, giáo viên tìm cách hướng dẫn qua clip ghi hình. Giáo viên tiểu học dạy nhiều môn cũng là sự thuận lợi khi nắm được thông tin phụ huynh.
Những gia đình không có thiết bị thì cô giáo sẽ biết nên hướng dẫn như thế nào. Trường hợp cần thiết có thể nhờ địa phương chuyển bài tập bài học đến học sinh.
Vai trò của phụ huynh cực kỳ quan trọng. Giáo viên và phụ huynh khéo léo, chủ động kết nối sao cho tránh tương tác một chiều.
* Ông Thái Văn Tài (vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và đào tạo):
Không tạo áp lực cho học sinh
Năm nay nhiều nơi đến trường không được, bước đầu Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị các trường phải yêu cầu giáo viên liên hệ gia đình tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh: cha mẹ, người đỡ đầu, đang sống trong gia đình như thế nào…để nắm bắt thông tin mà phối hợp, hỗ trợ học sinh ở cấp học mới. Sau đó tùy vào khả năng đáp ứng của gia đình, điều kiện nhà trường, kỹ năng dạy của giáo viên mới chọn hình thức học tập.
Khi tổ chức dạy học thì tập trung tối đa môn tiếng Việt và toán, đặc biệt môn tiếng Việt. Để hỗ trợ địa phương, Bộ phối hợp với Đài truyền hình VN xây dựng 56 chủ đề học tập bằng tiếng Việt, bằng các video, clip giúp học sinh làm quen, học vần, kỹ năng ban đầu. 56 chủ đề này dùng chung cho tất cả các sách giáo khoa. Ngày 6-9 sẽ phát trên kênh VTV7 theo các khung giờ.
Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ gửi về từng địa phương và kho bài giảng, để các đài truyền hình địa phương phát đến các quận, huyện để phụ huynh dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, nhà trường tải bài giảng về gửi cho phụ huynh học sinh hướng dẫn cho con học môn tiếng Việt phù hợp, chủ động khung giờ.
Các nơi tùy điều kiện, máy móc thiết bị, giáo viên được tập huấn thì trường lên thời khóa biểu phù hợp đặc điểm tâm lý để tuyệt đối không gây áp lực cho học sinh.
Nguồn: tuoitre.vn