Nhiều công nhân từng mắc Covid-19 ở Bình Dương và Đồng Nai đến cơ sở y tế địa phương để xin giấy nghỉ việc thì không được cấp, dẫn đến tình trạng chưa nhận được tiền bảo hiểm xã hội.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet tại 2 tỉnh có số lượng công nhân tập trung lớn là Đồng Nai và Bình Dương, thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, nhiều người từng mắc Covid-19 đến các trạm y tế phường, xã để xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, nhưng không được cấp với các lý do khác nhau.
Nhiều lao động từng mắc Covid-19 không xin được giấy tờ để hưởng bảo hiểm xã hội |
Chị H.T.T.N. (SN 1997, quê Khánh Hòa, làm việc tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, vào ngày 20/11, sau khi đi làm ở công ty về, chị test nhanh tại nhà thì phát hiện mình dương tính với SARS-CoV-2.
Sau đó, chị N. thông báo cho Trạm y tế phường Dĩ An (TP Dĩ An) để được hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà.
Đến ngày 3/12, sau thời gian hoàn thành điều trị tại nhà, chị đến Trạm y tế phường Dĩ An để test và được nhận kết quả âm tính. Thời điểm này, phía công ty thông báo các trường hợp nghỉ việc do mắc Covid-19 phải xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Cơ quan bảo hiểm thanh toán 75% tiền lương cơ bản.
Lúc này, chị N. đến trạm y tế nói trên để xin giấy thì cán bộ y tế tại đây nói không cấp giấy này.
Ngoài trường hợp của chị N., nhiều công nhân khác tại Công ty YaZaki từng mắc Covid-19 cũng gặp muôn vàn khó khăn khi đi xin giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Anh N.V.T. (SN 1993), làm việc tại Công ty Taekwang Vina (KCN Biên Hoà 2, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) cho hay, trong đợt dịch bùng phát vào tháng 9 vừa qua, anh không may mắc Covid-19. Sau một thời gian điều trị khỏi bệnh, anh trở lại công ty làm việc và làm thủ tục hưởng chế độ nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người mắc Covid-19.
Lúc này, công ty thông báo ngoài giấy chứng nhận đã hoàn thành cách ly và khỏi bệnh, anh phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do cơ sở y tế cấp thì mới đủ điều kiện để hưởng chế độ.
Khi quay trở về trạm y tế địa phương để xin giấy thì không được cấp do “chưa có chỉ đạo”.
Ông Đinh Sỹ Phúc – Chủ tịch công đoàn Công ty Taekwang Vina cho biết, hiện nay công ty có hơn 4.000 công nhân thuộc diện F0 và F1 phải cách ly điều trị. Tuy nhiên, sau khi điều trị khỏi bệnh thì công nhân rất khó xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội từ cơ sở y tế địa phương.
Đại diện công đoàn Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam cũng thông tin, doanh nghiệp này có nhiều trường hợp công nhân từng mắc Covid-19 đã khỏi bệnh và đi làm trở lại. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho người mắc Covid-19 theo quy định thì địa phương lại không cấp với nhiều lý do khác nhau.
“Việc địa phương không cấp giấy khiến rất nhiều công nhân của doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa nhận được tiền chế độ bảo hiểm xã hội”, vị đại diện nói.
Tháo gỡ cho công nhân F0
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho hay, thời gian qua có tình trạng cơ sở y tế địa phương không cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nguyên nhân được đưa ra là số lượng cán bộ, nhân viên y tế bị hạn chế, trong khi đó ở cơ sở lại phải làm nhiều việc khác nhau, cấp nhiều loại giấy tờ cho người dân mỗi ngày.
Để tháo gỡ khó khăn cho người lao động, ngày 7/12, Sở ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung việc cấp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động bị mắc Covid-19.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị bệnh viện, trung tâm y tế, bệnh viện dã chiến, khu điều trị F0, trạm y tế các xã, phường, thị trấn, trạm y tế lưu động tuân thủ việc cấp và quản lý giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Với ngành y tế Bình Dương, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương cho biết, đơn vị đã ghi nhận những khó khăn của người lao động khi đi xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Ngành y tế tỉnh cũng đã phối hợp với các địa phương, sở ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc cấp giấy cho người lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Nguồn: vietnamnet