Đại diện Cục Điện ảnh cho rằng, vì LHP Quốc tế Hà Nội 2 năm mới tổ chức một lần nên để hâm nóng được tên tuổi LHP trong giới chuyên môn lẫn những người làm phim trong ngoài nước là rất khó.

Chiều 23/8 tại Văn phòng Bộ VHTT&DL đã diễn ra buổi họp báo đầu tiên về LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V được tổ chức từ diễn ra từ ngày 27-31/10. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc dù đã diễn ra 4 mùa nhưng LHP Quốc tế Hà Nội vẫn bị xem mờ nhạt, chưa tạo được dấu ấn đối với khách quốc tế lẫn giới làm phim trong nước, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho rằng, các liên hoan phim quốc tế trên thế giới bao giờ cũng tổ chức hàng năm, duy nhất LHP quốc tế ở Bình Nhưỡng là 2 năm/lần, Việt Nam cũng 2 năm/lần.

Vì thế, LHP có sự ngắt quãng và rất khó đối với BTC mỗi khi muốn hâm nóng tên của LHP. Thêm vào đó, các LHP quốc tế trên thế giới có BTC riêng biệt và chuyên nghiệp còn chỉ được giao chức danh kiêm nhiệm.

Bà Ngô Phương Lan (đứng) trả lời các thắc mắc của báo chí xung quanh việc tổ chức LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V. Ảnh: Tùng Long.

Bà Ngô Phương Lan (đứng) trả lời các thắc mắc của báo chí xung quanh việc tổ chức LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V. Ảnh: Tùng Long.

“Việc chính của tôi là Cục trưởng Cục Điện ảnh nên chia sẻ giữa quản lý nhà nước với việc tổ chức sự kiện điện ảnh này cũng là sự thách đố. Nhưng trong luật Điện ảnh quy định, Cục đứng ra chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức LHP quốc gia và LHP quốc tế, như thế cần bộ máy chuyên nghiệp để làm nhưng không thể.

Đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là những người làm điện ảnh và khán giả yêu điện ảnh. Bình thường, để tiếp cận với phim của các nền điện ảnh khác không hề dễ. Chẳng hạn, nay năm, nếu tính cả các phim của điện ảnh Việt Nam là LHP Quốc tế Hà Nội lần V sẽ quy tụ 50 nền điện ảnh, 50 tiếng nói khác nhau. Nếu chỉ trông vào phát hành phim thì khán giả chỉ có thể xem phim Mỹ, Hàn Quốc, Việt Nam…

Nếu sòng phẳng chuyện mua vé, chiếu khoảng 100 phim truyện trong và ngoài nước và 60 phim ngắn thì gói kinh phí phải mua vé là không nhỏ. Nhưng BTC xin tài trợ từ nhiều tổ chức, cá nhân nên toàn bộ vé đều là vé mời. Mọi người trải nghiệm bầu không khí điện ảnh trong rạp chiếu và ngoài trời”, bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh.

Về kinh phí tổ chức LHP năm nay, bà Ngô Phương Lan cho biết, hiện Bộ VHTT&DL chưa duyệt con số chính thức nên BTC chưa công bố được. Hiện kinh phí dự trù đang được Cục Điện ảnh lên hạch toán. Năm nay, BTC sẽ cố cố gắng vì xã hội hoá kinh phí vì vào thời điểm kinh tế khó khăn nên nguồn ngân sách cho sự kiện này khá eo hẹp, Bộ VHTT&DL cũng sẽ giám sát chặt chẽ hơn mọi năm. Riêng kinh phí tổ chức Gala Dinner tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì TP. Hà Nội sẽ lo.

Thông tin mới nhất từ BTC cho biết, LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V dự kiến sẽ có khoảng 1200 đại biểu trong – ngoài nước tham dự. Đặc biệt, Agata Trzebuchowska – diễn viên người Ba Lan, người đã thể hiện thành công vai nữ chính trong phim “Ida” của đạo diễn Pawel Pawlikowski, phim từng đoạt giải thưởng “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2015”. Hiện BTC vẫn đang điều đình với một số ngôi sao đình đám của nhiều nền điện ảnh thế giới để mời họ tới tham dự sự kiện này.

Bắt đầu làm việc từ tháng 3/2018, Hội đồng sơ tuyển của LHP đã tuyển chọn từ hơn 500 phim truyện, phim ngắn (tài liệu, khoa học, hoạt hình) của gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Estonia, Đức, Hungary, Hà Lan, Italy, Latvia, Luxemburg, Nga, Pháp, Thụy Điển, Argentina, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Eduado, Mexico, Peru, Mỹ…

Khẩu hiệu của LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V là “Điện ảnh – Hội nhập và phát triển bền vững” với mục đích tạo cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam ra khu vực và thế giới; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, ổn định thông qua hình ảnh Thủ đô Hà Nội thân thiện, mến khách với bề dày ngàn năm văn hiến, cảnh quan tươi đẹp và thanh bình.

LHP sẽ vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, sáng tạo, khuyến khích những tài năng mới của điện ảnh. LHP lần này phát huy tinh thần thân ái, hợp tác giữa các nhà làm phim, đại biểu, khách mời vì sự phát triển của điện ảnh đồng thời giới thiệu các tác phẩm đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới.

Toàn cảnh buổi họp báo về LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V diễn ra chiều 23/8. Ảnh: Tùng Long.

Toàn cảnh buổi họp báo về LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V diễn ra chiều 23/8. Ảnh: Tùng Long.

Một điểm mới khác nữa, LHP năm nay, BTC sẽ chọn nhiều hơn phim Việt Nam tham dự các chương trình, hạng mục tại LHP. Chương trình phim mới của điện ảnh Việt Nam giới thiệu những bộ phim truyện tiêu biểu, đa dạng về phong cách, đề tài từ sau LHPQTHN lần thứ IV (từ tháng 11/2016 đến nay). Các bộ phim truyện tham dự Chương trình Phim truyện Việt Nam đương đại sẽ có cơ hội được khán giả bình chọn giải “Phim truyện được yêu thích nhất”. Bên cạnh đó còn có 2 chùm phim tài liệu, khoa học và chùm phim hoạt hình Việt Nam.

Ngoài phim dự thi của các thể loại phim truyện, tài liệu, hoạt hình, LHP còn có các chương trình phim hấp dẫn như: Chương trình điện ảnh toàn cảnh; Chương trình tiêu điểm điện ảnh… BTC đã lựa chọn những bộ phim truyện mới sản xuất của Điện ảnh Việt Nam để trình chiếu phục vụ khán giả trong LHP. Đây là những bộ phim ít nhiều có dấu ấn trong những năm trở lại đây, được khán giả yêu thích và ủng hộ.

Lễ Khai mạc và Lễ Bế mạc – Trao giải sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Trong khuôn khổ LHPQTHN lần thứ V còn diễn ra nhiều hoạt động, như: Trại sáng tác tài năng trẻ HANIFF 2018; Chợ dự án phim; Triển lãm: “Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam” và một số hội thảo: “Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan”, “Kinh nghiệm thành công quốc tế của Điện ảnh Iran”.

Theo Dân Trí

Từ khóa : Bà Ngô Phương LanCục điện ảnhCục trưởng Cục Điện ảnhLHP Quốc tế lần thứ V

Các tin liên quan đến bài viết